'Bang hội' trong thế giới ảo

TPO – Ở nơi thế giới ảo internet bao la, nhu cầu liên kết, sẻ chia thông tin ngày càng rộng mở. Trang web xã hội Facebook của Mark Zuckerberg trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người Việt trẻ.

>Khi người trẻ ‘phun châu nhả ngọc’
>Hội chứng comment 'bẩn' tràn lan cộng đồng mạng

Ineternet từ lâu đã trở thành thế giới gắn bó thân thiết với rất nhiều người không kể tuổi tác, giới tính. Sau blog, Facebook xuất hiện giúp cư dân mạng đẩy mạnh hơn sự kết nối, giao tiếp.

Ở đó, mọi người thoải mái sẻ chia xúc cảm, câu chuyện thực của bản thân mà đôi khi họ không thể nói ngoài đời thực vì nhiều lí do khác nhau.

Và, cũng trên thế giới ảo, nhiều hội nhóm được lập ra để thỏa mãn đam mê, sở thích của người trẻ. Nơi đây thành “điểm hẹn” cho những người có chung thần tượng là một nhóm nhạc, hay một đội bóng...

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội Facebook các hội như: Hội những người mê mệt Big Bag; Hội những người mà trái tim mãi mãi dành cho Quỷ đỏ (Manchester United – nv); Hội những người yêu Ghita...

Từ những sẻ chia, hẹn hò nơi thế giới ảo đó mà ngoài đời đã có những nhóm bạn, hành trình “phượt”.

Hội những người thích đi du lịch; Hội Du lịch – Phượt với hơn 47 ngàn người thích và hơn một ngàn người bàn luận về chủ đề này.

Hình ảnh những cung đường, những cánh rừng, con thác và những kinh nghiệm trên đường, thông tin điểm du lịch… được các thành viên chia sẻ.

Thế giới ảo cũng là nơi tụ hội tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội; với môi trường tự nhiên. Thu hút đông đảo người tham gia có Những người yêu mèo với hơn 33 ngàn thành viên; hay Hội Tôi yêu động vật

Nhiều hội nhóm được lập trên Facebook.

Những câu chuyện ý nghĩa, hành động đẹp trong cuộc sống về tình yêu gia đình, tình yêu thương con người; nghị lực trong cuộc sống cũng đậm đầy nơi mọi thứ tưởng chừng là “ảo”.

Đó là chuyện "Bài văn điểm 0", tình cảm “Hai cha con”… và cả nhiều câu chuyện không tên trên Đẹp+ đầy xúc động.

“...Rồi một ngày cả hai chúng tôi đều già nua, tóc bạc gần hết mái đầu. Em ngồi bên tôi nhắc lại chuyện xưa. Ngày ấy, chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ hơn hai tiếng mới có thể đến trường.

Một hôm, em làm mất chiếc giày. Một phần sợ cha đánh em, một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới, tôi đã nhường cho em đôi giày của mình.

Và cứ thế, mỗi ngày hơn bốn tiếng đi-về, chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đá nhọn trên mặt đường nóng bỏng.

Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi thật tốt.

Nước mắt tôi chợt ứa ra vì hạnh phúc.

Năm ấy em chỉ vừa lên 5!”

(trích một phần câu chuyện đăng trên Đẹp+)

Honganh Ta – bình luận về câu chuyện về tình cảm hai chị em: “Thật cảm động, mình đã rơi nước mắt! Mọi thứ có thể mất đi, chỉ có tình yêu thương là mãi mãi!”.

Đồng cảm với bình luận này, ThuQuynh Do viết: “Mọi thứ trên đời đều có thể mất đi, duy chỉ có tình yêu thương là mãi mãi”. Mình thích nhất câu này. Bài này cảm động quá, mình đã khóc.”

Facebook còn là nơi hò hẹn của những tâm hồn xê dịch.

Không chỉ có “ăn - chơi - nhảy - múa”, trên diễn đàn mạng mở Facebook còn có những hội nhóm sẻ chia chuyện học hành. Nhiều hội nhóm như những câu lạc bộ gắn liền với các môn học đã hoạt dộng hiệu quả và thu hút nhiều thành viên tham gia: Hội những người Toán Lí Hoá, Hội những người yêu văn

Hội nhóm “đen”

Bên cạnh những hội, nhóm chia sẻ những điều tích cức, thì trên diễn đàn internet nói chung, Facebook nói riêng, cũng có không ít hội nhóm, diễn đàn có phần quá đà khi có bài kích người khác, gây mất thiện cảm.

Như Hội những người thích vẽ bậy vào sách giáo khoa có gần 30.000 người “Like”. Đây là nơi đăng tải những bức vẽ chế lại từ sách giáo khoa. Hình ảnh của những danh nhân Việt Nam và thế giới bị những nét bút nguệch ngoạc thêm râu, tóc....

Từ tranh ảnh cho đến những con người cụ thể hơn, thậm chí đó là những người đáng kính trọng.

Hội những người ghét môn Sử và giáo viên dạy Sử với tuyên ngôn: “Là nơi mọi người có "nói xấu" môn sử cũng như giáo viên dạy sử 1 cách thoải mái nhất mà không hề ai biết được - trừ người trong hội...!!!”.

Chưa dừng lại, những hội nhóm còn kêu gọi bài xích một cá nhân nào đó, như Hội những người ghét Ngọc kẹo...; Hội những người ghét BTV

Ở đó không chỉ có những lời lẽ miệt thị, bôi xấu tục tĩu, mà còn đăng tải cả ảnh của đối tượng bị “ném đá” để các thành viên vào “đánh hội đồng”. Cũng mới đây, H. sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội lập hội bài xích, nói xấu người địa phương, đã phải nói lời xin lỗi, sau khi bị nhiều người vùng miền tìm đến "nói chuyện".

Một hội nhóm xấu xí trên Facebook.

Các thành viên tự do có quyền viết, có quyền bình luận trên thế giới ảo, nhưng phải tôn trọng người khác.

Nếu có hành vi lập hội nhóm nói xấu, hạ danh dự của cá nhân hay tập thể mà gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy tố theo luật hình sự. Còn trong trường hợp chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Theo Viết