Bác Hồ qua lời kể của nhà giáo Hồ Mộ La

TP - Trong buổi gặp mặt giao lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tối 28-4-2010 có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La, nguyên giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội - 81 tuổi, kể câu chuyện về Bác mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Chuyện nay mới kể.
Bà Mộ La

Sau cuộc giao lưu, tôi tìm tới nhà riêng của bà ở phố Định Công - Hà Nội. Thì ra, chúng tôi đã từng được ngồi ăn cơm với Bác Hồ tại Volưnxki- đatra ở phía Tây ngoại ô Matxcơva.Ngày đó, dịp Đại hội XXII Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân quốc tế, Bác phải làm việc nhiều, căng thẳng kéo dài, do nhiều đảng đề nghị Người dùng uy tín lớn lao và kinh nghiệm phong phú làm chỗ dựa hòa giải để các bên xích lại gần nhau. Ông Vũ Kỳ đi phục vụ Bác hồi đó từng viết Người hết sức lo lắng cho khối đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới.

Những ngày nghỉ hiếm hoi của Bác, ông Vũ Kỳ thường cho gọi mấy cháu đang học ở đây như Mộ La vào ăn cơm cho Bác vui. Các bạn Hồng Anh, Châu, Nga… vào bàn ăn, cô nào cũng muốn được ngồi bên Bác, được gắp thức ăn cho Bác - ngon nhất là nem rán, cá kho… do nhà bếp Đại sứ quán nấu thêm rất hợp khẩu vị đưa vào.

Bác bảo: - Bác nhận rồi. Spaxibơ Balsôie! (cảm ơn nhiều). Mọi người cười vui. Bác giơ tay ra hiệu: Trise! (Yên lặng chút). Lại cười rộ. Bác bảo: Nhưng “lộc bất tận hưởng”. Bây giờ “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Lại cười vang, vỗ tay trong khi Bác đứng lên gắp vào bát mỗi người một cái nem.

Cháu nào ngồi cạnh Bác, thành lệ, được giữ hộp thuốc lá của Bác, định giờ đưa Bác một điếu. Có cô thích quá, đưa Bác trước giờ hẹn, Bác phê bình: - Phạm kỷ luật “nhà kho” đấy! Giữ hộp thuốc là để Bác hạn chế hút. Cháu định rủ Bác “tòng phạm” à?. Bác cháu lại có trận cười phá lên...

Chúng tôi ôn chuyện cũ mà bùi ngùi, lòng lắng lại, nhớ Bác, đời mình ơn Bác như trời biển.

Danh gia vọng tộc

Bà Mộ La người nhỏ nhắn, dáng vẫn nhanh nhẹn như ngày nào, rất mẫn tuệ, nhớ nhiều, cách nói khúc triết, mạch lạc, đúng nghề nhà giáo. Hỏi về thân phụ, bà mong và hẹn có dịp được nói rõ hơn, đúng hơn về cha mình và Bác Hồ với mối quan hệ buổi mở đầu một thời kỳ lịch sử quan trọng.

Bà tỏ ý tiếc, ngay cả đến danh tính thân phụ Hồ Học Lãm ở một vài bài viết, cả đến một đường phố cũng sai chữ lót: Học thành Ngọc. Gia đình phải làm đơn đề nghị sửa lại: Hồ Học Lãm (Học - Xem)

Cha bà theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục từ năm 1906. Đông Du thất bại, cụ Phan giới thiệu cha vào học trường Sĩ quan Bảo Định - Hà Nam, cùng khóa với Tưởng Giới Thạch.

Tham gia cuộc cách mạng Tân Hợi – 1911 do Tôn Trung Sơn lãnh tụ Quốc dân Đảng lãnh đạo. Cha có công giải cứu cho đơn vị của Tưởng Giới Thạch thoát khỏi vòng vây của bọn quân phiệt Bắc Dương do Anh, Mỹ, Pháp đỡ đầu với mưu đồ phục hồi chế độ quân chủ.

Sau ngày Tổng thống Tôn Trung Sơn qua đời (1925), Tưởng Giới Thạch làm binh biến (1927) thay đổi đường lối chính trị, cha vẫn được nể trọng, được điều công tác về Bộ Tổng Tham mưu tại Nam Kinh – Giang Tô. Gia đình vẫn là điểm hẹn, nơi nuôi dưỡng anh em ăn ở như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trịnh Đông Hải…, sau đó là Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên… Và, cũng là nơi cung cấp tin tức mỗi khi người của ta bị bắt hoặc bị đe dọa đến tính mạng.

