Băng ghi âm nói trên đã gây xôn xao dư luận sau khi được ông Khoa trưng ra trong phiên chất vấn của kỳ họp HĐND thành phố vừa qua và khẳng định đã ghi lại các cuộc thương lượng, mặc cả của một số cá nhân liên quan đến vụ đòi lại căn nhà 309 Hai Bà Trưng, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Tại phiên bế mạc của kỳ họp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Công an thành phố điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những người có liên quan, cán bộ có biểu hiện tham nhũng.
Theo biên bản tiếp nhận của Sở Xây dựng, cuốn băng này sẽ được chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ theo quy định.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Giáo Sính mua căn nhà số 309 Hai Bà Trưng từ năm 1975 và được chính quyền lúc bấy giờ cấp đầy đủ giấy tờ hợp pháp.
|
Bà Trương Tài Tú, người được ông giáo Sính ủy quyền (thứ hai từ bên phải qua) cùng đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa tại tòa soạn Báo SGGP sáng 8-12. Ảnh: C.T.V. |
Khi vụ việc khiếu nại đòi nhà xảy ra, các cơ quan chức năng mới phát hiện, trước khi được Nhà nước cho thuê và mua căn nhà này, ông Trị đã được Nhà nước cấp cho nhiều căn nhà khác, trong đó có căn 321/9 Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận). Tuy nhiên, sau khi UBND TPHCM xác lập sở hữu Nhà nước, ông Trị lại tiếp tục được thuê và mua hóa giá căn nhà này.
Bất bình trước sự việc trên, ông Giáo Sính đã viết tổng cộng 213 lá đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng của TP và trung ương đề nghị giải quyết trả lại căn nhà số 309 Hai Bà Trưng.
Ngày 28/12/2007, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã ký văn bản số 2769/BXD-TTr giải quyết khiếu nại của ông Giáo Sính. Bộ Xây dựng khẳng định: “Căn nhà 309 Hai Bà Trưng, quận 3 nguyên sở hữu của ông Giáo Sính, không thuộc diện phải xử lý theo các chính sách quản lý và cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất trước đây.
Tuy nhiên, do sai sót của các cơ quan chức năng nên UBND TPHCM đã xác lập sở hữu Nhà nước đối với căn nhà trên thuộc diện nhà công sản của chế độ cũ và bán cho người thuê là vợ chồng ông Nguyễn Quốc Trị”.
Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo UBND TPHCM kiểm tra, xác minh và giải quyết đúng pháp luật. Nếu phát hiện cán bộ sai phạm và tiêu cực, vụ lợi phải nghiêm khắc xử lý; cần thiết chuyển hồ sơ sang công an điều tra, làm rõ.
Chấp hành ý kiến chỉ đạo trên, ngày 5/9/2008, Văn phòng UBND TP ra Thông báo 692/TB-UB giải quyết trường hợp khiếu nại của ông Giáo Sính theo hướng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công ty Quản lý – Kinh doanh nhà TP tìm một căn nhà khác có diện tích phù hợp để bố trí cho gia đình ông Giáo Sính thuê và mua theo Nghị định 61.
Từ kết luận trên, những tưởng ông Giáo Sính đã có thể nhận được một căn nhà có giá trị tương đương với căn nhà 309 Hai Bà Trưng. Thế nhưng...
Và cuộc ngã giá 600 triệu đồng
Gần đây, ông Giáo Sính – qua người được ủy quyền - đã gửi đơn đến báo SGGP nhờ can thiệp và cho biết đã có một nhóm người đến ngã giá với ông 200 lượng vàng để được nhận lại căn nhà 309 Hai Bà Trưng, hoặc được thuê và mua theo Nghị định 61 một căn nhà khác có giá trị tương đương.
Cũng có một nhóm người khác tự giới thiệu là “cán bộ có trách nhiệm” đến ngã giá với người mà ông Giáo Sính ủy quyền với giá 600 triệu đồng để được nhận một căn nhà theo nguyện vọng. Và cuộc ngã giá này đã được ghi âm.
Nội dung đoạn băng ghi âm này cho thấy có một người đàn ông tên T. trao đổi với người đại diện ông Giáo Sính. Người đàn ông này cho biết sẽ làm đàng hoàng… bảo đảm cho ông Giáo Sính có được một căn nhà vừa ý, với giá 600 triệu đồng.
Người đàn ông này cho rằng giá trên là không có hợp thức hóa vì còn phải chi cho Sở Xây dựng, Tài Nguyên Môi trường, Công ty Quản lý nhà… Ông này hứa sẽ đưa ông Giáo Sính xem một căn nhà tương đương với nhà 309 Hai Bà Trưng; hướng dẫn lập tài khoản ngân hàng để khi giải quyết xong thì đến rút tiền…
Theo Hoài Nam
SGGP
Bà Trương Tài Tú, người được ông giáo Sính ủy quyền (thứ hai từ bên phải qua) cùng đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa tại tòa soạn Báo SGGP sáng 8-12. Ảnh: C.T.V.
Bà Trương Tài Tú, người được ông giáo Sính ủy quyền (thứ hai từ bên phải qua) cùng đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa tại tòa soạn Báo SGGP sáng 8-12. Ảnh: C.T.V.