Suốt gần ba chục năm qua, những con cò, con vạc, con nông cư ngụ tại vườn đồi của ông Quyển liệu có phải “đậu phải cành mềm”?
Nỗi lòng bà chủ vườn cò…
Trước đây, thấy chồng mình được nhận Giải thưởng môi trường, bằng khen của tỉnh, của trung ương; hết đoàn này đến đoàn khác, hết báo trung ương đến báo địa phương ra vào tấp nập để xem vườn cò, viết về vườn cò thì bà Minh – vợ ông Quyển cũng vui vui trong lòng.
Bà giúp chồng tiếp khách, hướng dẫn khách thăm cò và cũng đã nhiều năm cùng chồng gác cửa, bảo vệ đàn cò khỏi tầm ngắm của những thợ săn luôn rình rập... Nhưng cách đây mấy tháng, khi tôi và một đồng nghiệp đến thăm vườn cò, phải nhiều lần gọi cửa, bà Minh mới uể oải chào đón.
Bà mệt mỏi đưa chúng tôi lên vườn. Trên diện tích tới hơn 3 ha, những cây bạch đàn xơ xác vì cò đậu, phía dưới chủ yếu là những cây dứa, cây vải đều phủ trắng phân cò. Mùi hôi và tanh nồng bủa vây kín không gian rộng lớn. Buổi trưa, vườn cò vắng hơn rất nhiều, chỉ còn lại mấy chục con đang ấp, đẻ là ở trong tổ hoặc kiếm mồi gần đó.
Chia sẻ nỗi niềm với bà Minh, tôi hiểu rằng sự phiền toái của cò mang đến cho gia đình bà là rất lớn. Vườn rộng mà chẳng thể trồng được cây gì cho ra tiền. Vải không ra vải, dứa chẳng ra dứa, bạch đàn keo dù đã lớn nhưng không dám chặt.
Cò đậu nhiều còn làm chết cây, phải trồng thêm, dặm thêm cây cho cò đậu. Suốt ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác vợ chồng bà thay phiên nhau mà hít hà không khí tanh nồng khủng khiếp. Con cái đã lớn nên đi làm đi học cả, nhà có hai ông bà thì mỗi người một nơi. Ông về nhà ngoài thì bà vào nhà trong để trông cò.
Ngủ trưa không được, ngủ tối chẳng yên vì một tiếng súng bắn “toạch” của kẻ săn trộm đã làm hàng trăm con cò giật mình nháo nhác. Cò vạc nháo nhác thì người sao yên được. Bà Minh bảo, cái giống cò vạc nó cũng khôn lắm. Bị săn bắn nhiều là chúng bỏ đi hết đấy. Biết vậy, chẳng ít lần bà Minh có tâm lý buông xuôi, kệ cho người ta săn bắn, kệ cho chúng bỏ đi cho rảnh nợ...
Cũng có lần giận chồng vì suốt ngày cò cò vạc vạc, nửa đêm bà cầm cây sào ra vườn khua lên cành cây để đuổi cò đi. Đàn cò thấy động bay tán loạn nhưng chỉ lúc sau lại chiu chít trên cành… Hết giận lại thương, bà Minh lại cùng ông Quyển xua đuổi những kẻ săn trộm. Nhưng thương cò thì ai thương mình, suy nghĩ ấy làm bà Minh lại giận dỗi đàn cò, lũ vạc…
Thương cò, ai thương mình?
Hơn hai tháng trước, tôi ngạc nhiên khi nhận được tin ông Quyển có ý định rao bán vườn cò. Dù đã biết mọi sự phiền toái mà đàn cò gây nên cho ông và vợ con nhưng tôi vẫn thảng thốt. Mấy hôm trước, tôi lại đến thăm vườn cò. Bà Minh lẳng lặng. Tôi chẳng biết bà vui hay buồn.
Bà bảo: “Cũng có vài người hỏi, nhưng nào đã bán được đâu. Thương cò mãi rồi, cò nó có thương mình đâu. Mà ông nhà tôi cũng già rồi, khổ lắm… Quyết định rồi, cứ bán đi cho rảnh!”.
