‘Bảo bối’ dây an toàn trên xe hơi vẫn bị coi nhẹ tại Việt Nam

TPO - Không phải ngẫu nhiên mà dây an toàn được trang bị tại mọi vị trí ngồi trên ô tô chứ không phải chỉ là ghế lái, đây là thiết bị an toàn hiệu quả nhất để cứu mạng con người, nhưng vẫn còn bị coi nhẹ tại Việt Nam.
Với những va chạm mạnh như thế này, không cài dây an toàn có thể coi là ký vào giấy "tử"

Không cài dây an toàn, có thể văng ra khỏi xe

Tại Việt Nam, tuy tốc độ lưu thông còn không cao, nhưng không hiếm các vụ tai nạn mà những người ngồi trong xe sau đó đã văng ra khỏi xe, tử vong thương tâm. Có thể kể đến vụ tai nạn ngày 24/10/2016 tại Thường Tín Hà Nội, khi chiếc Honda CR-V bị tàu hỏa đâm, 2 có tới 4 nạn nhân bị văng ra khỏi xe và tử vong.

Mới đây nhất, rạng sáng ngày 5/3, chiếc xe Range Rover Evoque chạy với tốc độ cao đã đâm vào đuôi xe container chạy cùng chiều, khiến xe lộn nhiều vòng, cả 2 người trong xe đều văng ra ngoài, người phụ nữ ngồi bên ghế phụ tử vong còn người lái xe bị thương nặng.

Trong cả 2 vụ tai nạn trên, nhiều người cho rằng nguyên nhân bị văng ra khỏi xe là bởi những người ngồi bên trong không cài dây an toàn. Dây an toàn có trách nhiệm giữ chặt người lái và hành khách  ở trên ghế, việc không cài dây an toàn và chịu lực va đập mạnh có thể khiến những người trong xe văng ra ngoài, tăng nguy cơ thương vong lên nhiều lần.

Trong nhiều vụ tai nạn khác tại Việt Nam và đặc biệt là tại nhiều nước trên thế giới, có hệ thống đường cao tốc hiện đại và các xe dù lưu thông với tốc độ rất cao, nhưng khi va chạm vẫn bảo toàn tính mạng cho người ngồi trong xe, dù xe lộn nhiều vòng. Dây an toàn, cùng với sự hỗ trợ của các trang bị an toàn khác, rất có thể đã cứu sống người trên xe khỏi thương vong vì văng ra khỏi xe.

Dây an toàn cứu người như thế nào?

Dây an toàn có tác dụng giữ người lái và hành khách trên những chiếc ghế. Khi xảy ra va chạm, phần khung xe sẽ là nơi chịu lực va chạm lớn nhất, nó sẽ hấp thụ và triệt tiêu phần lớn lực để không gây tác động lên người ngồi bên trong xe.

Túi khí sẽ là trang bị an toàn tiếp theo, nếu người bên trong thắt dây an toàn, túi khí nổ sẽ giúp người bên trong không bị tổn thương khi va chạm vào các vật phía trước theo quán tính vụ va chạm (vô lăng, kính lái phía trước...). 

Ở những chiếc xe hơi phổ thông, túi khí được trang bị ít nhất cho ghế lái và ghế phụ phía trước, còn trên những chiếc xe đắt tiền hơn, túi khí được trang bị xung quanh xe để giảm thiểu thương vong bởi cả những va chạm bên hông hay lật xe.

Về cơ bản, túi khí sẽ vô dụng nếu như người trong xe không thắt dây an toàn, bởi lực nổ của túi khí là không hề nhẹ, và nó thậm chí còn gây thương vong lớn hơn nếu nổ trong khi va chạm mà người trong xe không thắt dây an toàn. 

Trong nhiều trường hợp, chỉ cần thắt dây an toàn là hành khách đã tránh khỏi thương vong mà chưa cần sự trợ giúp của túi khí, bởi phần khung xe đã hấp thụ hết các lực còn dây an toàn đã giữ hành khách trên ghế lái và đảm bảo không bị văng người ra phía trước hay thậm chí văg ra khỏi xe.

Dây an toàn vẫn bị coi nhẹ tại Việt Nam

Ở các nước phát triển, việc cài dây an toàn bất kỳ khi nào bước lên xe đã trở thành 1 thói quen, tuy nhiên ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đây vẫn là 1 vấn đề lớn.

Đáng chú ý, ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ cài dây an toàn khi ngồi trên xe hơi là rất thấp. Theo thống kê của Tập đoàn ô tô Toyota Nhật Bản, toàn khu vực này có tỉ lệ cài dây an toàn chỉ 25%, quá thấp so với con số trên 90% tại Nhật Bản. Trong đó, cao nhất khu vực là Thái Lan và Indonesia với tỉ lệ cài dây an toàn là 30%, còn Việt Nam nằm trong số những nước ít cài dây nhất với tỉ lệ chỉ 20%.

Đối với người Việt, cài dây an toàn là không cần thiết ở tốc độ thấp, là làm mất đi vẻ sang trọng khi lái ô tô, là khiến chiếc áo sơ mi hay áo vest bị nhăn nhàu, là hàng trăm lý do khác. Nếu chiếc xe có hệ thống báo cài dây an toàn, nhiều người sẽ ngay lập tức “cài đểu” trước khi ngồi vào ghế xe, hoặc vắt ra phía sau ghế và chỉ kéo lên khi cần che mắt lực lượng CSGT để tránh bị xử phạt.

Việc không có thói quen cài dây an toàn khiến mỗi lần cài dây là mỗi lần vướng víu khó chịu, vì thế nhiều người bỏ qua cả việc cài dây an toàn dù đang chạy trên đường cao tốc với vận tốc từ 80-100 km/h. Khi xảy ra tai nạn, thương vong là điều khó tránh.

Đặc biệt hơn nữa, trong khi dây an toàn được trang bị trên mọi vị trí ngồi và yêu cầu cả lái xe và hành khách đều phải cài dây trước khi xe lăn bánh, nhưng tại Việt Nam, hầu hết hành khách không nghĩ tới việc phải cài dây an toàn. Nhiều người lái đã hiểu rõ tầm quan trọng của dây an toàn, nhưng việc nhắc nhở những người ngồi trên xe mình cài dây là điều gần như không có.

Khi gặp tai nạn, người ta có thể đổ lỗi thương vong cho chất lượng xe không đủ cứng, hay túi khí không chịu nổ, nhưng người ta quên đi rằng dây an toàn, thứ được trang bị trên mọi chiếc xe, đã bị bỏ quên. Khi không có ý thức cài dây an toàn mỗi khi xe lăn bánh, thì cho dù chiếc xe có cứng đến đâu, túi khí có nhạy cỡ nào, cũng không thể đảm bảo an toàn hay thậm chí là tính mạng cho người ngồi trên xe, trong các vụ tai nạn với lực va chạm mạnh, hay chạy ở tốc độ cao.