Tối qua 18/7, bão vượt qua khu vực giữa đảo Hải Nam và Lôi Châu (Trung Quốc) để tiến vào vịnh Bắc bộ. Lúc này, bão gần như đạt cường độ mức siêu bão, với gió mạnh cấp 15, giật tới cấp 16-17.
Sau khi vào vịnh, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, với tốc độ khoảng 20km/h để cập bờ vùng Móng Cái, giáp biên giới với Trung Quốc vào sáng nay. Sau đó, bão sẽ đi dọc theo vùng núi Bắc bộ và suy yếu dần. Như vậy, so với dự báo trước đó, bão số 2 đã đi lệch hơn về phía Bắc, gần với khu vực biên giới với Trung Quốc.
Đường đi của cơn bão số 2, cập nhật lúc 22h ngày 18/7
Do ảnh hưởng bão, vùng biển bắc vịnh Bắc bộ (gồm các đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13 - 14. Biển động dữ dội.
Sóng biển cao 5-6 mét. Các tỉnh miền Bắc, nhất là các tỉnh vùng núi sẽ có đợt mưa to đến rất to. Dự báo, từ hôm nay đến ngày mai (20/7), lượng mưa trung bình 200-300 mm, có nơi 400-500mm. Các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ lũ quét, sạt lở trên diện rộng, nhất là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.
Kiên quyết di dời dân
Tại Nam Định, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Phùng Hoan, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất các phương án chống bão trước 16 giờ hôm qua. Tại 3 huyện ven biển là Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu có 3 đoàn công tác, mỗi đoàn do một Phó chủ tịch tỉnh dẫn đầu để chỉ đạo chống bão.
Tỉnh đã gọi 1.942 tàu thuyền về nơi trú tránh, neo buộc an toàn. Ngoài ra, hơn 881 người ở các chòi canh nuôi trồng thủy sản cũng được gọi lên bờ. Theo ông Hoan, toàn tỉnh có 16 điểm xung yếu, hiện các huyện đã bố trí phương án 4 tại chỗ ứng trực. Nam Định cũng rút nước đệm nội đồng ở mức khống chế; củng cố bờ vùng, bờ bao, kiểm tra máy móc thiết bị, hệ thống lưới điện của các trạm bơm để chủ động phòng chống ngập úng khi mưa lớn.
Trong khi đó, tại Thái Bình, ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh cho biết, Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu dừng các cuộc họp để tập trung chống bão, mọi công tác chuẩn bị phải xong trước 15 giờ ngày 18/7.
Theo ông Nhuận, hiện toàn tỉnh có trên 1.200 tàu thuyền (hơn 3.360 lao động) đã gọi vào khu vực neo đậu tránh bão; có 35 tàu của Thái Bình cũng đã về khu neo đậu ở tỉnh khác. Ngoài ra, một số tàu thuyền của Thanh Hóa, Bình Định, Hải Phòng đã về Thái Bình trú bão.
Thái Bình cũng yêu cầu, gọi toàn bộ dân ở các chòi ngao, đầm chính, một số khu vực nhà yếu ở ngoài đê ở hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy vào khu an toàn. Số dân di dời đến 18 giờ hôm qua là trên 4.700 người.
Tại Hải Phòng, theo UBND huyện Cát Hải, chiều tối 18/7, huyện đảo này đã thực hiện sơ tán hơn 1.000 dân vùng trũng tại đảo Cát Hải tới các nhà cao tầng, trụ sở trường học, cơ quan, đưa phụ nữ và trẻ em tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Cát Bà lên bờ. Toàn bộ tàu thuyền đã được neo đậu tại nơi tránh trú an toàn, các tuyến đê kè xung yếu đã được gia cố.
Sẵn sàng nghênh đón tâm bão
Báo cáo của tỉnh Quảng Ninh tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chiều 18/7, cho biết, để ứng phó với cơn bão số 2, ngay từ ngày 17/7, tỉnh đã chỉ đạo ngừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, ban hành lệnh cấm biển, tất cả các tàu thuyền phải về nơi tránh, trú an toàn, trong đó hướng dẫn 100% tàu đánh bắt xa bờ và tàu du lịch vào đất liền, sơ tán người dân trên các lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản từ biển lên đất liền.
Tàu cá về nơi tránh bão. Ảnh chụp chiều 18/7 tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Thành Duy
Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 18/7, toàn bộ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã rời khỏi bến tàu Bãi Cháy về các bến neo đậu an toàn theo quy định. Trước đó, từ trưa 17/7, toàn bộ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã bị cấm ra khơi. Được biết, đa số tàu du lịch tại bến tàu Bãi Cháy đã di chuyển về bến tàu Gia Luận (đảo Cát Bà, Hải Phòng) tránh trú bão. Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh này đã cấp vật tư cho các địa phương để sẵn sàng phòng chống bão: Vân Đồn 2.000 bao tải, 1.000 m2 vải bạt; Cô Tô 5.000 bao tải, 1.000 m2 vải bạt, 100 rọ thép; Hoành Bồ 2.000 bao tải, 500m2 vải bạt. Toàn bộ 8.700 tàu thuyền, trong đó có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ và hơn 300 tàu du lịch đã về bến neo đậu an toàn.
Họp trực tuyến lúc 22 giờ đêm
Lúc 22 giờ đêm 18/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến công tác phòng chống lụt bão tại tỉnh Quảng Ninh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc báo cáo với Phó Thủ tướng các biện pháp cấp bách phòng chống lụt bão mà tỉnh Quảng Ninh đã triển khai. Theo đó, toàn bộ tàu thuyền đã về nơi neo đậu an toàn, di dân khỏi vùng nguy hiểm, đưa hơn 1.300 khách du lịch tại huyện Cô Tô và đảo Quan Lạn, đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn) về đất liền an toàn.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương báo cáo đến 22 giờ, bão đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) giảm đi 1 cấp, còn gió cấp 14, bão cách Móng Cái 200km, cường độ cơn bão không giảm nhưng phạm vi đã giảm. Mắt bão dự báo sẽ đi thẳng vào TP Móng Cái. Móng Cái sẽ có gió cấp 11-12, giật cấp 13-14. Nước thủy triều dâng không đáng ngại. Cơn bão có tiềm năng mưa rất lớn, miền núi phía Bắc sẽ có cường độ mưa lớn 400-500mm, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất rất cao. Tại đầu cầu Móng Cái, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định đây là cơn bão lớn nhất trong 10 năm qua mà ông thấy. Bộ trưởng đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc phòng chống bão. Tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý Quảng Ninh phải chuẩn bị ứng phó với tình huống rất xấu.
Tính đến 22g30 đêm 18/7, tại TP Móng Cái đã tổ chức di dời gần 1.000 hộ dân trong tổng số hơn 2.000 hộ dân ở vùng xung yếu, vùng ngập, vùng nguy hiểm. Công tác di dời tiếp tục được thực hiện trong đêm, đảm bảo hoàn thành trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Hai xã đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (Móng Cái) cũng đã tổ chức sơ tán tại chỗ, chuẩn bị công tác phòng chống bão.
Lúc 23g30 ngày 18/7, tại Quảng Ninh đã bắt đầu có mưa...
Đỗ Hoàng