Ba nguyên nhân chính dẫn đến 'biến tướng' bảo hiểm nhân thọ

TP - TS. Cấn Văn Lực cho rằng, những bất cập của bảo hiểm liên kết với ngân hàng nổi lên trong mấy tháng vừa qua là bài toán cần phải tháo gỡ. Vấn đề bảo hiểm gần đây lại xảy ra với người nổi tiếng, gây tranh cãi nhiều hơn. Bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ chúng ta khi có hiểm nguy chứ không phải chỉ để đầu tư, kiếm lời. Vị chuyên gia nêu rõ 3 nguyên nhân dẫn tới biến tướng bảo hiểm nhân thọ. 

Từ 9h sáng nay (14/4), tại trụ sở báo Tiền Phong - 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội), Báo Tiền Phong và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức tọa đàm “Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ”.

KHÁCH MỜI TỌA ĐÀM

- Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

- TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

- Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam

- TS Luật Trần Vũ Hải - Phó Trưởng phòng khoa học, Đại học Luật Hà Nội

- Đại diện khách hàng gặp vướng mắc với sản phẩm bảo hiểm liên kết qua ngân hàng

Tại tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia sẽ trao đổi về nguyên nhân “vì sao ở Việt Nam lại có “hiện tượng” như vậy và kéo dài?” (nhìn từ góc độ pháp lý), thực trạng, vướng mắc cần tháo gỡ của việc hợp tác giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng...

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

14/04/2023 07:43

14/04/2023 07:43

14/04/2023 08:20

14/04/2023 09:45

Hoạt động của kênh Bancassurance được Nhà nước cho phép. Ở nhiều nước trên thế giới bancassurance cũng đã phát triển từ lâu. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty bảo hiểm nhân thọ với ngân hàng để bán bảo hiểm đã tồn tại phát triển rất lâu, ở Việt Nam, mối quan hệ để hình thành kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho 3 đối tượng: Người mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm và ngân hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kênh bancassurance đã xuất hiện nhiều vướng mắc, thậm chí tiêu cực ở một bộ phận nhỏ cán bộ, nhân viên trực tiếp bán bảo hiểm ở một vài ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này đã làm tổn hại đến uy tín, thương hiệu, sản phẩm bán bảo hiểm qua ngân hàng, khiến người mua bảo hiểm có phần băn khoăn, lo lắng rất cân nhắc khi mua sản phẩm.

14/04/2023 09:49

Ông Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong (ngoài cùng bên trái) và đại diện Ban tổ chức tặng hoa các vị khách mời dự tọa đàm (Ảnh: Mạnh Thắng)

Từ tháng 9/2022 cho đến nay, rất nhiều người mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm nhân thọ lần lượt gõ cửa báo Tiền Phong phản ánh, bị nhân viên công ty bảo hiểm và nhân viên mời gọi và tư vấn mập mờ giữa mua bảo hiểm nhân thọ và mua bảo hiểm nhân thọ được trả lãi cao.

Trong rất nhiều người mua bảo hiểm tìm đến báo Tiền Phong nhờ cậy có cả người già, người nghỉ hưu khả năng tiếp cận thông tin, hiểu biết luật pháp hạn chế. Nhiều người đã được nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty bảo hiểm tư vấn chuyển khoản gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ. Trong rất nhiều người mua, có những người cho biết họ không đọc kỹ được hợp đồng, không được tư vấn rõ ràng, thậm chí bị nhân viên ngân hàng lôi kéo, cố tình tư vấn mập mờ... có biểu hiện gian lận.

14/04/2023 09:58

Đi thẳng vào những vấn đề 'nóng' của bảo hiểm

Ông Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong: Thay mặt Đảng uỷ ban Biên tập báo Tiền Phong, chúng tôi chào mừng khách mời đến tham dự toạ đàm. Đây là vấn đề nóng được dư luận quan tâm, việc có mặt của các đại biểu có mặt tại đây đã thể hiện ý nghĩa từ khoá chúng ta tập trung. Trong hơn 2 tiếng vỡ vạc ra nhiều vấn đề và mang đến thông tin đến bạn đọc.

