Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới vào chiều 6/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn Quốc gia cho biết, vào hồi 13 giờ hôm nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Theo ông Khiêm, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 8/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
“Từ chiều nay đến ngày 8/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt, ở khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt.
Từ ngày 9-12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông”, ông Khiêm cho hay.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đến 13h chiều nay đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện/278.639 lao động, trong đó có 235 tàu/ 1.929 lao động hoạt động trong khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, hiện 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định còn một số phương tiện nằm trong ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Quảng Nam có 11 phương tiện/112 lao động, Quảng Ngãi có 13 tàu, Bình Định có 129 tàu. Đặc biệt, có một số thuyền đang thả neo dù trên biển, chờ áp thấp nhiệt đới đi qua.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương yêu cầu các tàu thuyền vào bờ trú đậu ngay lập tức. Khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão sẽ rất nguy hiểm, nhất là sau áp thấp này dự kiến sẽ xuất hiện một cơn bão nữa trên biển Đông”, ông Hưng nói.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương...
Dự báo từ nay đến hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Tháng 10 và 11/2021 cũng là cao điểm mùa mưa bão tại khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.