Năm 1936, qua liên lạc với Lê Thiết Hùng chồng chị cả Hồ Diệc Lan cùng là đồng môn sĩ quan trong quân đội Quốc dân Đảng, Bác Hồ đề nghị cha bà đứng ra xin phép lập Việt Nam độc lập vận động Đồng minh Hội (tên tắt Việt Minh) để có danh nghĩa hợp pháp đoàn kết các lực lượng yêu nước trong kiều bào; một mặt cũng là để phân rõ thái độ, chính kiến một số người như Nguyễn Hải Thần, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Vi Đăng Tường v.v… (rồi, như đã biết, năm 1941 Bác Hồ thành lập Việt Nam độc lập Đồng minh, cũng gọi tắt là Việt Minh, nhưng là “Mặt trận” dưới sự lãnh đạo của Đảng, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Cha bà cũng đứng tên đề nghị mở văn phòng đại diện Việt kiều, làm Chủ nhiệm cơ quan Biện sự sứ tại Quế Lâm, Phó chủ nhiệm là Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng).

Cha bà bị suy tim, hen suyễn nặng, mất ngày 12-4-1943, dặn mẹ, chị Diệc Lan thay cha, việc gì đoàn thể giao, làm được thì nhận, làm thật tốt để xứng đáng niềm tin của lãnh tụ, cũng là giữ trọn nền nếp gia phong của dòng tộc họ Hồ.

Thần tượng anh hùng của hai chị em

Vào khoảng tháng 8-1942, cha bà nhận được thư của Lâm Bá Kiệt thông báo lão đồng chí Hồ Chí Minh mất tích khi qua biên giới, đề nghị giúp đỡ. Cha ốm, mẹ phải bên giường chăm sóc, Mộ La chưa làm gì một mình được.

Cha gợi ý mấy cách đi tìm: - gặp bạn bè thân quen đi các nhà tù dò hỏi tên tuổi, hình dáng các chính trị phạm mới bị bắt gần đây. – Nhờ các báo tung dư luận đòi nhà cầm quyền Quảng Tây không được bưng bít sự thật, thủ tiêu tù nhân, trả ngay tự do cho ông Hồ Chí Minh vô tội. – Chị Diệc Lan chấp bút thay cha trực tiếp đánh thư cho Tưởng Giới Thạch chỉ thị tha bổng cho người bà con họ Hồ bị bắt oan ở nơi nào đấy thuộc tỉnh Quảng Tây.

Bà mẹ khẳng định: Không thể có một lão đồng chí Hồ Chí Minh nào mà các anh trong tổ chức lại quá quan tâm đến như vậy. Đó chỉ có thể là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà thôi.

Mộ La tuổi Ngọ – Canh Ngọ, đã 13 tuổi, độ tuổi con gái sống trong gia đình nền nếp cách mạng, yêu nước đã sớm nhạy cảm với công việc của người lớn, mặc dù không ai muốn cho cô biết việc mình làm. Chỉ riêng chị Diệc Lan ít lần thổ lộ với em về sự kính phục, ngưỡng mộ của mình đối với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Lý Thụy. Lần này, Mộ La nằng nặc đòi cha, mẹ, chị cho phép mình cùng tham gia việc đi tìm lãnh tụ…

Không ai biết được những cố gắng của gia đình có kết quả gì không, chỉ biết hơn một năm sau có tin lãnh tụ đã được tha ở Liễu Châu. Người đến làm việc tại phố Ngư Phong để tiếp xúc rộng rãi, liên lạc với các đồng chí trong nước chuẩn bị đón Bác về.

Ba mẹ con bà Khôn Duy lặn lội đến Liễu Châu gặp Bác, thấy Người làm việc công khai, rất được trọng vọng, mẹ con đã đoán ra được mấy phần.

Mộ La để ý có lần thấy lãnh tụ mặc chiếc quần tây rách một chỗ, lần gặp sau cô đem theo kim chỉ đòi bằng được, lãnh tụ cho mạng lại, mấy mũi kim thôi. Người khen cô cháu gái khéo tay và bảo sẽ “trả công” bằng “đổi công”: sẽ dạy quốc tế vũ, thái cực quyền cho cháu…

Hôm chia tay rời Liễu Châu, Bác đưa cho Mộ La 200 quan kim, bảo để tự mua bộ quần áo mới cho vừa ý. Cô gái không nhận, đưa mắt hỏi mẹ, mẹ bảo: “Cụ cho, con nhận, cảm ơn cụ đi!...”.

Trở về nhà, mẹ con đem chuyện lãnh tụ hỏi ra bàn. Người nói: Chỉ năm Bốn lăm là nước nhà độc lập thôi. Bà và các cháu có muốn về nước thì chuẩn bị đi, cháu Diệc Lan bây giờ muốn về cũng không được. Ở chiến khu rừng núi cực khổ, thiếu thốn lắm…

Hai chị em chưa nghĩ tới chuyện về nước mà đều sửng sốt, hết sức thán phục, tự hỏi: - Giữa lúc thời thế trong nước, quốc tế đang rất đen tối, chiến tranh đẫm máu ở mọi nơi mà sao lãnh tụ lại tài giỏi đến như vậy – biết trước năm 1945 Việt Nam sẽ giành được độc lập? Thật là nhà tiên tri trác tuyệt!

