Phát biểu tại Úc hôm 27/7, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng “một trong những điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm với 2 tàu sân bay khổng lồ vừa chế tạo là sẽ đưa chúng đến thực hiện hoạt động tự do hàng hải trong khu vực này (biển Đông)”.
Ông Johnson không nói chính xác khi nào 2 tàu sân bay sẽ đến, nhưng cho biết thêm rằng hoạt động của chúng được thiết kế để “bảo vệ niềm tin của chúng tôi vào hệ thống quốc tế dựa trên pháp luật và tự do hàng hải trên những tuyến đường biển có tầm quan trọng lớn đối với thương mại thế giới”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói rằng, khu vực triển khai vẫn chưa được chốt, “nhưng chúng tôi sẽ không bị Trung Quốc hạn chế trong việc đi qua biển Đông”. Phát biểu tại một sự kiện ở Sydney tối 27/7, Ngoại trưởng Johnson thúc giục tất cả các bên trên biển Đông “tôn trọng tự do hàng hải và luật quốc tế” và cho biết Anh sẽ đưa tàu qua eo biển Malacca, nơi nối Ấn Độ Dương và biển Đông.
Lên tiếng hôm qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng, “một số nước bên ngoài đang quyết khuấy động rắc rối trên biển Đông”. Việc Anh đưa tàu tuần tra trên biển Đông chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận khi Bắc Kinh luôn cáo buộc Mỹ gây ra “sự khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng” với việc thực hiện những hoạt động tự do hàng hải tương tự, giới quan sát nhận định.
Trong tháng này, các tàu chiến của Mỹ, Canada, Úc và Nhật thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông nhưng bị tàu của hải quân Trung Quốc bám theo suốt 36 giờ, báo National Post của Canada đưa tin hôm 14/7.
Cả Anh và Mỹ đều không công nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông nên vẫn duy trì quan điểm rằng tàu bè phải được đi qua những cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng giống như đi qua các vùng biển quốc tế khác.
Theo các nhà phân tích, việc Anh đang rõ ràng thể hiện quan điểm của họ đối với tranh chấp trên biển Đông có thể khiến Trung Quốc nhớ lại “thế kỷ nhục nhã” khi Trung Quốc hứng chịu thất bại mất mặt trước Anh trong hai cuộc chiến tranh thuốc phiện. Nỗi nhục đó vẫn còn được nhắc đi nhắc lại trong các trường học ở Trung Quốc ngày nay.
Phát biểu tại Hong Kong nhân kỷ niệm 20 năm Hong Kong được Anh trả về Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng này nói rằng, Trung Quốc “liên tục bị đánh bại bởi những nước nhỏ hơn và ít dân hơn…, lịch sử của Trung Quốc vào thời gian đó đầy những nhục nhã và đau buồn với người dân”.
Hết “kỷ nguyên vàng”?
Dưới thời cựu Thủ tướng Anh David Cameron, London có quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh. Ông Cameron từng ca ngợi quan hệ hai nước đang bước vào một “kỷ nguyên vàng” mới. Nhưng sự hào nhoáng này đã phai nhạt sau khi Anh lựa chọn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU).
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Việc Anh rời khỏi liên minh này làm hỏng bất kỳ tính toán nào ở Trung Quốc rằng quan hệ London - Bắc Kinh bền chặt sẽ mở cánh cổng để Trung Quốc tiếp cận EU dễ dàng hơn.
Người kế nhiệm ông Cameron là bà Theresa May đang đưa nước Anh xích lại gần Mỹ hơn với chuyến thăm Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington và nỗ lực cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ để bù đắp thiệt hại thương mại với EU.
Trong phát biểu hôm 27/7, ông Johnson nhấn mạnh việc triển khai 2 tàu sân bay dài 280m với trọng tải 65.000 tấn, HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales (vẫn chưa được trang bị xong), không phải vì “chúng tôi có kẻ thù ở khu vực…mà vì chúng tôi tin vào việc duy trì nguyên tắc thượng tôn pháp luật”.
Tiêu tốn 8,1 tỷ USD, hai tàu sân bay này đang là chủ đề bị chỉ trích vì ngốn quá nhiều ngân sách quốc phòng của Anh. Hai tàu này được thiết kế để hỗ trợ máy bay chiến đấu F-35 mà đến năm 2020 Anh mới sở hữu.
Ông Johnson không cho biết thời điểm hai con tàu sẽ bắt đầu tuần tra trên biển Đông. Những thông tin trên được Ngoại trưởng Anh đưa ra sau khi Hải quân Hoàng gia Anh bám theo một đội tàu Trung Quốc đi qua eo biển Măng-sơ để đến tập trận với hạm đội Nga trên biển Baltic.