Ăn gian cước xe bằng chip
Loại chip điện tử có khả năng thay đổi thông số ở côngtơmét ôtô đang được nhiều cá nhân, công ty cho thuê xe dịch vụ lẫn một số tài xế taxi sử dụng để ăn gian cước vận chuyển khách hàng.
Khi nghe tin chúng tôi cần gắn chip “bơm” cho chiếc Innova, ông Mạnh Tuân, ngụ đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhiệt tình trả lời qua điện thoại: “Mấy anh cứ cho địa điểm, hàng có ngay. Nếu ở Sài Gòn thì trong ngày là có, giá 300.000 đồng/con, chưa kể phí vận chuyển. Loại chip của tôi hiệu quả nhất, cung cấp hàng cho cả nước.
Tùy mục đích sử dụng, con chip sẽ “bơm” hoặc “lùi” chỉ số trên côngtơmét, mặc sức mà tăng, giảm cước”. Ông Tuân cho biết loại chip này đang được rất nhiều cá nhân, công ty cho thuê xe theo hợp đồng lẫn cánh tài xế taxi sử dụng để lừa khách hàng.
“Chỉ vài tháng nay đã có khoảng vài ngàn chip chỗ tôi bán ra và lắp đặt cho khách ở Hà Nội, TP.HCM, nhiều tỉnh khác...”.
Tốc độ 200km/giờ dù xe không chạy
Tại TP.HCM, đoạn đường An Dương Vương (Q.5) đang trở thành địa điểm mua bán, lắp chip “bơm” (tức tăng kilômet) khá nhộn nhịp mỗi ngày. Nhân viên cửa hàng phụ tùng Cường Ngân nói: “Hiện nay dân cho thuê xe đến lắp rất nhiều. Tui bao ráp và bảo hành với giá hữu nghị chỉ 299.000 đồng/con”.
Dũng, một tài xế chạy xe Toyota 12 chỗ, đang ngồi đợi cửa hàng khắc phục lỗi “bơm” kilômet, cho biết đang lái xe hợp đồng cho một công ty. Mỗi ngày bằng thủ thuật dùng chip “khống”, anh ta dư ra được 10 lít xăng, bán cho “mối” được 180.000 đồng.
Ngoài chip “bơm”, cửa hàng Quỳnh Minh ở khu này sẵn sàng cung ứng dịch vụ tua ngược đồng hồ, gọi là chip “lùi”. Chủ cửa hàng nói: “Đủ loại như vầy mới ăn gian nổi người ta chứ!”. Và loại chip “lùi” này cửa hàng không bán, chỉ lấy giá 600.000 đồng cho một lần khách mang xe đến tua lại đồng hồ. Còn nhân viên cửa hàng phụ tùng ôtô TMC gần đó lấy ra một chip gồm ba tụ điện nhỏ hàn sẵn dây nối, nói: “Chip này dành cho xe tải KIA, muốn côngtơmét bao nhiêu thì nó nhảy lên bấy nhiêu. Khách cứ mang xe đến đây, chỉ 10 phút là xong”.
Để tạo sự tin tưởng khi mua, một thợ gắn chip tên Hùng trên đường An Dương Vương dẫn khách vào cabin chiếc Innova bảy chỗ đậu gần đó. Chưa đầy 10 giây, ông Hùng gắn chip và bật chìa khóa, dù lúc này xe không cần nổ máy, đạp ga nhưng ngay lập tức kim đồng hồ côngtơmét hiển thị ở vận tốc 200km/giờ. Chưa đầy một phút, đồng hồ hiển thị số kilômet đi được đã tăng thêm 3km.
“Người xài chip “bơm” chủ yếu là cánh tài xế lái xe cho các công ty và công ty dịch vụ cho thuê xe, cánh tài xế taxi qua mặt khách để tính thêm cước. Việc xài chip tua lại thì chủ yếu là giới buôn bán xe muốn bán được xe giá cao” - anh ta giải thích.
Theo ông Phước - chủ cửa hàng linh kiện điện tử Phan ở khu chợ Nhật Tảo (Q.10), hầu hết các chip “bơm” hay “lùi” đều là hàng tự chế. Loại chip trên được sản xuất từ các linh kiện ngoại nhập, nhưng do thợ của các “lò” tự lập trình.