Ông Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong.

Clip chỉ là lát cắt, hiện tượng này âm ỉ mãi, báo Tiền Phong là báo đầu tiên bóc tách những bất cập giữa bất cập giữa ngân hàng, bảo hiểm. Từ đó, nhiều báo khác cùng đồng thanh tương ứng, đồng ý tương cầu, họ vào cuộc mổ xẻ mối quan hệ này. Chúng ta đi thẳng vào trao đổi diễn ra vì sao xảy ra vấn đề này. Chúng tôi đã gặp khách hàng muốn tháo gỡ gì trong vấn đề báo hiểm.

14/04/2023 09:59

‘Nạn nhân’ mua bảo hiểm nói gì?

Ông Nguyễn Hải Long - người mua bảo hiểm: Tôi là 1 trong rất nhiều nạn nhân khi gửi tiền tiết kiệm chuyển sổ tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ. Chúng tôi là người lao động phổ thông, người già hưu trí, người thất nghiệp... thu nhập hàng tháng chỉ từ 3-7 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hải Long - người mua bảo hiểm.

Khi đến ngân hàng chúng tôi nhằm gửi tiền tiết kiệm để được chút lãi cải thiện cuộc sống và tiền gốc để đề phòng rủi ro. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ngân hàng là 1 tổ chức thuộc quản lý nhà nước, là nơi an toàn để gửi đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, không thể xảy ra hoạt động ảnh hưởng đến khách hàng. Sự không rõ ràng trong tư vấn của nhân viên khiến nhiều người rơi vào tình trạng mất sạch toàn bộ tài sản hàng trăm triệu vào phí bảo hiểm ngay trong năm đầu tiên.

14/04/2023 10:04

Bản chất bảo hiểm nhân thọ

Bảo hiểm nhân thọ ra đời khi nào, từ đâu? Ý nghĩa mà bảo hiểm đã mang lại cho những người Việt Nam đã mua bảo hiểm nhân thọ?

Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính:

Trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ xuất hiện từ khoảng thế kỷ 17, ban đầu là bảo vệ cho tính mạng của các thuyền viên trước những rủi ro biến cố bất ngờ khi đi biển, sau mở rộng sang bảo hiểm cho người trụ cột kinh tế gia đình không may tử vong, gia đình họ sẽ được công ty bảo hiểm bù đắp tài chính nhanh chóng để ổn định cuộc sống. Với nhận thức ngày càng được nâng cao của con người về tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ đã mở rộng với mọi đối tượng: người già, trẻ em hoặc bất kỳ ai có nhu cầu được bảo vệ trước những rủi ro không lường trước.

Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính

Bảo hiểm hoạt động trên nguyên tắc số đông bù số ít. Mối quan hệ trong hoạt động bảo hiểm không chỉ là mối quan hệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và người được bảo hiểm, mà suy rộng ra đó là mối quan hệ giữa những người được bảo hiểm thông qua cơ chế hình thành và sử dụng quỹ bảo hiểm. Tập hợp các khoản phí bảo hiểm mà số đông bên mua bảo hiểm đóng vào một quỹ chung chính là để trang trải, bù đắp cho những thiệt hại, mất mát của số ít người không may mắn khác cùng tham gia bảo hiểm. Thực chất bảo hiểm là việc phân chia tổn thất của một số ít người cho tất cả những người tham gia cùng chịu. Đây chính là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm, thể hiện tinh thần tương trợ chia sẻ khó khăn, mất mát thiệt hại khi gặp hoạn nạn giữa những người tham gia bảo hiểm.

Ở Việt Nam, sau khoảng gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đến nay đã có 19 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Quyền lợi bảo hiểm cũng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy, đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm yên tâm hưởng thụ cuộc sống và dự phòng các kế hoạch tài chính cho tương lai. Với gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động, trong năm 2022, DNBH nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân.

