Bắt đầu và trở nên phổ biến từ vài năm nay nhưng trào lưu tự làm bánh trung thu tại nhà, hay sử dụng sản phẩm bánh handmade vẫn chưa hết hot. Bên cạnh việc tìm tới các sản phẩm bánh trung thu bán sẵn trên thị trường, nhiều người cũng chuyển sang tìm bánh handmade hay tự tìm tòi, học cách làm hoặc kinh doanh mặt hàng này.
Trên các trang mạng xã hội thời điểm này đã bắt đầu có những người kinh doanh, cửa hàng nhận đặt các loại bánh với kích cỡ, loại nhân, hình thù… rất đa dạng và giá cả khá mềm, tùy vào yêu cầu của khách hàng. Do nhu cầu của khách hàng có từ rất sớm nên nhiều địa chỉ làm bánh trung thu handmade đã chuẩn bị trước cả tháng để bán cho khách.
Đã có kinh nghiệm làm nhiều năm và nhiều loại bánh và đặc biệt với bánh trung thu, mỗi dịp Trung thu tới chị Hải Yến (Hoàng Mai) tất bật chuẩn bị nguyên liệu từ khá sớm. Những thứ cần chuẩn bị lâu như nước đường, mứt cam, mỡ đường đều được tự tay làm để đảm bảo bánh ngon, vị ngọt vừa phải, nhân thơm đúng hương vị Hà Nội xưa. Chị cũng chia sẻ thêm, thay vì dùng đường xay thì bánh của chị dùng bằng đường gluco để ăn không bị ngán, bị ngấy hay ngọt quá. Lạp xưởng (lạp sườn) thì dùng lạp sườn của Sóc Trăng không phẩm màu. Còn một số nguyên liệu như hạt dưa, hạt điều, hạt sen cũng được chị chọn mua tại nơi uy tín, đảm bảo.
Theo Tú Anh, sinh viên Học viện Ngân hàng cũng kinh doanh bánh Trung thu handmade: “Chuẩn bị nguyên liệu như nước đường làm vỏ bánh phải làm trước cả tháng còn lại có thể mua nguyên liệu tươi rồi làm. Nhân bánh nên chú ý bảo quản tốt để không bị hỏng hay lên men trong quá trình sên nhân. Nước đường để càng lâu bánh càng ngon.”
Để có những mẻ bánh thật ngon Tú Anh phải lên danh sách cụ thể các đơn hàng để chuẩn bị nguyên liệu cho đúng và phù hợp. Nhờ đó mà năm ngoái làm bán ra được hơn 200 cái bánh, Tú Anh vui vẻ nói.
Những mẻ bánh Trung thu sớm
Mới vào mùa nhưng chị Đào Hồng Nhung (Uông Bí), làm bánh được ba năm nay, đã có khá nhiều đơn đặt hàng. Chị hào hứng: “Chị vừa làm một mẻ 150 chiếc lại bán hết rồi.”
Vì là bánh handmade không có chất bảo quản, không để được lâu nên chỉ khi có khách đặt mới làm chứ hầu như không ai làm sẵn.
Các năm trước cứ từ 15 tháng 6 âm lịch là chị đã bắt đầu bán hàng, năm nay có bán muộn hơn vì còn bận việc riêng chị nói.
Cũng đã bắt đầu có đơn đặt hàng bánh Trung thu, chị Yến cho biết khách đặt bánh thời điểm này “chủ yếu là thèm và ăn thử hoặc biếu thôi, chưa “hot” như vào mùa chính.
Vào thời điểm Trung thu, lượng khách đặt hàng lớn. Chị Nhung kể: “Như các năm trước thì bán được khoảng 2000 chiếc, làm không ngừng nghỉ để bán”.
Do làm thủ công, 1 mẻ được 100 chiếc nên chị Nhung và chồng phải dậy từ lúc 6h sáng, 2 vợ chồng làm đến 1h sáng hôm sau mới xong.
Cũng theo chị Nhung, khách hàng của chị từ người đi học đến người đi làm. Ban đầu chị giới thiệu bánh của mình trên Facebook cá nhân, bạn bè người quen mua nhiều ăn ngon rồi người ta giới thiệu cho nhau. Dần dần khách đến đặt hàng càng nhiều, một người không chỉ mua một cái rồi thôi, có người mua cả chúc cái, vừa ăn lại vừa làm quà biếu.
Giá thành rẻ, ưu tiên khâu an toàn thực phẩm
Bắt đầu từ việc làm cho gia đình ăn rồi lấn sang kinh doanh, Tú Anh chia sẻ bánh handmade có nguyên liệu đảm bảo, không chứa chất bảo quản lại nhiều hương vị nên người mua cũng yên tâm và ưa chuộng.
Hơn nữa với đối tượng khách hàng chủ yếu là người thân, người quen nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm càng được chú trọng. Với lợi thế bánh tự làm bằng tay, không theo dây chuyền, giá các loại bánh trên cũng khá mềm.
Tùy theo cỡ bánh và yêu cầu của khách hàng mà có giá khác nhau nhưng trung bình giá của một chiếc bánh 150g dao động từ 35.000-45.000 đồng. Với giá như vậy thì mỗi chiếc bánh lời được 20.000-25.000 đồng, Tú Anh cho biết.
Giá cả hợp lý, nguyên liệu đảm bảo, mẫu mã, hương vị đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau là lợi thế của bánh trung thu tự làm so với những loại bánh đã có thương hiệu trên thị trường hiện nay. Người dùng cũng có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm khi đặt hàng tại những địa chỉ uy tín, tin cậy.