Áp Tết, vã mồ hôi vì rác cồng kềnh

TP - Giáp Tết, nhiều gia đình dọn dẹp nhà cửa nên lượng rác tăng đột biến; nhiều loại rác có kích thước, trọng lượng lớn. Công nhân môi trường đô thị dậy sớm, tăng ca chật vật dọn rác. 
Công nhân môi trường chật vật dọn rác ngày cuối năm. (Ảnh chụp tại phố Khương Trung và phố Chùa Láng, Hà Nội)

Tăng ca, làm nhanh vẫn không hết việc

Lúc 6 giờ ngày 8/2 (tức 27 tháng Chạp), trên phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), lao công Trần Anh Tuấn, công nhân HTX Thành Công, đang thoăn thoắt đưa chổi quét rác gọn từng đống, rồi xúc lên xe. “Bình thường, cứ 5 giờ 30 mới bắt đầu công việc nhưng kể từ ngày 20 tháng Chạp, 4 giờ 30 anh em công nhân đã bắt đầu làm việc. Cuối năm, nhiều gia đình dọn dẹp nhà cửa nên rác ùn ùn đổ ra đường, nhiều nhất vào các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp,  lượng rác tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường”, anh Tuấn nói và cho biết lượng rác, bình thường sau giờ đi làm, anh đã hoàn thành công việc, nhưng hôm nay dù làm sớm hơn cả giờ đồng hồ, tuyến phố anh đảm nhiệm mới xong một nửa.

7 giờ 30, trên phố Chùa Láng đã sạch sẽ rác. Chị Cung Thị Oanh, 45 tuổi đã có 16 năm làm công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), chi nhánh Đống Đa. Dáng người nhỏ thó, đẩy xe rác đầy ụ đi phăm phăm trên đường. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi, chị cho hay: “Tuyến phố Chùa Láng bình thường ban ngày rác thu gom ở mặt đường chỉ khoảng 2-3 xe chở là hết. Mấy hôm nay, rác tăng gấp đôi, từ sáng đến giờ đã 5-6 xe rác về bãi vẫn chưa xong. Cuối buổi chiều, gom trong các ngõ ngách phải 20-30 xe mới chở hết. Năm nay, dịch bệnh nên lượng rác từ một số nhà hàng, quán ăn (đóng cửa) có giảm chút ít, nhưng vẫn gấp đôi ngày thường”. Chị Oanh nói rằng, vẫn như mọi năm chị và các công nhân khác không nghỉ mà vẫn làm xuyên Tết.

Theo các công nhân môi trường, việc vất vả nhất trong những ngày cuối năm là xử lý các loại cây hoa, chăn chiếu, mùng màn, tủ kệ gỗ phế thải. Công việc sẽ kéo dài đến hết đêm 30 Tết. Công việc thu gom rác thải là đào, quất sẽ vất vả cho đến hết tháng Giêng. Ông Hoàng Văn, Trưởng phòng điều hành sản xuất URENCO, cho hay, theo thống kê đến ngày 7/2, lượng rác thời điểm sát Tết không tăng nhiều như mọi năm (trung bình tăng 1.000 tấn/ngày), nhưng rác vẫn có thể tăng đột biến trong một vài ngày (28, 29 tháng Chạp). Để đảm bảo công việc, toàn bộ công ty trực 100%. Công ty cũng đã xây dựng phương án cho công nhân tăng ca làm việc (mỗi công nhân làm 1,5 - 2 ca/ngày). Đối với lái xe, mỗi người phải chạy 4 chuyến một ngày (tổng cộng khoảng 400km). Ngoài ra, URENCO đã bố trí thêm 23 xe chở rác mới đảm bảo rác được đưa đi nhanh nhất.

Theo ông Văn, đây là giai đoạn công việc nặng nhất trong năm, bãi rác Nam Sơn (bãi rác lớn nhất Hà Nội, đặt ở huyện Sóc Sơn) có ngày tiếp nhận 7.000 tấn (ngày thường khoảng 4.800 tấn). Toàn bộ rác thải từ trong dân công ty đều thu gom (ngoại trừ rác thải y tế, rác thải công nghiệp có đơn vị khác thu gom) đều được đưa về bãi rác này. Cũng như mọi năm, công nhân sẽ không được nghỉ phép trong dịp này. Đến khoảng 6 giờ sáng mồng 1 Tết, cán bộ công ty đi kiểm tra, nơi nào sạch sẽ, công nhân mới được nghỉ.

 

Ấm lòng vì được nhận lì xì, chúc Tết

Tuy công việc vất vả dịp cuối năm, nhưng khuôn mặt chị Oanh và các đồng  nghiệp vẫn tỏ ra vui vẻ. Ngoài thu nhập thêm từ thu nhặt vỏ lon, giấy vụn... trong rác tăng đột biến vào dịp cuối năm, công nhân thỉnh thoảng vẫn được các hộ gia đình, công sở, doanh nghiệp mừng tuổi, cảm ơn. “Cơ quan, công sở, những gia đình thân thiết mừng tuổi 50.000 - 100.000 đồng. Đây là phần thu nhập thêm, giúp cuộc sống của chúng tôi đỡ khó khăn”, chị Oanh chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn URENCO, cho hay, năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty vẫn cố gắng thưởng công nhân bằng năm ngoái (bằng một tháng lương, 6-8 triệu đồng/người) và một phần quà. Thưởng đã được phát sớm cho công nhân từ sớm để mọi người chuẩn bị Tết. Ra Tết, công ty có thêm một khoản thưởng nữa.

Theo bà Hạnh, công nhân tăng ca những ngày Tết ngoài được hưởng 300% lương còn được hưởng thêm một khoản phụ cấp. Đặc biệt, những ngày sát Tết, hàng quán đóng cửa, công ty còn tổ chức nấu ăn để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, tạo không khí vui tươi, hăng say trong lao động.