14/04/2023 10:08

Nếu người mua bảo hiểm có bằng chứng, DN phải giải quyết

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thắng

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam:

Khi nhận được thông tin về các sự việc khiếu nại, bất bình của khách hàng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của DNBH, Hiệp hội đã đề nghị các DNBH nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin do khách hàng phản ánh để kiẹp thời xử lý, đảm bảo quyền lợi của khách hàng trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Chúng tôi đã nắm được thông tin về Ngân hàng SCB phối hợp bán bảo hiểm nhân thọ của Manulife. Chúng tôi biết, thời gian vừa qua, Công ty bảo hiểm Manulife đã làm với khách hàng để tìm phương án giải quyết.

Trường hợp người mua bảo hiểm Nguyễn Hải Long phản ánh, để có thể chứng minh được điều khách hàng cung cấp, doanh nghiệp cần xác minh từng người nên phải cần thời gian xác minh và trả lại quyền lợi cho khách hàng kéo dài. Những trường hợp nào DN xác định được có bằng chứng về việc tư vấn viên đã tư vấn sai cho khách hàng, DN đã thực hiện hủy hợp đồng và hoàn lại khoản phí đã đóng cho khách hàng, đồng thời các tư vấn viên đó cũng đã phải chịu hình thức xử lý kỷ luật phù hợp (như tôi được biết các trường hợp có bằng chứng rõ ràng như file ghi âm lời tư vấn, chứng minh được là tư vấn viên đã tự kê khai sai thông tin khách hàng, mạo nhận chữ ký của khách hàng...)

Ông Nguyễn Hải Long - người mua bảo hiểm.

Với trường hợp bạn Long (người đang tham gia trực tuyến- PV), hiện tại Bộ tài chính có đường dây nóng tiếp nhận thông tin của người dân về các trường hơipj bị “lừa”, ép mua bảo hiểm, bạn nên gửi đơn khiếu nại và các bằng chứng chứng minh tới Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước để bộ phận chức năng kiểm tra, xử lý.

14/04/2023 10:35

‘Ép’ mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng: Vi phạm quy định!

Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính

- Việc ép mua bảo hiểm khi vay vốn có làm méo mó bản chất của bảo hiểm? Thực trạng hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng hiện nay?

Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính:

Như trên đã chia sẻ, cơ sở thúc đẩy bảo hiểm nhân thọ ra đời chính là nhu cầu thực tế phát sinh trong cuộc sống con người. Khi đã đáp ứng đúng, đáp ứng trúng nguyện vọng của người tham gia thì sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ là tất yếu. Như vậy, nếu đã có yếu tố ép buộc thì sẽ đi ngược lại với mục đích ra đời của bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của bảo hiểm nhân thọ.

Giao dịch bảo hiểm cũng là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên. Thời gian qua còn tồn tại hiện tượng một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến cho khách hàng cảm thấy ấm ức không thoải mái. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

14/04/2023 10:56

Cần phải “xốc” lại về bảo hiểm

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Hiện nay, chúng ta có quy định pháp luật đầy đủ về nhiều lĩnh vực, trong đó thông tư hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Tôi mong Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai luật kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp túc rà soát lại thông tư nội ngạch để làm tốt hơn việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Ông Lực kiến nghị, mẫu hợp đồng bảo hiểm đơn giản, ngắn gọn. Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích.

Sau những vụ vừa qua, chúng ta cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà roát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại rà roát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chương trình quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên. Ngược lại, bản thân các đại lý bảo hiểm cần ra soát lại, gia cố lại nhân viên của mình. Ở Trung Quốc có quy định rõ, chúng ta có thể tham khảo như: Tư vấn cần người có kinh nghiệm, sau 2-3 năm kinh nghiệm mới được tư vấn khách hàng, hay bảo hiểm cần có quầy bán riêng… Về phía người dân, cần nắm rõ mục đích mình mua bảo hiểm và đọc kĩ hợp đồng.

Tôi nhấn mạnh, bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác.

