Theo nghiên cứu mới được công ty thiết bị mạng Cisco đăng tải, tội phạm số hiện đã bắt đầu thực hiện một hình thức tấn công mới: Gửi mail mạo danh Microsoft thông báo với người dùng rằng họ được quyền nâng cấp miễn phí lên Windows 10. Để lừa gạt người dùng nhẹ dạ cả tin, hacker thậm chí còn thêm địa chỉ vào phần tên người gửi để tăng tính xác thực.
Dấu hiệu rõ rệt nhất hé lộ bản chất lừa đảo của email này là file đính kèm, bởi các hãng công nghệ đáng tin cậy sẽ không bao giờ gửi file chứa bộ cài cho người dùng. Trong nội dung mail, bạn cũng có thể thấy nhiều ký tự được hiển thị không chuẩn xác. Email từ Microsoft chắc chắn sẽ không chứa các ký tự lạ này.
Phía dưới, hacker còn thêm nhiều phần chụp màn hình nhằm thuyết phục người dùng. Đầu tiên là chữ ký giả mạo Microsoft:
Tiếp đó là cam kết đã quét virus và thậm chí còn được chèn đường dẫn tới một bộ quét virus có thật:
Nội dung file zip đính kèm là mã độc. Ngay sau khi bạn tải file đính kèm, giải nén và chạy bên trong, các file của bạn sẽ ngay lập tức bị khóa bởi ransomware CTB-Locker. Giống như các loại ransomware khác, CTB-Locker sẽ mã hóa các file và đòi bạn phải trả tiền để lấy lại.
Trong mọi trường hợp, để tránh bị tấn công, bạn cần phải cảnh giác trước các email từ các địa chỉ "lạ", đặc biệt là các email có file đính kèm từ những người không quen biết. Bạn cũng cần phải thường xuyên sao lưu các file quan trọng lên đám mây hoặc ra các thiết bị nhớ ngoài (USB, ổ cứng) để không bị mất file nếu nhiễm ransomware.