Khoác áo mới
Thành phố Bạc Liêu đang tràn ngập màu sắc và tinh thần Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tổ chức tại đây từ 24 đến 29/4. Các loài hoa khoe sắc hai bên Quốc lộ 1A, thuộc huyện cửa ngõ Vĩnh Lợi dẫn vào trung tâm TP Bạc Liêu thành “đường hoa”.
TP Bạc Liêu vừa có tin vui, Thủ tướng vừa quyết định công nhân TP Bạc Liêu là đô thị loại 2. Những băng rôn, áp phích, cụm tiểu cảnh nối tiếp trên các đường phố, tụ điểm hoạt động Festival Đờn ca tài tử quốc gia xuất hiện hình ảnh Hoa hậu Đặng Thu Thảo - người con của quê hương Bạc Liêu với nụ cười thân thiện, dịu dàng.
Việc chuẩn bị Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất của Bạc Liêu kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng và hoàn tất Quảng trường Hùng Vương hoành tráng cùng quần thể các công trình văn hóa, nghệ thuật kèm theo như Nhà hát Ba Nón Lá, Tường đài Cây Đờn Kìm - nhạc cụ đặc trưng cho đờn ca tài tử Nam Bộ mà Bạc Liêu là cái nôi nổi tiếng, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài các liệt sĩ Mậu thân, đài lưu niệm kết nghĩa Bạc Liêu – Ninh Bình và công trình cải tạo Trung tâm văn hóa tỉnh.
Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Nhiều công việc bộn bề, những ngày này vào nước rút, nói như ông Nguyễn Vũ, Phó GĐ Sở VH- TT- DL Bạc Liêu “bù đầu, bù cổ”! Trên công trường công trình Nhà hát Ba Nón Lá, mấy trăm công nhân của 4 – 5 nhà thầu làm việc không kể ngày đêm. Ba giờ sáng, ánh lửa hàn vẫn lóe lên đây đó, nhiều khi đổ xuống như vệt pháo hoa.
Hàng trăm công nhân công trình đô thị chăm sóc hoa kiểng, công nhân lắp đặt ánh sáng, âm thanh. Sân khấu Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu là nơi diễn ra nhiều hoạt động Festival Đờn ca tài tử đang được thi công lắp đặt, đấu nối điện, lắp ráp âm thanh...
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, tại Bạc Liêu, sẽ diễn ra từ ngày 24- 29/4 với các hoạt động giới thiệu tác phẩm tiêu biểu của soạn giả Yên Lang, soạn giả Trọng Nguyễn, Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ, Không gian đờn ca tài tử Nam bộ, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam bộ, Chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang, Lễ hội ẩm thực Nam Bộ, Hội chợ thương mại du lịch, Triển lãm nhạc cụ dân tộc, Triển lãm tranh- ảnh nghệ thuật, chấm các cuộc thi văn hóa nghệ thuật, hội thả diều, Carnaval xe cổ “ Hành trình kết nối di sản văn hóa”...
Quanh Hồ Nam của Khu du lịch sinh thái Hồ Nam - Bạc Liêu xây dựng 21 chiếc nón lá nghiêng nghiêng, ẩn dưới hàng cây xanh, tựa lưng bờ hồ, hướng ra đường thoáng đãng tạo thành Không gian đờn ca tài tử cho 21 tỉnh, thành Nam Bộ thi triển tinh thần và tài nghệ loại hình ca nhạc dân gian vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tượng đài cây đờn kìm
Ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT Cty du lịch sinh thái Hồ Nam - Bạc Liêu nói: “Những công trình “xã hội hóa” sẽ phục vụ 6 hoạt động festival đờn ca tài tử như: không gian đờn ca tài tử, hội chợ thương mại- du lịch, Lễ hội ẩm thực Nam bộ, họp mặt doanh nhân...”.
Trên địa bàn thành phố, nhiều công trình đã hoàn thành và đang gấp rút hoàn thành để hòa chung vào “chiến dịch” lễ hội đờn ca tài tử, như Công trình tôn tạo và khai thác Nhà công tử Bạc Liêu, Khu du lịch phường Nhà Mát Bạc Liêu với biển nhân tạo và các công trình phụ trợ… Bộ mặt đô thị Bạc Liêu chỉ sau mấy tháng chuẩn bị cho Festival đã thay đổi đột biến.