Các quy định của ngân hàng Nhà nước hiện nay không được ép mua bảo hiểm. Gần đây xuất hiện một số nhân viên bị giao chỉ tiêu, vì ngân hàng, tổ chức tín dụng đó có hợp đồng độc quyền với bên bảo hiểm, mà độc quyền thì phải bổ trợ cho nhau nên mới có chuyện áp lực doanh số. Tuy nhiên, rõ ràng vấn đề này chỉ là một số ngân hàng mà thôi. Ví dụ, một số hoạt động đặc thù như vay thấu chi với độ rủi ro cao nên chúng ta cần khuyến khích việc phát triển bảo hiểm.

Cuối cùng, tôi cho rằng đây là thời điểm chúng ta cần phải xốc lại về bảo hiểm.

14/04/2023 11:04

Khách hàng nên là người mua bảo hiểm thông thái

TS. Trần Vũ Hải - Phó trưởng Phòng Khoa học, Đại học Luật Hà Nội:

Bảo hiểm liên kết ngân hàng phải nhìn cả mặt tích cực, tiêu cực. Điểm tích cực là xu thế chung trên thế giới, cung cấp đa dạng hơn sản phẩm tài chính ngoài mục đích bảo hiểm là đầu tư.

Hiện Thông tư 86/2014 quy định rõ không được ép buộc mua bảo hiểm. Nhân viên phải giải thích rõ là sản phẩm này không phải của ngân hàng và không bắt buộc. Thế nhưng thực tế vẫn xảy ra từ phía nhân viên ngân hàng bỏ qua quy định, tập trung lợi ích và nắm bắt tâm lý lợi ích của người mua.

Qua sự việc vừa qua, hoạt động của đại lý bảo hiểm cần chấn chỉnh, chuẩn hoá quy trình kiểm soát hoạt động. Trường hợp khách hàng như diễn viên Ngọc Lan chỉ là số ít. Rất nhiều đơn vị bảo hiểm thực hiện đúng, chuẩn. Đây là cơ hội đánh giá quy trình kiểm soát, quản lý từ phía cơ quan quan lý nhà nước.

14/04/2023 11:22

Nếu chúng ta chọn nhầm mục tiêu sẽ chọn nhầm sản phẩm

TS. Trần Vũ Hải- Phó trưởng Phòng Khoa học, Đại học Luật Hà Nội:

Tôi là người tham gia nghiên cứu, giảng dạy, pháp lý liên quan đến bảo hiểm. Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sản phẩm liên kết ngân hàng là sản phẩm tài chính hiện đại, phương thức để người tham gia để bảo vệ trước rủi ro và tích luỹ. Chúng ta phải nhấn mạnh, đây là sản phẩm bảo vệ ro trước, sau mới tích luỹ. Nếu chúng ta chọn nhầm mục tiêu sẽ chọn nhầm sản phẩm.

Việc liên kết ngân hàng phát triển mạnh ở Việt Nam thời gian gần đây. Trong khi đó, sản phẩm này trên thế giới phát triển mạnh.

Pháp luật Việt Nam triển khai bảo hiểm nhân thọ đi sau, mới phát triển từ năm 1996. Là người đi sau, Việt Nam có sự học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước. Điều này lý giải cho sực phức tạp của hợp đồng bảo hiểm. Tôi xin nhấn mạnh, vấn đề nảy sinh là ý thức tuân thủ pháp luật của tất cả các bên. Từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, các đại lý là ngân hàng, người tham gia bảo hiểm.

Bản thân xuất phát từ tính trừu tượng của sản phẩm bảo hiểm. Sản phẩm này thuộc về rủi ro và là sản phẩm khó bán nhất trên thế giới, so với sản phẩm thông thường như nhà cửa, xe cộ... Đây cũng là động cơ để người mua chú ý hơn. Chính vì vậy, đại lý bảo hiểm, cá nhân tư vấn mong muốn bán bảo hiểm hoặc do hiểu biết người thuyết minh của người tư vấn thiếu hiểu biết đã tư vấn không đúng bản chất của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Ngược lại, nhiều khách lại tiếp cận bảo hiểm là đầu tư nhưng bản chất là bảo hiểm. Tham gia bảo hiểm, đóng phí nhỏ nhưng được bồi thường, được chi trả lớn hơn. Đó là bản chất của bảo hiểm, chứ không phải đóng tiền vào để nhận lại bao nhiêu.

Đại lý bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp đầy đủ cho bên mua, giải thích rõ các quyền lợi... Thực tế, nhân viên làm không đúng, che giấu thông tin, đặc biệt tự kê khai cho người mua bảo hiểm.

Trong Nghi định 98/2013, sau sửa Nghị định 48/2018 quy định xử phạt với 4 biện pháp hành chính. Một là thông tin quảng cáo sai sự thật. Cái này do doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý. Thứ hai, tài liệu giới thiệu dịch vụ daonh nghiệp không rõ ràng.

Thứ ba không cung cấp đầy đủ thông tin, không cung cấp bên mua... Cuối cùng là ép buộc mua dưới mọi hình thứ.

Tôi đã từng vay ngân hàng, nhân viên vay ngân hàng nói với tôi mua bảo hiểm. Tôi hỏi có bắt buộc không, nhân viên ngân hàng nói không nhưng đề nghị tôi ủng hộ vì sếp giao chỉ tiêu mong tôi hợp tác. Cái này chỉ có vài triệu tôi nhất trí ngay. Tuy nhiên, tôi băn khoăn nếu tôi không muốn mua thì có làm mất lòng không?

Khách hàng cần tỉnh táo mong muốn của mình. Để phòng ngừa ngăn chặn cần chung tay ý thức các bên. Những thông tin đa chièu bình luận dưới mọi góc độ.

14/04/2023 12:06

Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư rất rủi ro

- Có cần chuyển hồ sơ “có vấn đề” liên quan đến người mua bảo hiểm sang cơ quan điều tra? Mức độ biến tướng đến đâu thì nênchuyển sang cơ quan điều tra?

TS. Cấn Văn Lực: Đây là câu hỏi hay. Tôi nghĩ trường hợp bần cùng lắm mới nên làm như vậy vì chuyển vấn đề sang cơ quan tra thì vấn đề trở nên “lớn quá mức cần thiết”. Tôi cho rằng, các bên có thể hòa giải với nhau. Ở nước ngoài, trung tâm hòa giải rất phổ biến và giải quyết nhiều việc và cả hai bên đều hài lòng.

Báo chí, luật sư tư vấn thêm để giải quyết chứ không nên đến cơ quan điều tra tốn thời gian.

TS. Cấn Văn Lực.

Tôi cần trao đổi lại về vấn đề liên quan đến ghi âm cuộc tư vấn bán bảo hiểm, trong quá trình tư vấn. Ghi âm chắc gì đã đảm bảo tốt hơn cho khách hàng và nhân viên tư vấn? Ghi âm đôi khi bị đóng kịch. Tư vấn không được thẳng thắn, chân thành. Nên hết sức cân nhắc điều này. Nếu ghi âm và phải lưu 10 năm, 20 năm và hợp đồng bảo hiểm dài lên tới 70 năm hay 99 năm thì vấn đề trở nên rất phức tạp, nên cân nhắc.

Tôi góp ý 2 chuyện: Tôi tham khảo và thấy thị trường chúng ta có nhiều tiềm năng. Quy mô bảo hiểm chúng ta mới chiếm 1,9% GDP trong khi ở Thái Lan chiếm 3,2%, thế giới chiếm 5,7%... Quy mô bảo hiểm chúng ta so với tiềm lực nền kinh tế còn ít. Tuy nhiên, cần xây dựng thị trường này an toàn.

Sản phẩm liên kết đầu tư đã được phát triển 20 năm qua nhưng chúng ta nên nhớ sản phẩm liên kết đầu tư rất rủi ro. Vì công ty bảo hiểm họ đầu tư vào chứng khoán, đầu tư bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu... toàn lĩnh vực rủi ro cao. Liệu nhà đầu tư có hiểu điều đó?

Tôi đồng ý nên để sản phẩm này cần được phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi có ba kiến nghị: Thứ nhất, phân nhóm, phân loại sản phẩm thông dụng hơn cho người dân đầu tư. Có sản phẩm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Thứ hai, truyền thông và giải thích phải rõ với khách hàng. Thông điệp này vô cùng quan trọng với các đại lý.

Cuối cùng, những câu chuyện vừa xảy ra với doanh nghiệp và người mua bảo hiểm qua cho thấy vai trò của đại lý và tư vấn viên rất quan trọng. Hy vọng Bộ Tài chính quan tâm hơn nữa để đại lý và tư vấn viên được nâng cao sự chuyên nghiệp về nghề nghiệp hơn nữa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với báo chí để người dân nâng cao hiểu biết về tài chính.

14/04/2023 12:18

Người mua bảo hiểm cần đọc kỹ hợp đồng

- Bancass (bán bảo hiểm qua ngân hàng) được nhìn nhận thế nào trong mắt cơ quan quản lý? Việc quản lý giám sát dựa trên các căn cứ pháp lý nào?

Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính: Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng nếu triển khai đúng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Đối với khách hàng có thể tham gia sản phẩm dịch vụ tài chính trọn gói với mức chi phí hiệu quả.

Bà Phạm Thu Phương.

Đối với DNBH sẽ giúp tận dụng được mạng lưới rộng khắp của hệ thống ngân hàng, tiết kiệm đáng kể chi phí tổ chức mạng lưới bán hàng, cơ sở vật chất, từ đó giảm được phí bảo hiểm cho khách hàng. Có nhiều phân đoạn thị trường khách hàng mà trước đó DNBH chưa tiếp cận được do cách trở về địa lý, mạng lưới phân phối bảo hiểm chưa vươn tới, khách hàng ở các khu vực thưa dân... thì qua kênh Bancass, DNBH đã có cơ hội tiếp cận, từ đó tư vấn cung cấp sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân. Đối với ngân hàng, có thể giúp tăng thêm sự trải nghiệm và duy trì khách hàng, góp phần tăng doanh thu của ngân hàng.

Ở nhiều quốc gia khác, Bancass đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm chính bên cạnh các kênh phân phối truyền thống khác. Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, Bancass đã phát triển nhanh chóng và đã tạo động lực phát triển mới cho doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm. Người mua bảo hiểm cần đọc kỹ hợp đồng.

14/04/2023 13:10

Hợp đồng bảo hiểm chỉ cần 10-20 trang

- Ông thấy một số ngân hàng tham gia bảo hiểm gần đây lại để xảy ra những vụ lùm xùm. Họ đã mắc phải sai lầm nào về mặt chính sách, luật pháp? Vì sao ở Việt Nam lại có hiện tượng biến tướng và kéo dài như vậy?

TS Cấn Văn Lực: Những bất cập của bảo hiểm liên kết với ngân hàng nổi lên trong mấy tháng vừa qua là bài toán cần phải tháo gỡ. Vấn đề bảo hiểm gần đây lại xảy ra với người nổi tiếng, trở lên tranh cãi nhiều hơn. Bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ chúng ta khi có hiểm nguy chứ không phải chỉ để đầu tư, kiếm lời. Khi nhiều người mua, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đủ lượng tiền bồi thường cho những người bị rủi ro. Đây là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm.

Số tiền chưa phải bồi thường cho khách hàng (gọi là nhàn rỗi), doanh nghiệp bảo hiểm mang đi đầu tư. Trong năm 2022, DNBH nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, rõ ràng đó là nguồn vốn rất lớn. Nên nói bảo hiểm đóng góp quan trọng đầu tư cho nền kinh tế cũng như bảo toàn cho người dân khi tham gia bảo hiểm là đúng.

TS. Cấn Văn Lực và một khách hàng mua bảo hiểm tại tọa đàm (Ảnh: Mạnh Thắng).

Kênh bảo hiểm liên kết ngân hàng trên thế giới đã có từ hơn một thế kỷ qua nhưng phát triển nhanh ở Việt Nam và châu Á. Kênh này chiếm khoảng 35% trong phân phối bảo hiểm của công ty bảo hiểm còn 65% phân phối qua các kênh khác. Ở Việt Nam tăng khá nhanh, cuối 2022, bảo hiểm liên kết chiếm 33%, đã gần tiếp cận với quốc tế bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Việc hợp tác này sẽ tận dụng mạng lưới của nhau, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kiến thức của nhân viên ngân hàng. Đây là xu thế tương lai và chúng ta cần coi là bình thường.

