Ông Assad đến Hàng Châu bằng máy bay của hãng Air China khi trời đang có sương mù dày đặc, điều mà truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng "đã làm tăng thêm bầu không khí bí ẩn", hàm ý là nhà lãnh đạo Syria không mấy khi ra nước ngoài kể từ khi nội chiến nổ ra ở Syria năm 2011.
Nhà lãnh đạo Syria sẽ dự lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á (Asiad 19) cùng hơn chục khách quốc tế cấp cao khác trước khi dẫn đoàn thăm nhiều thành phố của Trung Quốc. Ông có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 22/9 và các cuộc gặp khác ở Bắc Kinh trong hai ngày tới.
Việc ông Assad đứng gần Chủ tịch Trung Quốc trong Asiad 19 càng tăng thêm tính chính danh cho nỗ lực của ông Assad nhằm trở lại vũ đài thế giới. Syria tham gia sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc từ năm 2022 và được quay lại Liên minh châu Phi từ tháng 5 năm nay.
Khi nền kinh tế khó khăn và có ít thành quả để chứng minh cho nỗ lực tái thiết quan hệ với các quốc gia Ả-rập, ông Assad rất muốn nhận được hỗ trợ về tài chính. Tuy nhiên, bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc hay quốc gia nào khác vào Syria cũng có nguy cơ vi phạm biện pháp trừng phạt của Mỹ. Theo Đạo luật Caesar từ năm 2020, bất kỳ ai làm ăn với Syria cũng bị đóng băng tài sản.
“Trong nhiệm kỳ 3, ông Tập muốn công khai thách thức Mỹ, vì thế tôi không nghĩ có gì đáng ngạc nhiên khi ông ấy sẵn sàng đi ngược quy tắc quốc tế và đón tiếp những nhà lãnh đạo như ông Assad”, Alfred Wu, phó giáo sư Trường Chính sách công ở Singapore, nói với Reuters.
Chuyến thăm của ông Assad năm 2004 là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Syria đến Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1956. Giống như Nga và Iran, Trung Quốc vẫn giữ quan hệ với ông Assad khi phương Tây quay lưng với nhà lãnh đạo này.
Chuyến đến Trung Quốc lần này là một trong những chuyến công du dài ngày nhất của ông Assad kể từ khi nội chiến nổ ra.
Trung Quốc dùng quyền phủ quyết của mình ít nhất 8 lần tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ chính phủ của ông Assad. Tuy nhiên, Trung Quốc không ủng hộ trực tiếp những nỗ lực của nhà lãnh đạo này nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước.
Syria dù không mạnh về dầu mỏ, nhưng nằm ở vị trí quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc. Syria nằm giữa Iraq – nước cung cấp dầu mỏ lớn cho Trung Quốc - và Thổ Nhĩ Kỳ - điểm cuối của các hành lang kinh tế trải từ châu Á sang châu Âu. Syria giáp biên giới với Jordan và Li-băng.
Trong các năm 2008 và 2009, ba tổng công ty nhà nước Trung Quốc gồm Sinopec, Sinochem và CNPC đầu tư tổng số 3 tỷ USD vào Syria, nhưng đã dừng hoạt động.
Giới nhà phân tích hoài nghi khả năng các công ty Trung Quốc sẽ trở lại Syria, khi tình hình an ninh và tài chính ở nước này vẫn mong manh.
“Syria cố gắng thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong một thời gian dài, nhưng câu hỏi là liệu bất kỳ đề xuất nào trong chuyến thăm lần này có thể trở thành dự án thực tế hay không”, Samuel Ramani, một chuyên gia tại viện nghiên cứu RUSI ở London, nói.
“Hiện nay Trung Quốc đang căng thẳng với phương Tây, nên Syria đang cố gắng phát triển quan hệ với Bắc Kinh. Chưa biết nỗ lực đó có khả thi hay không”, Ramani cho biết.