Báo động: 121 ổ dịch sốt xuất huyết, 10 ổ dịch tay chân miệng bùng phát ở TPHCM

TPO - Cả 2 loại truyền nhiễm nguy hiểm là sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp tại TPHCM. Ngành y tế kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sự an toàn cho cả cộng đồng.

Ngày 31/5, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, bệnh SXH và TCM đang có xu hướng tăng nhanh. Trong 5 tháng đầu năm 2022 hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của thành phố đã ghi nhận 10.052 trường hợp mắc SXH tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 (6.867 ca).

Đáng lưu ý số ca bệnh nặng ở mức cao, hiện đã ghi nhận 194 ca trường hợp mắc SXH mức độ nặng tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca), trong đó có 7 ca tử vong. Chỉ tính riêng trong tuần 21 (từ ngày 20/5/2022 đến 26/5/2022), thành phố ghi nhận 1.402 ca mắc SXH, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn TPHCM đã có hơn 10.000 người mắc SXH

Trong tuần 21 toàn thành phố ghi nhận 121 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 71 phường, xã thuộc 15/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức. Số ổ dịch tuần 21 tăng 42 ổ dịch mới so với tuần 20. Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 21 năm 2022 là 567 ổ dịch.

Bên cạnh đó, bệnh TCM ở trẻ cũng đang tăng nhanh, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 3.699 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 96% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh. Trong tuần 21 thành phố ghi nhận thêm 1.070 ca bệnh tay chân miệng, tăng 481 ca (81,7%) so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Trong tuần 21 toàn thành phố ghi nhận 10 ổ dịch TCM mới phát sinh tại 5 quận huyện (Quận 3, Quận 7, Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân). Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 40 ổ dịch TCM trên toàn địa bàn.

Gia đình, nhà trường cần tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ trước cả bệnh SXH và TCM

Trước tình hình trên, ngành y tế thành phố kêu gọi cộng đồng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch SXH và TCM. Cụ thể, với SXH mỗi người, mỗi nhà, cơ quan, xí nghiệp, trường học… cần tăng cường biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, loại bỏ những vật dụng hoặc đồ phế thải có thể chứa nước để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi truyền bệnh; ngủ mùng thường xuyên, sử dụng các loại hóa chất để diệt muỗi và xua đuổi muỗi.

Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, phụ huynh, người trông giữ trẻ cần tăng cường vệ sinh bàn tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, vệ sinh định kỳ và khử khuẩn đồ chơi, nơi trẻ vui chơi, không cho trẻ ăn uống chung, đảm bảo thức ăn, nước uống của trẻ đã được nấu chín. Khi trẻ có biểu hiện bệnh cần được nghỉ học ở nhà, đến bệnh viện thăm khám, điều trị cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn mới cho trẻ trở lại trường học.

Cả hai loại bệnh SXH và TCM hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu thực hiện triệt để những biện pháp phòng ngừa sẽ giảm tối đa nguy cơ nhiễm bệnh cho cộng đồng. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, hỗ trợ các biện pháp điều trị (nội trú hoặc ngoại trú) để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.