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng biến tướng như vừa qua. Về khách quan, thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng gặp khó trong khi bảo hiểm đem phí đi đầu tư. Cùng với đó, hợp đồng liên kết với khách hàng để đầu tư chiếm đến 85%. Như vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đi chệch hướng.

Thứ hai, pháp luật chưa nghiêm với cả bên bán và bên mua. Bên bán nhắc lại 1,2 lần nhưng khách hàng không đọc kĩ. Rồi khi không thực hiện thì bắt đầu kiện tụng nhau.

Vấn đề chủ quan là chất lượng tư vấn của nhân viên bảo hiểm chúng ta chưa tốt. Đâu đó cũng bị sức ép về doanh thu, chạy theo doanh số bán hàng. Kiến thức về bảo hiểm rất phức tạp. Chúng tôi là những người trong nghề nhưng kiến thức trong lĩnh vực này cũng không dễ dàng. Hợp đồng bảo hiểm chúng ta dài quá, lên tới 80-100 trang. Tôi nghĩ, hợp đồng bảo hiểm chỉ cần 10-20 trang để người dân mua đọc cũng hiểu.

Hiện nay, người mua bảo hiểm cũng có vấn đề. Vì người mua bảo hiểm không biết mục đích của chúng ta là gì? Chúng ta mua bảo hiểm vì mục đích gì? Vì phòng ngừa rủi ro, hay tích lũy cho con sau này hay đầu tư sinh lời.

Tính tuân thủ trong tham gia hợp đồng của người tham gia bảo hiểm chưa cao. Dù có khó hiểu thì khách hàng cũng nên đọc chương, mục quan trọng nhất là liên quan đến mức độ bồi thường, thời gian tham gia bảo hiểm…

14/04/2023 13:16

Xử lý nghiêm vi phạm qua thanh tra

- Chỉ đạo của Bộ trưởng, của Cục Quản lý bảo hiểm mang lại kết quả gì? Quan điểm “xử lý nghiêm vi phạm qua thanh tra” có được giữ nguyên? Có tiếp tục mở rộng thanh tra và xử lý sai phạm?

​Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính: Ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh từ báo chí và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

​Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các DNBH tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng; rà soát tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm đảm bảo thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thưc hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của ngân hàng; thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm...

Bà Phạm Thu Phương.

Về phía Bộ Tài chính cũng kịp thời nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn về bán bảo hiểm qua ngân hàng nhằm tăng cường hơn nữa tính minh bạch, trách nhiệm của DNDH và đại lý trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Đây cũng là thời điểm để thị trường bảo hiểm điều chỉnh sau một thời gian khá dài tăng trưởng nhanh chóng, phát triển chất lượng và bền vững hơn.

Việc xử lý nghiêm các vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo hiểm không phải là quan điểm mà là trách nhiệm cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm phải thực hiện nhằm đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của thị trường và bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Việc thanh tra, kiểm tra về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là chuyên đề ưu tiên được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện từ tháng 9/2022.

Trong năm 2023, Cục QLBH sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra các DNBH có bán bảo hiểm qua ngân hàng; phối hợp với Ngân hàng nhà nước để thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

14/04/2023 13:19

Giải pháp nào phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh?

- Theo ông, thị trường bảo hiểm muốn phát triển lành mạnh, cần giải pháp gì?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi đã chia sẻ khá rõ giải pháp cần làm, nhưng tôi xin nhấn mạnh ở các ý sau: Cần tiếp tục chuẩn hóa mẫu hợp đồng những sản phẩm liên kết vốn rất phức tạp phải có kiến thức chuyên ngành để hiểu về nó. Nên có bộ hợp đồng mẫu để các công ty bảo hiểm thực hiện. Bên cạnh đó, phải quy định rõ hơn nữa là trong hợp đồng phải có bản tóm tắt.

