Ba nước lớn đe ông Assad

TP - Ngày 16/9, Mỹ, Anh và Pháp nhất trí gia tăng sức ép đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để chính quyền của ông tuân thủ thỏa thuận từ bỏ vũ khí hóa học.

> Nga giúp Mỹ thoát 'chiếc bẫy chính trị' Syria?
> Mỹ, Nga thống nhất tiêu hủy vũ khí hóa học Syria

Trong khi đó, dù có thêm thời gian để đối phó khả năng bị Mỹ tấn công, chính quyền Syria đang mất đi một vũ khí chiến lược chống lại “thù trong giặc ngoài”, các nhà phân tích nhận định.

Hôm qua tại cuộc họp báo ở Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo rằng, Anh, Pháp và Mỹ đã nhất trí với Nga rằng, ông Assad phải chấp nhận hậu quả nếu không tuân thủ thỏa thuận đạt được hai ngày trước đó (Syria đồng ý công bố kho vũ khí hóa học trong vòng 1 tuần, loại trừ số vũ khí này từ nay đến giữa năm 2014…). Ngoại trưởng Anh, Pháp và Mỹ nhất trí rằng, cần đặt ra “thời gian biểu chính xác” cho việc giải trừ vũ khí ở Syria.

Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, thỏa thuận về vũ khí hóa học Syria đem đến bài học cho Iran rằng, việc giải quyết bất đồng hạt nhân Mỹ - Iran bằng con đường ngoại giao là khả thi.

Thỏa thuận về vũ khí hóa học của chính quyền Assad với Nga và Mỹ mở ra cơ hội chính trị và quân sự mới cho Tổng thống Syria. Thỏa thuận này giúp loại bỏ nguy cơ bị Mỹ tấn công ngay trước mắt và bảo đảm vai trò không thể thay thế của chính phủ Syria trong những tháng tiếp theo, để bảo đảm quá trình phá hủy các kho vũ khí hóa học.

Trong tương lai ngắn hạn, chính quyền Syria vẫn được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Kể từ những tháng đầu tiên của cuộc nổi dậy ở Syria năm 2011 (mà sau đó bùng phát thành cuộc nội chiến khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng), Mỹ không ngừng kêu gọi ông Assad từ chức.

Mỹ, châu Âu và những nước đối đầu Syria ở Trung Đông nhiều lần dự đoán ông Assad bị lật đổ vào một số thời điểm của cuộc nổi dậy. Một quan chức Mỹ mô tả chính quyền Assad vào tháng 12/2011 là “không khác gì một xác chết di động”.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định thỏa thuận về vũ khí hóa học không thay đổi quan điểm của Washington rằng, ông Assad “không có quyền lực hợp pháp và không còn là người cai trị ở Syria”. Nhưng dù Mỹ có gọi như thế nào thì chỉ có ông Assad và chính phủ của ông mới có thể chịu trách nhiệm về thỏa thuận vũ khí hóa học.

Ông Kerry nói việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria phải được hoàn thành vào giữa năm sau, nhưng kinh nghiệm xử lý vũ khí sinh hóa ở Iraq hồi những năm 1990 cho thấy quá trình này có thể sẽ kéo dài hơn nhiều.

Thỏa thuận vũ khí hóa học đồng nghĩa với việc Mỹ hoãn tấn công Syria, nên ông Assad có thể tiếp tục chiến dịch truy quét quân nổi dậy. Các nhà hoạt động phương Tây ở Syria tuần trước nói rằng, chính quyền Syria đã khôi phục chiến dịch không kích vào một số thành lũy của lực lượng đối lập quanh thủ đô.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, thỏa thuận vũ khí hóa học cũng gây bất lợi cho ông Assad, đó là sẽ tước bỏ lợi thế quân sự mà quân chính phủ Syria đang tận dụng để chiếm ưu thế trước phe nổi dậy trong nước và tạo tác dụng răn đe đề phòng Israel.

Tích vài chục năm, mất sau 1 đêm

Phía Mỹ cho rằng, Syria có 1.000 tấn chất độc hóa học được giữ tại 45 địa điểm. Theo một quan chức Mỹ, ngay cả khi những địa điểm này được quân đội Syria kiểm soát thì cuộc nội chiến sẽ khiến việc tiêu hủy lượng vũ khí hóa học lớn như vậy là cực kỳ khó khăn, từ đó tạo ra nhiều thời cơ để trì hoãn ngay cả khi Damascus thực hiện cam kết một cách nghiêm chỉnh.

Bình luận sau thông báo của Nga và Mỹ về thỏa thuận vũ khí hóa học, Bộ trưởng Hòa giải dân tộc Syria Ali Haidar mô tả đây là chiến thắng đối với Syria.

Nhưng hầu hết quan chức Syria, trong đó có cả ông Assad, phản ứng yếu ớt hơn, phản ánh cảm giác không thoải mái khi chỉ sau một đêm Damascus đánh mất kho vũ khí chiến lược mà họ tích lũy nhiều thập kỷ.

Syria từng nhiều lần nói rằng, nếu phải từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt thì tất cả quốc gia trong khu vực, kể cả Israel (quốc gia duy nhất ở Trung Đông được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân), đều phải cùng thực hiện.

Hệ thống y tế của Syria đang bên bờ vực sụp đổ, khi hơn một nửa số bệnh viện ở nước này đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng, các chuyên gia y tế quốc tế vừa cảnh báo.

Có tới 37% số bệnh viện bị đánh sập, 20% bị hỏng nặng, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới. Gần 500 nhân viên y tế Syria đang phải ngồi tù, 15.000 bác sĩ bị buộc phải ra nước ngoài. Thành phố Aleppo từng có khoảng 5.000 bác sĩ, nhưng nay chỉ còn 36 người, theo số liệu của Trung tâm Tư liệu vi phạm nhân quyền ở Syria.

Trúc Quỳnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy