Bắc Kinh ‘Tây tiến’ vì đâu?
> Trung Quốc lần đầu 'song kiếm hợp bích' trên Biển Đông
> ‘Triều Tiên không muốn gây chiến với Mỹ’
TPO - Hôm nay 4-3, tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) đăng bài bình luận về “Chiến lược Tây tiến của Trung Quốc” của ông Chen Yo-jung – nhà ngoại giao Pháp, người từng có thời gian công tác tại Nhật Bản, Mỹ và Singapore.
Tây tiến: “Lấy ngắn nuôi dài”
Trong khi cả thế giới tập trung theo dõi những vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Đông Á và Nam Á thì Bắc Kinh cũng đang “âm thầm” mở rộng thế lực từ lục địa sang vùng đất phía Tây.
Nhiều năm qua, các nhà phân tích của Trung Quốc đã tập trung thảo luận sôi nổi vấn đề Trung Quốc nên tiến ra biển, hoặc mở rộng độ ảnh hưởng sang lục địa phía Tây theo phương thức truyền thống.
Tình hình hiện nay cho thấy, Trung Quốc đang mở rộng ra phía biển. Hải quân Trung Quốc tiến quân vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á khác diễn ra vô cùng quyết liệt. Tuy nhiên, trước nhu cầu kinh tế và chiến lược, Trung Quốc cũng buộc phải mở rộng lực lượng sang cả khu vực phía Tây.
Trước hết, trong nước, do kinh tế khu vực duyên hải miền Đông phát triển sát mức bão hòa, từ năm 2000, Bắc Kinh đề ra chương trình phát triển miền Tây, tập trung nguồn lực lớn cho phía Tây. Mục đích để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa vùng duyên hải và miền Tây còn lạc hậu. Chương trình này kéo theo vấn đề làm thế nào để đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng lớn cho khu vực miền Tây này.
Song song với đó, Trung Quốc một lần nữa thấy tầm quan trọng chiến lược của Afghanistan. Một số người có thể không biết, thực ra Trung Quốc và Afghanistan có biên giới chung, dù chỉ gọi đó là hành lang Wakhan nhỏ hẹp.
Năm 2001, giai đoạn đầu mới xảy ra chiến tranh Afghanistan, Trung Quốc rất lo ngại khi lực lượng quân đội Mỹ/NATO xuất hiện ở khu vực mà Trung Quốc coi là sân sau. Nhưng chẳng bao lâu, Bắc Kinh nhận thức được rằng, cuộc chiến của NATO đối với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trên lãnh thổ Afganistan có lợi cho Trung Quốc.
Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn bị những người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống ở khu tự trị Tân Cương, nơi tiếp giáp các nước Trung Á gây rối. Quốc gia này cũng đã thử nghiệm một số biện pháp nhằm ngăn chặn các phần tử vũ trang Hồi giáo (mà Bắc Kinh gọi là những kẻ khủng bố) vượt biên giới vào Trung Quốc, đặc biệt là những phần tử vũ trang Afghanistan nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền Taliban.
Chính vì vậy, nhờ có cuộc chiến tranh chống khủng bố của quân đội Mỹ/NATO trên lãnh thổ Afghanistan mà ngăn chặn (mặc dù không thể diệt trừ tận gốc) được mối đe doạ của những kẻ Hồi giáo ở phía Tây Trung Quốc.
Có một thời gian, thậm chí các nhà chiến lược ở Trung Quốc còn thảo luận về vấn đề có nên đáp ứng yêu cầu của Mỹ đề nghị cung cấp vật tư cho quân đội NATO ở Afghanistan thông qua hành lang Wakhan Corridor không.
Hiện tại, quân đội Mỹ/NATO chuẩn bị rút quân khỏi chiến trường Afghanistan. Nga thì hoàn toàn không có ý định quay trở lại. Ngoài Trung Quốc ra, còn quốc gia nào có thể lấp đầy chỗ trống ở khu vực có tầm quan trọng về mặt chiến lược này?
Trung Quốc đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho công việc này. Họ đã xây dựng một tuyến đường cao tốc nằm sát hành lang Wakhan, có thể kết nối bất kỳ lúc nào với tuyến đường cao tốc do Mỹ xây dựng ở đầu bên kia.
Afghanistan không phải mục tiêu cuối cùng
Sau chuyến thăm Afghanistan của cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang vào tháng 9-2012, Trung Quốc bắt đầu hỗ trợ Afghanistan trong công tác tái thiết. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai những dự án liên quan đến lĩnh vực tài khai thác nguyên.