Một vấn đề nữa là hệ thống tín dụng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát lại cơ chế, chính sách, quy trình, chuẩn hóa hơn nữa đội ngũ tư vấn. với đội ngũ tư vấn cũng phải phân loại tiếp: Tư vấn thông thường cần có một đội ngũ riêng; với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư cũng cần phải hình thành đội tư vấn chuyên nghiệp mới được làm.

TS. Cấn Văn Lực.

Cuối cùng, tôi kiến nghị với người dân: Khi tham gia mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thì mọi thứ đã khá rõ ràng và chúng ta không nhất thiết phải đọc thuộc long, chỉ cần nắm những điều khoản cơ bản.

Với sản phẩm bảo hiểm liên kết, nếu không hiểu biết và không chắc chắn, không yên tâm thì không nhất thiết phải tham ra sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Ngoài ra, báo chí cần tuyên tuyền nhiều hơn nữa để người dân cũng thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về kiến thức về tài chính, bảo hiểm. Mong chúng ta cần tiếp tục truyền thông để hy vọng Chính phủ có chương trình giáo dục về tài chính ở chương trình giáo dục phổ thông.

Cảm ơn báo Tiền Phong nhận diện trúng vấn đề và để vào cuộc không riêng gì cơ quan quản lý hay công ty bảo hiểm mà các bên vào cuộc. Chúng ta phải tìm giải pháp để thị trường lành mạnh hơn trong thời gian tới.

14/04/2023 13:25

‘Siết’ quy định với DNBH và ngân hàng

- DNBH nên làm gì và ngân hàng nên làm gì để đưa Bancass hoạt động lành mạnh?

Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính:

Doanh nghiệp nên rà soát quy trình thẩm định, phát hành hợp đồng bảo hiểm để có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện; Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng đại lý tư vấn bảo hiểm để hạn chế tình trạng đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm thong qua các hình thức kiểm tra chéo chất lượng tư vấn của đại lý bảo hiểm, kịp thời giải đáp cho khách hàng các thông tin, thắc mắc về hợp đồng bảo hiểm trong thời gian cân nhắc bảo hiểm (21 ngày).

Đơn vị kinh doanh bảo hiểm rà soát, chú trọng hơn nữa đến chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng, không để tình trạng các hợp đồng bảo hiểm “mồ côi” (khi đại lý tư vấn/nhân viên ngân hàng khai thác hợp đồng đã nghỉ việc) như phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây; có các hinhf thức liên lạc thường xuyên với khách hàng để cung cấp thông tin về tình trạng hợp đồng bảo hiểm (đóng phí bảo hiểm, giá trị tài khoản (nếu có),…) và các thông tin thay đổi liên quan đến hoạt động của DNBH theo quy định pháp luật...

Bà Phạm Thu Phương.

Về phía ngân hàng, là tổ chức đại lý của doanh nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của doanh nghiệp tại hợp đồng đại lý, vì vậy cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng và xử lý các kiến nghị, khiếu nại của khách hàng kịp thời và thỏa đáng.

​Ngân hàng phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, không chỉ đạo/định hướng cho nhân viên ngân hàng làm đại lý ép buộc người gửi tiền/vay vốn mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; trường hợp nhân viên ngân hàng có vi phạm cần phải xử lý nghiêm. Cần ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn nhân viên thực hiện hoạt động đại lý, các biện pháp xử lý đối với các nhân viên thực hiện hoạt động đại lý trong trường hợp vi phạm.

14/04/2023 13:28

Một buổi tập huấn về kiến thức tài chính, bảo hiểm, công cụ quản lý

Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản (ngoài cùng bên trái) tặng hoa và cảm ơn các vị khách mời tham dự tọa đàm.

Ông Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong: Qua tọa đàm này, những kiến thức các đại biểu tham gia chia sẻ, Báo Tiền Phong đăng tải như một buổi tập huấn về kiến thức về tài chính, bảo hiểm và bộ công cụ quản lý của nhà nước.

Xin cảm ơn quý vị khách mời tham dự toạ đàm!