Bác sĩ chỉ cách để biết con bạn có đủ dinh dưỡng hay không?

TPO - Trẻ thiếu dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng chủ yếu là thiếu các vi chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm, canxi, vitamin A , D … sẽ ảnh hưởng và cản trở sự phát triển lành mạnh của cơ thể.

Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), khoảng thời gian từ khi sinh đến 2 tuổi là giai đoạn quan trọng quyết định cho sự phát triển của những giai đoạn sau của cuộc đời. Nuôi dưỡng trẻ giai đoạn này không chuẩn sẽ dẫn tới tăng cao tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi.

Trẻ được nuôi dưỡng hợp lý trong 2 năm đầu đời sẽ có cơ hội bù đắp những thiếu hụt nếu có về dinh dưỡng mà trẻ đã không được nhận đủ từ trong bụng mẹ.

Vai trò của một số loại vitamin và vi chất quan trọng ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của trẻ

Các vitamin tan trong dầu

Vitamin A, D, E và vitamin K (vitamin K2) là những vitamin tan trong dầu. Các vitamin này rất cần thiết cho hấp thu canxi ở ruột và khoáng hóa xương giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh và là yếu tố quyết định phát triển chiều cao tốt. Ngoài ra, vitamin A có vai trò rất lớn trong tăng cường yếu tố miễn dịch của cơ thể.

Phomai cần có trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ.

Những thực phẩm có chứa nhiều vitamin tan trong dầu phải kể đến là: Nội tạng động vật (có nhiều vitamin A và K2), cá béo nước lạnh có nhiều vitamin D như dầu cá tuyết là một nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời. Phơi nắng cũng là biện pháp để chuyển hóa vitamin D đầy đủ cho cơ thể. Thực phẩm lên men như phô mai, sữa chua, đậu phụ lên men… lại chứa nhiều vitamin K2.

I ốt

I ốt là dưỡng chất quan trọng, là một thành phần cơ bản có trong các loại rau ở biển như rong biển, tảo biển và các chế phẩm từ sữa. Các trẻ em có nguy cơ thiếu i ốt là những trẻ ở vùng miền núi xa ít điều kiện sử dụng các thực phẩm từ hải sản như tôm cá, nước mắm truyền thống… Thiếu i ốt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả trí tuệ và thể chất của trẻ.

Kẽm, đồng và sắt

Đây là những nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể bởi chúng đóng nhiều vai trò quan trọng, hơn thế nữa còn là yếu tố quyết định cho sự phát triển của trẻ. Sắt là thành phần chính tạo máu. Kẽm tham gia rất nhiều vào hoạt động các enzyme, hormone, miễn dịch nên ảnh hưởng nhiều đến phát triển cân nặng và cả chiều cao của trẻ.

Hải sản, thành phần cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Nội tạng động vật, hải sản có vỏ có chứa nhiều chất dinh dưỡng này nhất rồi đến thịt. Đồng còn có chứa trong một số loại rau như rau bina, cải xoăn, củ cải Thụy Sỹ. Nhưng việc hấp thu những vi chất này từ thực vật lại kém hơn so với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Canxi

Canxi giúp cho phát triển xương răng khỏe mạnh, đó là tác dụng không thể bàn cãi. Ngoài việc có nhiều trong sữa và các chế phẩm của sữa (sữa chua, bơ, phô mai, váng sữa…) thì còn một nguồn canxi dễ hấp thu khác chính là xương của cá. Do vậy khi ăn cá bạn không nên bỏ qua phần xương cá. Tốt nhất là bạn nên ăn cá kho được ninh nhừ xương vừa hấp thu được canxi vừa hấp thu được nhiều protein và selen.

Rau lá xanh đậm cũng là một nguồn canxi tốt.

Rau lá xanh đậm cũng là một nguồn canxi tốt. Sữa và các chế phẩm của sữa là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng sử dụng những chế phẩm từ sữa nguyên kem và được lên men như phô mai, sữa chua là sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất dành cho trẻ em. Những sản phẩm này giúp chúng ta ngăn ngừa được bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và nhiều bệnh khác.

Làm thế nào để biết con bạn đủ dinh dưỡng?

Nếu bé không phải quá biếng ăn và vẫn chịu ăn đa dạng các loại thực phẩm thì bạn không phải lo lắng đến việc thiếu dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng. Nhưng nếu bạn quan tâm đến sức khỏe con mình thì vẫn có thể cho trẻ đi kiểm tra để chắc chắn mọi chỉ số đều trong giới hạn bình thường. Còn nếu nghi ngờ trẻ thiếu chất thì nên đi kiểm tra sớm vì càng để muộn càng ảnh hưởng xấu đến phát triển của trẻ đặc biệt chiều cao.

Theo dõi chiều cao cân nặng theo tuổi thường xuyên cũng là một cách để biết sơ qua tình hình dinh dưỡng của con.

Bạn cũng nên đảm bảo bé không bị mắc những vấn đề ảnh hưởng đến tiêu hóa hấp thu như các vấn đề của dạ dày, ruột, nhiễm giun sán,… dẫn đến trẻ kém ăn hoặc ăn được nhưng hấp thu kém nên vẫn thiếu dinh dưỡng đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng.

Theo dõi chiều cao cân nặng theo tuổi thường xuyên cũng là một cách để biết sơ qua tình hình dinh dưỡng của con.

Không nên cho trẻ ăn hoàn toàn cùng chế độ với người trưởng thành trong gia đình vì trẻ đang tuổi phát triển cơ thể cần nhiều dưỡng chất nhưng dạ dày nhỏ chỉ ăn được ít một nên vẫn cần bổ sung riêng những thực phẩm giầu dinh dưỡng và dễ tiêu như đạm động vật (cá, tôm, thịt bò, trứng gà…). Lượng chất béo cũng yêu cầu cao hơn người lớn, do vậy thói quen ăn quá nhiều thức ăn thực vật cũng khiến trẻ giảm hấp thu những dưỡng chất quan trọng như đã đề cập ở trên.