Bảng lảng bên ngàn doanh nhân

TP - Ngày 4-3-2010, đất trời trong tiết tháng giêng, khi cây cối đang dâng đầy sức sống nẩy lộc kết hoa, đất Cố đô Hoa Lư rộn ràng đón trên một ngàn doanh nhân tiêu biểu cho giới doanh nghiệp Việt Nam, từ 63 tỉnh, thành phố cả nước tụ về, theo Chương trình Doanh nhân Việt Nam với Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm xây dựng và phát triển bền vững.
Doanh nhân dâng hương tại đền Vua Đinh - Vua Lê - Ảnh: Chí Thiện

Đúng 8 giờ sáng 4-3, trên 1.000 doanh nhân Việt tề tựu, làm lễ dâng hương tại Đền Vua Đinh - Vua Lê và Nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ.

Nơi này, đất thiêng Hoa Lư chứng kiến trên 1.000 năm trước, trong tình thế đất nước loạn ly cát cứ, muôn dân điêu linh, giặc ngoài rình rập xâm lăng, hai vua Đinh - Lê làm nên nghiệp lớn, vỗ yên lòng dân.

Ông Nguyễn Đăng Giáp - Đại tá Giám đốc Cty 36-doanh nghiệp quốc phòng, khen ý tưởng trồng 1.000 cây bồ đề dọc đường trước cổng chùa Bái Đính: “Vài năm nữa, hàng cây doanh nhân này rợp bóng. Dù ở ngoài đường khách thập phương cũng được che mát vào trưa hè, chắn gió lạnh lúc mùa đông. Tôi cùng các doanh nhân được ghi tên mình trên bia đá.

Cây của mình trồng, tên mình khắc trên đá sẽ nhắc nhở doanh nhân nhớ làm điều thiện, sống và làm giàu không chỉ cho riêng mình. Doanh nhân kinh doanh ngoài hưởng lợi còn có tấm lòng nhân ái”.

Ông Phạm Văn Thê - Giám đốc Cty Cổ phần XNK Thái Bình, doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống và đông lạnh, bước chân trên những bậc thềm đá, dọc hành lang đặt tượng 500 vị tôn giả, la hán dẫn lên chùa.

Ông sờ và xoa bàn tay, đầu gối tượng thủng thẳng: “Tôi đã 20 năm gắn bó với nghề, kiếm được đồng tiền chân chính phải vượt bao đắng cay nghiệt ngã, chẳng khác nhà sư đi tu phải chịu thử thách”.

Qua giọng nói bình thản, ông khoe hiện mỗi năm doanh nghiệp của ông xuất ra thị trường từ hai đến ba nghìn tấn thịt lợn đông lạnh, chưa kể hàng ngàn tấn hải sản. 

Ai là doanh nhân đầu tiên?

Tối trước, ba viên ngọc xá lợi phật và sáu viên xá lợi thánh tăng được rước từ Ấn Độ về, an vị tại gian tam thế chùa Bái Đính. Sáng sau, diễn ra lễ cầu quốc thái dân an của 1.000 doanh nhân Việt tại sân tam thế, với sự chủ trì hành lễ của 100 hòa thượng, thượng tọa, đại đức.

Cách nay hơn ngàn năm, chùa Bái Đính là nơi Vua Lý Thái Tổ làm lễ cầu quốc thái dân an.

Trên 200 năm trước, khi tiến quân ra Bắc, đến đây, đoàn quân trùng trùng của Vua Quang Trung dừng chân. Người cho làm lễ tế trời đất, xin âm dương xuất quân tại chùa Bái Đính.

Tương truyền, trước ba quân, Vua vốc tay 100 đồng tiền, khấn nếu trời đất phù hộ cho quân dân đánh thắng giặc Thanh, xin hãy cho cả 100 đồng tiền ngửa. Lạ thay, có linh ứng. Vua vừa dứt lời, mây trời tản nhanh và nắng hửng. 100 đồng tiền tung ra, đếm đi đếm lại, vẫn đủ 100 đồng tiền ngửa.

Tôi chợt nghĩ đến Bạch Thái Bưởi,  doanh nhân người Việt nổi tiếng, một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam những năm  đầu thế kỷ 20, ông làm giàu và thắng lợi với tinh thần cạnh tranh bình đẳng, tự tôn dân tộc trên thương trường, hay Lương Văn Can được coi là “thầy của doanh thương Việt Nam” đã viết sách dạy, bàn về buôn bán và cách làm giàu.

Mà ngẫm ra, nước ta đến thời Trần chưa có chính sách trọng nông ức thương, chưa hề có việc bao vây cấm đoán ngoại thương. Bằng chứng là sử sách còn nhắc đến cảng Vân Đồn, một cảng biển lớn sầm uất xưa ở đất Vân Đồn (Quảng Ninh ngày nay).

Trần Khánh Dư, được phong tước Nhân Huệ Vương, cũng là người biết làm ăn kinh tế. Sớm thấy lợi ích hợp lẽ đời trong việc buôn bán, khi làm dân thường cũng như lúc làm tướng, ông đều tham gia hoạt động kinh doanh lưu thông hàng hóa.

Còn xưa nữa? Sử truyền, sau khi kết hôn với Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung không dám trở về vì nghe Vua Hùng không thuận việc mình kết kẻ nghèo làm chồng. Nàng bèn cùng Chử Đồng Tử  mở bến chợ, lập phố xá cùng dân buôn bán, dần dần thành cái chợ lớn, buôn bán làm ăn phát đạt.

Như vậy Chử Đồng Tử là doanh nhân đầu tiên của Đại Việt. Phải chăng Ngài trở thành thánh, một trong tứ bất tử là nhờ khởi từ văn hóa doanh nhân?

Theo Báo giấy