Theo tìm hiểu của PV, năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng (nay đã nghỉ hưu) ký quyết định phê duyệt dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê với công suất 30 tấn/ngày, kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu chế biến, xử lý rác thải cho thị xã An Khê và các huyện lân cận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tổng mức đầu tư cho nhà máy 117 tỉ đồng. AIC được chọn cung cấp gói trang thiết bị kỹ thuật, máy móc trị giá hơn 86 tỉ đồng. Sau một thời gian xây dựng, ngày 30/9/2013 nhà máy vận hành thử nhưng phát sinh lỗi, khiến toàn bộ máy móc không thể hoạt động. Qua kiểm tra, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai phát hiện công trình đã được nghiệm thu khống khối lượng gần 65 tỉ đồng.
Năm 2016, ông Võ Ngọc Thành đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, thay cho ông Phạm Thế Dũng. Tuy vậy, hệ quả bãi rác đến nay vẫn chưa được xử lý.
Hiện nay, theo ghi nhận của PV, một bãi rác chất cao như núi cách Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê chừng một cây số. Núi rác này ước tính cả nghìn tấn thuộc địa giới hành chính xã Song An, thị xã An Khê. Đây là hệ quả của sự đầu tư kém hiệu quả, gây lãng phí. Vừa dừng xe ruồi nhặng bám đầy mặt, mùi hôi thối bốc lên, gây ám ảnh bất cứ ai. Nước từ bãi rác chảy xuống các cánh đồng lúa và mía khiến mỗi khi người dân tới làm việc như một cực hình.
Không xử lý được rác thải nên đống rác hàng nghìn tấn cạnh Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê hiện tại đang mỗi ngày một phình to, gây ô nhiễm môi trường. Người dân phản ánh, có ai đó đã đốt đống rác “khủng” trên, khói của những bao bì nhựa cháy khét lẹt từ tháng này qua tháng khác làm ảnh hưởng đến mía, sức khoẻ của bà con khi đi qua bãi rác. “Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm xử lý bãi rác này. Ai cũng muốn nôn mửa bởi ruồi muỗi, mùi hôi thối bốc lên, bay xa hàng km. Nhà máy xử lý rác cả trăm tỉ nằm cách đó chỉ vài trăm mét vậy mà bãi rác mỗi ngày một phình to” – hộ dân N.V.L. bức xúc.
Ông T.V.C. (trú phường Ngô Mây, thị xã An Khê) cho biết thêm: “Người dân chúng tôi ý kiến nhiều lắm, giờ chán rồi vì không có tác dụng. Tôi nghĩ, giờ chỉ có cách làm một nhà máy rác khác thực sự hiệu quả mới có thể xử lý được núi rác kia. Nhà máy hiện tại sớm muộn cũng thành bãi rác thôi".
Cũng thời điểm năm 2011, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, nâng cao chất lượng đồng bộ và hệ thống trong các cơ sở giáo dục phổ thông, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.
Trên cơ sở đó, giai đoạn 2012-2015, Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành Giáo dục (nay đã giải tán ban này), thuộc Sở GD&ĐT Gia Lai đã triển khai 4 dự toán và 1 dự án thuộc đề án trên; đấu thầu 5 gói để mua sắm thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các trường phổ thông. Theo đó, AIC trúng các gói thầu này với tổng giá trị hợp đồng trên 133,8 tỷ đồng.
Cũng tại Gia Lai, tháng 12/2021, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai (chủ đầu tư) phê duyệt chọn nhà thầu cung ứng thiết bị cho dự án nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường. Liên danh Cty Cổ phần MOPHA, Cty Cổ phần Uy tín Toàn Cầu và Cty Cổ phần Tư vấn công nghệ và thiết bị Phan Lê là đơn vị trúng thầu. Tổng giá trị gói thầu gần 122 tỷ đồng. Trong đó, Cty Cổ phần MOPHA là công ty thành viên trực thuộc Công ty AIC.