Tôi chẳng biết nói thế nào cho phải. Mấy năm trước, khi dịch cúm gia cầm bùng phát ổ dịch đầu tiên tại Bắc Giang, vườn cò của gia đình bà Minh đã nằm trong tầm ngắm cần phải tiêu huỷ. Làng trên xóm dưới lo sợ đàn cò ở vườn ông Quyển sẽ mang dịch H5N1 về. Bà Minh và các con lo lắm. Ông Quyển điện hỏi Sở KH&CN thì cán bộ phụ trách bảo, tốt nhất là bác và “gia đình cứ tạm lánh đi đâu đấy, kệ cò ở đó!”.
Vậy là, người lánh đi để cho cò ở. Cán bộ thú y đến đọc lệnh tiêu diệt đàn cò. Khi ấy, dù mấy hôm trước bà Minh vẫn rất giận dỗi cò nhưng nghĩ đến hàng ngàn con cò bị tiêu diệt thì bà lại rưng rưng. Cuối cùng, đàn cò cũng qua được mùa dịch.
Năm 2001, một chú cò bị hụt bẫy kéo cả dây lòng thòng về tổ, dây mắc vào cành cây làm nó cứ bay loạn xạ. Cả đàn cò hàng vạn con hoảng hốt, tán loạn. 3 ngày sau chúng bỏ đi sạch. Cả nhà ông Quyển ngơ ngác. Vườn không bóng cò hiu hắt, chống chếnh. Chờ mãi không thấy chúng về, ông Quyển phóng xe đi khắp nơi để tìm. Cứ tưởng cò sẽ đi mãi nhưng gần hai tháng sau, chúng lại ùn ùn kéo về. Vườn cò lại náo nhiệt ồn ã. Và bà chủ vườn cò lại cằn nhằn chuyện cò chuyện vạc…
Tâm sự với chúng tôi, bà Minh có ý rằng, thực tâm bà cũng thương đàn cò vì chúng chịu thương chịu khó, lam lũ, cực nhọc y như con người vậy. Từ mờ đất đã nháo nhào rời tổ lặn lội kiếm mồi, nuôi con. Thương nhất là những đêm mưa bão, cò non rơi bình bịch xuống vườn nghe mà xót ruột… Con nào rơi xuống đất mà vẫn còn khỏe, bà dùng cây sào trả chúng về tổ; những con non bị chết, bà gom lại ngậm ngùi đem chôn.
Ừ thì giải thưởng môi trường, ừ thì bằng khen, ừ thì trông nom bảo vệ sớm hôm không công nhưng mấy héc ta vườn đồi không ra sản phẩm thì Nhà nước cũng phải xem xét hỗ trợ tí chút chứ. Không tiền hỗ trợ, vườn không cho quả, cây lớn không được lấy gỗ thì lấy gì để mà sống mà chăm cò, chăm vạc?
Có người xui ông Quyển bán vé vào vườn cò để lấy kinh phí tái đầu tư. Có người xui bà Minh cứ bắt cò mà bán vụng, hoặc cứ làm ngơ cho mấy tay ưa săn chim săn cò vào bắn rồi cũng kiếm được ít tiền… Tất cả những phương cách ấy ông Quyển bà Minh đều không làm được.
“Tôi không bán cò!”
Từ hôm có tin ông Quyển rao bán vườn cò, đã có mấy người đến ướm hỏi, có người nói sẽ mua vườn cò rồi chặt hết cây cũ để làm trang trại mới. Một người ở Hà Nội thẳng thừng đặt hàng ông Quyển sẽ mua cò theo đợt, càng nhiều càng tốt. Chỉ mua cò, không mua vườn. Cò bợ tám nghìn, cò trắng mười nghìn, vạc mười lăm nghìn một con. Cò chết cũng được, nhưng phải thịt rồi cho vào tủ lạnh... Ông Quyển không đồng ý.
Chặt cây thì cò đi đâu? Nếu chặt cây mà bán để có vài trăm triệu thì ông Quyển, bà Minh cũng chặt được nhưng gia đình ông không nỡ làm thế. Bán cò lại càng không dám bán. Ông bà muốn bán trọn vẹn cả vườn cả cò… Nói vậy, tức là vợ chồng ông Quyển muốn bán cho người nào đó có ý định tiếp tục chăm chút, bảo vệ đàn cò.
