Ảnh: Hải Lê/TT&VH.
Theo trang VnExpress, sáng 12-2, Cụ Rùa xuất hiện gần khu vực đền Ngọc Sơn với nhiều vết thương trên mai và cắn vào hai ống cao su nối từ bờ ra đền.. Xuất hiện gần khu vực đền Ngọc Sơn khoảng 10h sáng 12-2, Cụ Rùa quẫy khá mạnh khiến màu nước xanh của hồ Gươm vẩn đục, nổi lên những gợn bùn đen. Sau đó Cụ Rùa nổi lên và tiến sát vào bờ ở phía đường Đinh Tiên Hoàng. Khi vướng phải hai ống cao su nối từ bờ ra đền Ngọc Sơn, cụ cắn và húc vào đường ống này.
Trong khoảng thời gian nổi chừng 10 phút, có lúc tiến rất sát bờ, nhiều người dân đã kịp quan sát thấy nhiều vết thương trên mai và đầu của cụ.
Trước đó, vào ngày 10-12-2010, Cụ Rùa Hồ Gươm đã nổi lên mặt nước, để lộ một số vết thương trên người. Từ đó cho đến tháng 1-2011, các báo, trong đó có Tiền Phong đã đăng nhiều tin bài về tình trạng nguy hiểm của Cụ Rùa, căn nguyên và nêu các ý kiến khác nhau về giải pháp cứu Cụ Rùa.
Ngày 11-2, tờ Thể thao & Văn hóa, đăng ảnh của nhà nhiếp ảnh Hải Lê, trong đó Cụ Rùa có dấu hiệu bị khá nhiều vết thương và những vết thương đều có dấu hiệu lở loét không chỉ ở cổ, mai, mà ở quanh thân, các kẽ chân, móng chân, da... của Cụ Rùa đều có. Điều đặc biệt là nhà nhiếp ảnh đã chụp được bức ảnh này khi Cụ Rùa thò chân lên thành bờ hồ dường như có ý định trèo khỏi hồ.
Bài báo trên TT&VH dẫn lời PGS-TS Hà Đình Đức cho rằng đây là lần đầu tiên Cụ Rùa thò chân lên bờ. Lần đầu tiên, người ta được nhìn thấy bàn chân cụ với 3 cái móng màu vàng. Không chỉ trên mai, bàn chân cụ cũng bị lở loét hết cả. Vết cứa trên cổ còn đỏ, cụ như muốn bò lên bờ như thể kêu cứu.
Việc Cụ Rùa thò cái chân với nhiều dấu hiệu bị lở loét lên có là ngẫu nhiên không khi ông Đức cho biết thêm, các lần bị thương, từ năm 1998 đến nay, cụ luôn nhô lên như để “báo” cho mọi người biết? Chính vì thế mà ngày 24/3/1998, mới ghi hình được cảnh cụ bị thương trên lưng. Đến năm 2002, trong một lần nổi lên, cụ lại “báo” cho biết vết thương đã lành.
Lý giải về các vết thương vết loét trên thân thể Cụ Rùa, có nhiều ý kiến khác nhau. Có thể là do cụ vị va vào các vật sắc nhọn. Cũng có thể cụ bị rùa tai đỏ mà một số người thiếu hiểu biết thả xuống Hồ Gươm gặm mai?
Gần đây, còn có nhận xét rằng Cụ Rùa hay nổi hơn rất nhiều so với trước đây. Liệu điều đó có liên quan đến việc nước Hồ Gươm giờ rất cạn (hầu hết chỉ sâu 0,40 đến 0,60m) dẫn đến tình trạng ô nhiễm tăng lên?
Tờ VnExpress nêu nhận định của PGS-TS Hà Đình Đức rằng với những biểu hiện thời gian gần đây như nổi thường xuyên, nổi lâu kèm nhiều vết thương chứng tỏ sức khỏe của Cụ Rùa đã sụt giảm khá nhiều. Ông cũng cho biết, trong tháng 2 này các nhà khoa học sẽ cùng họp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội để bàn cách cứu Cụ Rùa.
Tin bài liên quan
> Vẫn đang tìm cách cứu 'cụ' Rùa
> 'Cụ' rùa hồ Gươm lại nổi
> Có đưa 'cụ Rùa' lên bờ?
> Hai đề xuất đơn thuốc cho 'cụ' Rùa
> Đưa chuyện Cụ Rùa ra quốc tế
> Phỏng vấn cụ Rùa
> Sẽ đưa Cụ Rùa lên bờ chữa bệnh
> Cụ Rùa nổi liên tục
> Sẽ đưa Cụ Rùa lên bờ chữa bệnh
> Cụ rùa lại thoi thóp nổi hàng giờ ở Hồ Gươm
> Hồ Gươm có hai cụ rùa?
> Nấm độc tấn công Cụ Rùa
> Thận trọng khi đưa 'cụ' rùa lên bờ
Nguyễn Lâm tổng hợp