Tuy nhiên, Afghanistan không phải là mục tiêu cuối cùng trong chiến lược "Tây tiến" của Trung Quốc. Bên ngoài Afghanistan là Trung Đông, với nguồn dầu mỏ phong phú, xét về chiến lược, đồng minh của Mỹ tại khu vực đó chiếm khá ít.
Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ mật thiết với Pakistan – quốc gia được Bắc Kinh coi là “quân cờ” quan trọng. Đồng thời, họ cũng lợi dụng Tổ chức hợp tác Thượng Hải để thiết lập quan hệ hữu hảo với hầu hết các nước Trung Á. So sánh bức tranh này với mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng phía Đông sẽ thấy hoàn toàn đối lập nhau.
Mặc dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột bạo lực với các phần tử gây rối ở Tân Cương, nhưng Trung Quốc vẫn cố gắng né tránh cái mác “chống lại người Hồi giáo”.
Bắc Kinh giữ lập trường trung lập trong vấn đề chiến tranh Afghanistan, để chiếm một vị thế có lợi ở Afghanistan - nơi chính quyền Taliban vẫn có độ ảnh hưởng lớn sau chiến tranh.
Trước vấn đề Tehran đối đầu với phương Tây phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc cũng để mình trở thành “bạn thân” nhất của Iran trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Sở dĩ thái độ của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyển biển đảo ngày càng cứng rắn và mâu thuẫn với các nước láng giềng ngày càng gay gắt là do quốc gia này muốn đảm bảo sự thống suốt cho tuyến đường giao thông trên biển vận chuyển tài nguyên từ Trung Đông sang.
Nếu một ngày nào đó, Trung Quốc giảm bớt được sự lệ thuộc vào tuyến đường này thì đây mới là thời điểm “thay đổi cuộc chơi” cho các quốc gia nằm trên tuyến đường này như Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á. Trung Quốc có thể dựa vào mạng lưới đường ống trên bộ dẫn trực tiếp dầu mỏ từ Iran về Tân Cương, đi qua Afghanistan và hành lang Wakhan.
Điều lý tưởng hơn nữa là hoạt động cung cấp dầu mỏ này không cần phải vận chuyển trên biển đến hải cảng miền Đông Trung Quốc, mà trực tiếp đưa đến vùng Tây Bắc – nơi có nhu cầu càng ngày càng lớn.
Ngoài ra, rất có thể kế hoạch chung của Trung Quốc còn bao gồm mở một tuyến đường cung cấp năng lượng trên bộ mới, và tuyến đường này sẽ liên quan đến khu vực Đông Nam Á.
Nhiều năm qua, Trung Quốc tích cực thúc đẩy xây dựng mạng lưới đường sắt nối liền tỉnh Vân Nam với nhiều nước Đông Nam Á khác. Ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế lớn cho khu vực, mạng lưới này cũng có thể trở thành trạm trung chuyển. Trung Quốc sẽ dỡ hàng dầu mỏ vận chuyển từ Trung Đông và châu Phi, nguồn hàng hóa vận chuyển từ châu Âu sang tại một cảng nào đó trước, ví dụ như hải cảng của Myanma, sau đó lại thông qua đường tàu hỏa vận chuyển đến các khu vực khác ở Trung Quốc, bao gồm Vân Nam, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tân Cương…
So với hành trình hiện nay, hàng hóa qua eo biển Malaca, sau đó đến hải cảng phía Đông của Trung Quốc, rồi lại chuyên chở về các tỉnh miền Tây thì phương án trên có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.
Chiến lược "Tây tiến" của Trung Quốc là xuất phát từ nhu cầu kinh tế, chính vì thế về cơ bản là hòa bình. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Trung Quốc chắc chắn sẽ phá vỡ sự cân bằng về mặt lực lượng ở khu vực Trung Á, thậm chí là Trung Đông, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các cường quốc thực dân châu Âu trước đây.
Trong thời điểm Mỹ “trở lại châu Á”, dịch chuyển trọng tâm chiến lược từ châu ÂU và Trung Đông sang châu Á, thì Trung Quốc lại dịch chuyển bộ phận trọng tâm sang phía Tây nước này.
Tuy nhiên, sự giằng co giữa "Tây tiến" và mở rộng sức mạnh ra biển, cũng như sự cân bằng trong lực lượng của liên minh G-2 (Trung Quốc – Mỹ) sẽ phát triển như thế nào trong tương lai, vẫn là vấn đề cần theo dõi.
Và cuối cùng, nếu nguồn dầu mỏ của Trung Đông, châu Phi và nguồn hàng hóa châu Âu của Trung Quốc không vận chuyển qua eo biển Malaca nữa thì lợi ích của Singapore sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Huy Long
Theo Liên hợp buổi sáng Singapore