Ẩn ý của Hamas khi thả một số con tin Israel

TPO - Hamas vừa thông báo thả thêm hai con tin bị bắt trong cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng này vào Israel hôm 7/10. Có những ý kiến cho rằng Hamas đang xuống nước, và điều này báo hiệu nguy cơ Hamas thua cuộc khi Israel chuẩn bị cho chiến dịch tấn công trên bộ. Một chuyên gia Việt Nam từng có thời gian dài làm việc tại Trung Đông không đồng ý như vậy.

Bà Nurit Cooper (trái), 79 tuổi, và bà Yocheved Lifshitz (phải), 85 tuổi, vừa được Hamas trả tự do. (Ảnh: Reuters)

Sau khi có thông tin Hamas thả thêm hai con tin, PV Tiền Phong có cuộc phỏng vấn nhanh ông Phạm Phú Phúc, một chuyên gia bình luận quốc tế từng làm phóng viên chiến trường suốt 13 năm ở Trung Đông.

Có những ý kiến cho rằng việc thả bốn con tin trong nhóm bị bắt ngày 7/10 cho thấy Hamas đang xuống nước và có thể sắp thua cuộc. Ông suy nghĩ như thế nào về diễn biến này?

Ông Phạm Phú Phúc: Từng làm phóng viên chiến trường nhiều năm, có một số hiểu biết về các lực lượng kháng chiến Palestine, thế trận ở khu vực Trung Đông, cùng với những quan sát về các cuộc chiến tranh, tôi thấy chúng ta không nên hiểu theo hướng này.

Chúng ta hoàn toàn không nên xem đây là một thắng lợi hay thất bại của bên nào. Thực ra Hamas có ẩn ý sâu xa và tính toán kỹ lưỡng khi thực hiện bước đi này. Không phải ngẫu nhiên Hamas “cởi lòng” như vậy, vì việc bắt được một con tin đã rất khó khăn, lần này họ bắt được cả trăm con tin. Với Hamas, chỉ cần một con tin Do Thái cũng rất đáng chú ý, trong bối cảnh Israel đang giam giữ hơn 1.000 tù nhân chính trị và dân thường Palestine. Việc đánh đổi chắc chắn sẽ được sử dụng rất triệt để.

Tôi cho rằng việc Hamas thả thêm hai phụ nữ là để thể hiện thiện chí, không muốn bị coi là những người độc ác, hành động bất chấp giá trị. Cá nhân tôi không nghĩ đây là sự thụt lùi hay báo hiệu nguy cơ thua cuộc của Hamas.

Chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc (trái). (Ảnh: TTXVN)

Theo ông, tại sao Israel đến nay vẫn chưa triển khai chiến dịch đánh bộ như tuyên bố và Hamas chuẩn bị như thế nào để đối phó?

Israel tuy đã thành lập chính phủ chiến tranh, nhưng việc trả đũa không phải điều tự họ quyết định. Việc tấn công trên bộ vào Dải Gaza còn phải bàn cãi rất nhiều, cần chuẩn bị rất nhiều, chưa kể việc họ không thể tự quyết. Xin khẳng định rằng Mỹ không khuyến khích Israel tấn công trên bộ, càng không khuyến khích Israel tái chiếm Dải Gaza. Những ngày gần đây họ cứ hăm dọa vậy thôi, còn việc có xuất quân được hay không chúng ta còn phải chờ xem. Bản thân Israel cũng phải chờ người khác.

Bộ Y tế Palestine cho biết, số người chết ở Dải Gaza đã lên tới 5.000, sau 2 tuần Israel không kích dồn dập để đáp trả cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào miền nam Israel, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng.

Về phía Hamas, họ cũng không muốn Israel tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Việc thả bốn con tin là nhằm thể hiện thiện chí để ngăn chặn điều đó. Ngoài Hamas, kể cả Hezbollah và những lực lượng kháng chiến Palestine khác đã thề “chia lửa” với Hamas đều không muốn điều đó xảy ra. Nếu Israel tấn công trên bộ, sẽ có một cuộc tắm máu, một cuộc đại khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza mà dân thường Palestine phải hứng chịu. Cả Israel và Hamas cũng như các lực lượng ủng hộ Hamas đều không muốn điều đó xảy ra.

Nếu Israel thực hiện như tuyên bố, phương Tây vừa nói rằng họ sẽ nhìn Israel bằng con mắt rất xấu. Vì thế, tôi cho rằng tình hình sẽ còn giằng co.

Cảm ơn ông.

Ngày 23/10, phát ngôn viên cánh vũ trang của Hamas thông báo, bà Yocheved Lifshitz, 85 tuổi, và bà Nurit Cooper, 79 tuổi, sẽ được thả “vì lý do nhân đạo và tình trạng sức khỏe không tốt”. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã xác nhận thông tin này.

Người phát ngôn của Văn phòng thủ tướng Israel nhấn mạnh những nỗ lực dẫn đến việc trả tự do cho hai con tin.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu Hamas thả vô điều kiện tất cả con tin đang bị giữ ở Dải Gaza. Các tổ chức nhân quyền, tổ chức quốc tế và gia đình họ cũng kêu gọi thả ngay lập tức.

Hai con tin đầu tiên trong nhóm bị bắt ngày 7/10 được thả hôm 21/10. Hai mẹ con mang quốc tịch Mỹ Judith Raanan và Natalie được trả tự do sau nỗ lực hòa giải của Qatar.