Mở lòng
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, tỉnh Bạc Liêu chọn chủ đề “Tình người, tình đất Phương Nam” đã nói lên phần nào niềm vinh dự và trọng trách của Bạc Liêu với Đờn ca tài tử Nam bộ.
Ông Võ Văn Dũng – UV T. Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu chia sẻ: Festival này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tinh thần giao lưu, liên kết với các tỉnh trong vùng và với cả nước. Các nghệ sĩ từ các tỉnh thành sẽ làm chung các tiết mục trong lễ khai mạc và bế mạc và họ sẽ đóng góp tài nghệ riêng để cùng tạo dựng một không gian đờn ca tài tử, tái hiện lại được quá trình hình thành, phát triển cũng như tinh thần của loại hình di sản văn hóa nhân loại đặc biệt này.
Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, sẽ có hội nghị và ký kết liên kết tua tuyến du lịch giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch trong vùng và nhiều tỉnh thành cả nước.
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, kiêm Trưởng ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, tại Bạc Liêu cho biết: “Chúng tôi tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ, chi tiết hóa chương trình Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất”.
Tổng cục du lịch vừa hỗ trợ Sở VH-TT-DL Bạc Liêu tập huấn cho 100 chủ nhà hàng- khách sạn nghiệp vụ đón khách, phục vụ khách. Các địa chỉ du lịch Vườn nhãn Bạc Liêu, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam... hoàn thiện các hoạt động thu hút khách.
Tuổi trẻ Bạc Liêu hình thành đội hình tình nguyện viên phục vụ Festival Đờn ca tài tử quốc gia, tại Bạc Liêu, với hơn 300 ĐVTN năng động, nhiệt tình. Trong những ngày này, người dân Bạc Liêu đang làm những gì có thể để đón bạn bè, du khách, người ái mộ Đờn ca tài tử Nam bộ đến với người Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”.
Khánh thành quần thể công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc
Tối qua, 19/4, tại thành phố Bạc Liêu đã diễn ra Lễ khánh thành quần thể công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc và Quảng trường Hùng Vương của tỉnh (ảnh) với sự tham dự của nhiều nghìn cán bộ, nhân dân.
Quảng trường Hùng Vương diện tích 4 hécta (được trồng cây và có những kiến trúc tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam và ba dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Bạc Liêu), nằm giữa trung tâm thành phố, kề bên khu trung tâm hành chính tỉnh và một loạt công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, tâm linh vừa xây dựng nằm trên và bên cạnh quảng trường là hiện thực hóa chủ trương Bạc Liêu đi lên từ văn hóa của lãnh đạo tỉnh.
Tượng đài cây đờn kìm, Nhà hát Ba Nón Lá là những công trình vừa rất đẹp về kiến trúc vừa mang đậm tính văn hóa đặc trưng cho Nam Bộ và nghệ thuật đờn ca tài tử, tạo thành điểm nhấn đậm nét cho quần thể. Đặc biệt, ngay tại Lễ khánh thành, hai công trình này được Trung tâm kỷ lục Guinness Việt Nam tặng bằng công nhận là công trình kỷ lục lớn trong kiểu dáng kiến trúc của mình.
Trong cụm công trình khánh thành còn có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Đài kỷ niệm sự kiện Mậu Thân 1968, Đài kỷ niệm kết nghĩa Bạc Liêu – Ninh Bình, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nét tâm linh cho quần thể công trình.
Cụm công trình này nằm trong số 21 công trình trên địa bàn thành phố được khởi công xây dựng hoặc tôn tạo trong năm qua, trong đó có Nhà thi đấu Đa năng, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu…
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng đánh giá đây là các công trình và thiết chế văn hóa đánh dấu bước đột phá đi lên của Bạc Liêu trong chiến lược lấy văn hóa làm điểm tựa.
Lê Việt