Kilômet “ảo”, lấy tiền thật
Ông Thủy, tài xế chạy chiếc KIA của một công ty dịch vụ cho thuê xe trên đường Trần Hưng Đạo, thừa nhận: “Khách đi không nhiều nên mỗi tháng chỉ “bơm” lên thêm khoảng 1.000km, “bơm” nhiều sợ khách để ý”. Số kilômet bơm khống, ông này quy ra tiền xăng và hưởng thêm hơn 2 triệu đồng/tháng.
“Chỉ lấy tiền của khách chứ không lấy của công ty. Kiếm thêm chứ lương chạy hợp đồng sao đủ sống” - ông này nói.
Một số công ty cho thuê xe dịch vụ cũng trang bị loại chip “bơm” cho cánh tài xế “bơm” khống số kilômet, cả tài xế và công ty đều hưởng lợi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Phúc Khanh ở gần cầu Trần Khánh Dư (Q.Phú Nhuận) có hơn mười chiếc xe cho thuê dịch vụ.
Theo đó, công ty này trang bị loại chip “bơm” cho cánh tài xế để qua mặt khách hàng. Khách hàng của công ty thường là người nước ngoài và các đoàn khách du lịch, doanh nghiệp thuê xe hợp đồng theo tháng. Tài xế mới vào làm được công ty hướng dẫn cách gắn chip và cách “bơm”. Rất đơn giản, một sợi dây có đầu giắc sẵn và tài xế giấu sao để khách không phát hiện. Chỉ cần gắn chip vào sợi dây có sẵn, mở chìa khóa lên là xong.
Theo thỏa thuận, công ty khoán xăng cho tài xế là 13 lít/100km, chạy dư xăng thì tài xế được hưởng. Nếu trong tháng tài xế “bơm” lên hơn kilômet trong hợp đồng với khách thì được hưởng thêm 1.000 đồng/km vượt (công ty tính với khách từ 5.000-6.000 đồng/km vượt). Đồng thời phải làm sao để vượt trên 400km thì tài xế mới được hưởng đủ số xăng mà công ty khoán. Nếu tháng nào tài xế chạy không có cây số vượt thì công ty sẽ trừ tài xế 300km trong tổng số chạy và “bơm” được.
Một tài xế của công ty này nói: “Nếu hợp đồng với khách là xe chạy 2.800km/tháng với giá 1.100 USD thì tài xế cần “chạy” vượt lên là 3.200km, công ty sẽ được tính thêm 2 triệu đồng tiền cây số vượt với khách hàng và chia cho tài xế 400.000 đồng, còn lại công ty hưởng (ngoài tiền lương - PV)”.
Chiều 27-10, trong lúc đậu xe chờ khách ở công viên 23-9, tài xế tên Sinh nằm trên ghế phụ chiếc Fortuner 7 chỗ của công ty trên nhanh chóng gắn chip “bơm”. Lúc này côngtơmét chạy với tốc độ 180km/giờ nhưng đồng hồ chỉ vòng tua máy không quay. Sinh tranh thủ mở cửa xe và thiu thiu ngủ đợi chip “làm việc”. Lát sau, anh ta nói: “Bữa giờ chạy gần một tháng mà không “bơm” nên giờ phải “bơm” thêm 700km cho đúng với cây số ghi trong lịch trình xe chạy”.
Còn ông Huy, chạy taxi “lụi” gần cổng sân bay Tân Sơn Nhất, thừa nhận cánh tài xế taxi “lụi” thường dùng chip để tăng kilômet mỗi chuyến vận chuyển khách. Bình quân cứ chạy 100km thì phải chỉnh chip để “khống” thêm ít nhất 40-50km.
“Nhưng cũng không cố định, tùy chuyến đi xa, gần và đối tượng khách mà mình chỉnh chip. Cánh tài xế taxi một số hãng lớn cũng dùng nhưng phải rất khéo, thường dùng chip có bộ điều khiển từ xa và phải gỡ ra kịp thời mỗi khi bị công ty kiểm tra” - ông Huy nói.
Theo Ngọc Khải – Quang Quý
Tuổi Trẻ