Một bức ảnh do hãng Maxar Technologies chụp ngày 22/2 cho thấy dây chắn nổi ở ngay cửa bãi cạn, nơi tuần trước tàu hải cảnh Trung Quốc tuyên bố đã xua một tàu Philippines “xâm phạm trái phép”.
Khi đó, Manila điều một tàu thuộc Cục Ngư nghiệp và nguồn lợi thủy sản ra tuần tra và vận chuyển nhiên liệu cho các ngư dân của họ. Trung Quốc bác bỏ, nói rằng thông tin mà Philippines đưa ra không chính xác.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi Scarborough từ Philippines năm 2012. Phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 tuyên bố yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, nhưng Bắc Kinh không tuân thủ.
Đối đầu thường xuyên giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực này khiến Scarborough trở thành một trong những cấu trúc tranh chấp gay gắt nhất và là điểm nóng gây căng thẳng ngoại giao.
Ảnh vệ tinh củng cố báo cáo và video mà lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đưa ra, để khẳng định rằng 2 tàu hơi của Hải cảnh Trung Quốc thả dây chắn nổi ở lối vào bãi cạn hôm 22/2.
PCG nói rằng một tàu hải cảnh Trung Quốc bám theo tàu của họ, “thực hiện việc chặn đường” ở vị trí cách bãi cạn khoảng 2,4km, sau đó tiếp cận ở cự ly gần.
“Chúng tôi cho rằng dây chắn được thả xuống để chặn các tàu công vụ Philippines vì họ thả xuống mỗi khi giám sát sự hiện diện của chúng tôi ở khu vực bãi cạn”, ông Jay Tarriela, phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhắc lại quan điểm của nước này rằng bãi cạn mà họ gọi là Hoàng Nham là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”.
Một ảnh vệ tinh khác của Maxar thể hiện điều mà hãng này mô tả là “hành động tàu Trung Quốc chặn đầu tàu Philippines” tại Scarborough.
Từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos lên nắm quyền vào tháng 6/2022, Manila thường xuyên thách thức sự hiện diện của Trung Quốc ở Scarborough cũng như việc Bắc Kinh cản trở hoạt động tiếp tế cho lực lượng Philippines đồn trú ở một cấu trúc tranh chấp khác.
Trong bài báo đăng ngày 25/2, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng “Philippines lạm dụng và đơn phương phá hoại nền tảng thiện chí của Bắc Kinh đối với Manila” khi cho phép ngư dân Philippines hoạt động gần đó, “đi ngược chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.
“Nếu những hành động khiêu khích đó tiếp diễn, Trung Quốc có thể buộc phải triển khai biện pháp hiệu quả hơn để kiểm soát tình hình”, bài báo dẫn lời chuyên gia tuyên bố.