Tôi đặt tình huống, nếu người mua vườn cứ khăng khăng sẽ chặt sạch cây để làm cái họ muốn hoặc bắt hết cò thì sao? Ông Quyển lặng người trong giây lát. “Không thể nào đâu! Chẳng ai lại làm thế đâu. Này nhé, nếu tôi có điều kiện, nói thực tôi sẽ cải tạo, quy hoạch lại khu vườn, trồng cây, đào rộng ao, làm đường đi lối lại.
Tôi sẽ bố trí thêm một số chuồng thú ở xung quanh. Tôi sẽ… Vườn cò sẽ khác mà, tôi tính mãi rồi. Nhưng nếu họ cứ chặt cây, cứ bắt cò thì… tôi cũng phải chịu vì tôi đã cầm tiền rồi. Tôi chỉ có thể nói với theo, hãy giữ vườn cò được thôi. Chỉ nói với theo vậy thôi! Tôi không bán và cũng không muốn bán cò”.
Ai mua cả vườn cả cò?
Hoàng hôn đã phủ lên những tán cây sâm sẫm. Đàn cò đã về rợp trời. Người bạn đồng nghiệp của tôi lặng lẽ ngồi nghe từ lúc mới vào, giờ mới nói: “Nếu có tổ chức, cá nhân nào đó đồng ý mua vườn cò của bác với giá thỏa thuận, sau đó họ lại nhờ hai bác trông nom bảo vệ thì có được không?”. Bạn tôi chưa dứt lời, những nếp nhăn trên khuôn mặt của cả ông Quyển, bà Minh dãn ra: “Đấy, chính thế đấy. Thế thì còn gì bằng nữa. Chúng tôi đồng ý ngay”.
Hóa ra, ông Quyển, bà Minh không ghét cò. Họ khó khăn quá! Khó khăn từ chuyện cả bốn anh con trai không anh nào chịu về ở chung với bố mẹ vì… cò. Khó khăn vì tuổi già sức yếu mà ông ở nhà trong, bà ở nhà ngoài… Khó khăn vì họ không thể cứ lấy lương hưu giáo viên để nuôi cò, chăm vạc. Những khó khăn của gia đình ông Quyển không phải cấp ủy, chính quyền địa phương không biết. Thực tế, gia đình ông Quyển đã và sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ.
Tuy nhiên, những chia sẻ hỗ trợ ấy có giải quyết được những khó khăn mà gia đình ông gặp phải khi bảo vệ chăm sóc đàn cò hay không, chỉ có ông Quyển, bà Minh là người hiểu rõ nhất. Tôi hiểu rằng, quyền sử dụng đất cho phép ông được bán khu vườn theo quy định của pháp luật.
Và sẽ chẳng có chuyện gì để ầm ĩ nếu không có hàng vạn con cò trú ngụ nơi vườn nhà ông. Nghĩ tới điều ấy tôi bỗng liên tưởng tới câu chuyện cổ tích nói về văn tự mua đất mà con cò nào cũng có ở sau gáy… Dù là chuyện cổ tích, nhưng quyền được tồn tại của con cò trên đất của con người là đương nhiên.
Nhưng nếu ông Quyển vẫn quyết bán vườn, những con cò có văn tự liệu rằng còn được tồn tại bình yên trên đất ấy hay không?
Ngoài Giải thưởng môi trường, vườn cò của gia đình ông Quyển được tổ chức DED của Đức hỗ trợ 45 triệu đồng để làm hàng rào, chòi canh… Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Hoàng Thanh Khiết đã lên tận vườn cò trao 8 triệu đồng hỗ trợ gia đình; ông Nguyễn Mạnh Cường - Nguyên Bí thư Huyện ủy Lạng Giang cũng đã trao 6 triệu đồng để hỗ trợ gia đình công chăm sóc, bảo vệ…
Mới đây, khi biết chuyện ông Quyển có ý bán vườn cò, trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ gia đình ông Quyển để bảo vệ vườn cò.
Bí thư Huyện ủy Lạng Giang cũng nói với PV, từ tháng 9/2008 đến hết năm 2009, huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ công chăm sóc bảo vệ đàn cò cho gia đình ông Quyển mỗi tháng 450.000 đồng và sẽ hỗ trợ kinh phí sửa chữa hàng rào bảo vệ vườn cò khi có dự án hợp lý…