Thứ nhất, Tổng thống có thể hủy bỏ, sửa đổi hoặc thay thế bất kỳ sắc lệnh nào. Các tổng thống Mỹ thường “xóa sổ” sắc lệnh của người tiền nhiệm, nhưng họ hiếm khi rút lại hoặc sửa đổi sắc lệnh của chính họ.
“Việc thừa nhận bạn đã phạm một sai lầm lớn như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng về mặt chính trị”, ông Alvin Tillery, phó giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Northwestern (Mỹ), nhận xét.
Nhiều chuyên gia cho rằng, rất ít khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sửa đổi hoặc hủy bỏ sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh của mình. Theo họ, việc Tổng thống Trump rút lại sắc lệnh của mình sẽ giống như thêm dầu vào ngọn lửa đang chỉ trích, biểu tình phản đối ông.
Thứ hai, Quốc hội có thể hủy bỏ, sửa đổi hoặc thay thế một sắc lệnh nếu tổng thống hành động theo thẩm quyền mà Quốc hội trao cho. Nhưng nếu Quốc hội thay đổi sắc lệnh mà tổng thống không đồng ý thì phải dùng đến quyền phủ quyết tổng thống. Chỉ khi đạt được 2/3 số phiếu trong cả Hạ viện và Nghị viện thì mới có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ sắc lệnh.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2006 cho thấy, Quốc hội Mỹ chỉ sửa đổi khoảng 4% các sắc lệnh. Mà khi thay đổi, Quốc hội thường củng cố các sắc lệnh đó, như quyết định việc cung cấp tài chính thực hiện sắc lệnh, ông William Howell, giáo sư chính trị Mỹ ở Đại học Chicago, cho biết.
Thứ ba, tòa án có thể tuyên bố sắc lệnh là trái luật hoặc vi hiến. Tòa án các cấp thường không đi ngược lại hành động của tổng thống. Giáo sư William Howell đã nghiên cứu tất cả trường hợp tòa án xử lý sắc lệnh trong giai đoạn 1945-1998. Theo đó, trong 83% trường hợp, tòa án ra phán quyết có nội dung ủng hộ tổng thống.
Nếu nhận thấy một sắc lệnh vượt quá quyền hạn của tổng thống, tòa án có thể ngăn việc thực hiện sắc lệnh đó. Nếu phán quyết của tòa trái với mong muốn của tổng thống, tổng thống có thể kháng cáo lên Tòa án Tối cao để tòa này ra quyết định cuối cùng.
Vì sao thẩm phán liên bang có thể ngăn sắc lệnh tổng thống?
Một thẩm phán liên bang có quyền ngăn cản, hạn chế, hoặc trì hoãn việc thực hiện một sắc lệnh nếu nó vi hiến hoặc vi phạm luật hiện hành. Quyền này là cần thiết để duy trì một một chính phủ được Hiến pháp dẫn đường, một nhà nước pháp quyền, một nhà nước do dân, của dân và vì dân, một xã hội dân sự có khả năng cải thiện và tiến bộ.
Để quyền lực không tập trung quá mức cho chính phủ, để đảm bảo tự do và bình đẳng, ở nhiều nước, người ta phân chia quyền lực của nhà nước cho nhiều cơ quan khác nhau, tạo ra sự giám sát, đối trọng quyền lực lẫn nhau.
Theo mô hình tam quyền phân lập, ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được phân chia cho 3 cơ quan độc lập nắm giữ. Ở Mỹ, tổng thống nắm quyền hành pháp và độc lập với cơ quan lập pháp (Quốc hội, gồm Hạ viện và Thượng viện), cũng như với cơ quan tư pháp (tòa án các cấp).
Tổng thống, phó tổng thống và các quan chức dân sự của Mỹ sẽ bị cách chức khi bị kết tội phản quốc, nhận hối lộ hoặc các tội nghiêm trọng khác.