Bác nhớ từng chi tiết

Bà Mộ La kể, Bác có trí nhớ tuyệt vời, mình không thể tưởng tượng. Người nhớ hẳn vì sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhặt, rất tình người. Một lần, khi bà đang học tại Nhạc viện Traikôvxki ở Matxcơva (1961-1966), được đến thăm Bác, Người nhận xét vui: - Hồi ni cháu ăn diện đồ tây nom to nậy hề? Mới đó, cháu viết thư gọi Bác là “Minh thúc”. Bác cười, nói vui: - Lại “mới” nữa, cách nay độ 30 năm, lần đầu gặp cháu còn mặc quần thủng đít…

Mộ La tức cười, mạnh dạn giải thích: - Thưa Bác năm 1943, ba mẹ con cháu đến Liễu Châu tìm Bác, cháu đã hỏi Bác: Tại sao cụ lại xưng chú với cháu? Bác bảo vì chú ít tuổi hơn thày cháu. Thế là sau đó về nhà, cháu nhớ quá viết thư tiếng Trung gọi “Minh thúc”. Vả lại, ngày đó cháu chỉ nghĩ Bác là người trong gia đình, chú của cháu. Nay thì khác, Bác là Bác Hồ của mọi người, cả trong nước và trên thế giới.

Bác chăm chú nghe, gật gật đầu cười: - Cô sinh viên trường nhạc lý luận… khá lắm! Còn “bài bản” chi nữa nào? Cả hai Bác cháu cùng cười. Mộ La trấn tĩnh lại nói tiếp: - Dạ, thưa Bác, cháu xin mạn phép: Bác quên rồi. Khi Bác cháu ở Liễu Châu, cháu đã 13 tuổi, sao lại là mặc quần trẻ nhỏ?

- Ấy, ấy… Hẳn cháu không phải không nhớ mà có thể chưa biết. Hồi nớ cháu mới lên hai, bà nhà bế theo lên Thượng Hải dự Hội nghị Mặt trận phải đế toàn Trung Hoa…
- Trời đất ơi, chuyện nhỏ đã qua 30 năm, Bác nhớ từng chi tiết!

Lá thư báu vật

Cháu Mộ La.

Đã nhận được thư cháu, Chú cảm ơn. Biết cháu to nậy, mạnh khỏe, tiến bộ, chú mầng. Nhưng cháu viết hơi “văn nghệ” quá, Chú ngại. Ví dụ: Răng không kêu chú là chú Minh, lại kêu bằng “Minh thúc”. Tiếng ta có, thì nên zùng tiếng ta, như rứa phổ thông hơn, phải không cháu?

Hôn cháu

Chú Minh

Nhà giáo Mộ La gọi đây là thư Bác Hồ, vật báu của gia đình, tự tay Người gõ máy chữ trên tấm giấy dó nhỏ sản xuất thời chống Pháp, được ép nilon, đựng trong cái túi riêng, nay mới công bố.

Thư Bác gửi bà Hồ Mộ La .

Được hỏi về ngày tháng, xuất xứ của thư, tâm trạng khi nhận thư, bà nhớ lại: Đúng năm 1945 như Bác đã dự báo, sau Cách mạng Tháng Tám, phái đoàn Hà Phú Khương sang Trùng Khánh đón “Hải ngoại quân”: lính khố xanh, khố đỏ về nước, Bác dặn tìm, đưa cả ba mẹ con bà hồi hương. Tiếc là về nước đúng vào thời gian Bác đi thăm Pháp.

Mẹ con về quê Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An tham gia công tác. Nhớ Bác quá, năm 1950, bà gửi thư lên Bác, cả thư tiếng Trung. Thật bất ngờ, Bác trả lời ngay. Bà thấy xấu hổ quá, ngượng quá, sao lại viết dông dài, hươu vượn làm Bác phiền lòng. Nhưng lại nghĩ: thế mới là Bác vĩ đại! Bác thương con cháu, chỉ bảo từng li, từng tí.

Bác dạy: người ta dùng tiếng ta mới là “hiện tượng” thôi. Còn bản chất, ý Bác là đừng đánh mất mình, mất gốc, quên ông cha đất tổ. Thì đó, xa quê đã gần tròn 40 năm mà trong thư vẻn vẹn hơn 60 từ, có tới 6 tiếng gốc Nghệ An: to nậy, mầng, răng, rứa, kêu, ngại. Việc nhỏ mà ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tình quê cao đẹp biết bao!