Ấn Độ - Trung Quốc: Thách thức ngày càng lớn

TP - Tuần trước, Hải quân Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản tổ chức tập trận chung trên Ấn Độ Dương. Hoạt động này được coi là một phần của liên minh “Bộ tứ” gồm cả Mỹ và Úc. 
Hải quân Ấn Độ và Nhật Bản vừa hoàn thành tập trận chung trên Ấn Độ DươngNguồn: Twitter

Ấn Độ nói rằng, họ có thể mời Úc tham gia chương trình tập trận Malabar cùng với Nhật Bản và Mỹ. Ông Lin Minwang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc ĐH Phúc Đán, Trung Quốc, cho rằng, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã phát triển thành bán liên minh. Những năm gần đây, New Delhi đã ký nhiều thỏa thuận với Washington, trong đó có những thỏa thuận mang hàm ý quân sự đáng kể.

Trong số đó có Biên bản ghi nhớ về trao đổi hậu cần nhằm cho phép hai bên sử dụng các căn cứ trên đất liền, trên biển và trên không của nhau để phục vụ việc sửa chữa và tiếp tế; Thỏa thuận về an ninh và tương thích thông tin liên lạc để mở đường cho việc bán các thiết bị quân sự nhạy cảm của Mỹ cho Ấn Độ; Thỏa thuận thông tin quân sự và an ninh chung nhằm cho phép hai bên chia sẻ thông tin mật. Hai bên đang thảo luận việc mở văn phòng liên lạc tại bộ chỉ huy quân sự của nhau.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có kế hoạch để triển khai “Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương” nhằm bảo đảm an ninh trên biển, tương tự tầm nhìn của Mỹ về khu vực này. “Mối bận tâm chiến lược của Ấn Độ là Trung Quốc”, ông Lin nói với báo Hong Kong South China Morning Post. Căng thẳng Ấn - Trung vẫn chưa hạ hỏa sau vụ ẩu đả nghiêm trọng ở vùng biên giới thuộc dãy Himalaya vào giữa tháng trước, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.

Hải quân Ấn Độ cũng đang tham gia vào nỗ lực ủa Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc trên biển Đông và Ấn Độ Dương, nhà phân tích hải quân Li Jie ở Bắc Kinh đánh giá. “Một mình Hải quân Ấn Độ không thể cạnh tranh với Hải quân Trung Quốc. Nhưng bằng cách liên minh với Nhật Bản hoặc Mỹ, họ sẽ có vị thế mạnh hơn nhiều. Ấn Độ muốn có vai trò áp đảo ở khu vực trong khi Mỹ đang hợp tác với họ để chống lại Trung Quốc”, South China Morning Post dẫn lời ông Li.

Ấn Độ Dương nằm ở trung tâm của mạng lưới vận chuyển dầu toàn cầu và cũng là tuyến thương mại quan trọng đối với Trung Quốc, kết nối châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc bao gồm một “con đường tơ lụa trên biển” đi qua biển Đông, eo biển Malacca trước khi qua Ấn Độ Dương. Hải quân Trung Quốc gia tăng hoạt động ở khu vực này trong những năm gần đây, bắt đầu bằng các chiến dịch chống cướp biển trên vịnh Aden năm 2008. Các tàu ngầm Trung Quốc được phát hiện ở khu vực này từ năm 2013. Đến năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đầu tư xây các cảng biển ở Gwadar của Pakistan, Hambantota của Sri Lanka và Kyaukpyu của Myanmar. Nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, lo ngại rằng những cảng đó có thể dùng vào mục đích quân sự. Ấn Độ coi sự hiện diện quân sự gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ dương, với việc xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng phục vụ cả quân sự và thương mại tạo thành “chuỗi ngọc trai”, là một mối đe dọa lớn.

Viễn cảnh ác mộng

Một bài viết gần đây đăng trên tạp chí quân sự Modern Ships, do Tập đoàn Đóng tàu nhà nước Trung Quốc xuất bản, cho rằng, sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là một phần của “xu hướng không thể dừng lại”, vì giá trị kinh tế của khu vực này đối với Trung Quốc còn cao hơn Thái Bình Dương. Nhưng vị trí địa lý của Ấn Độ có thể khiến nước này chặn các tuyến thương mại biển giữa Trung Quốc với châu Âu bằng các kế hoạch mở rộng sức mạnh trên biển và trên không, từ đó có thể cạnh tranh với Trung Quốc nhằm chiếm vị trí vượt trội ở Ấn Độ Dương.

Giới quan sát cho rằng, sẽ là ác mộng nếu Bắc Kinh để căng thẳng với New Delhi leo thang trong khi quan hệ với Washington tiếp tục xuống dốc. Pang Zhongying, một nhà phân tích về quan hệ quốc tế tại ĐH Hải dương Trung Quốc, cho rằng, trong 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã chuyển từ một nước lớn ở Nam Á thành một cường quốc châu Á. Trong khi Ấn Độ coi Trung Quốc là mối đe doạ chính, Bắc Kinh lại coi New Delhi là thách thức thứ nhì vì còn bận tập trung xử lý quan hệ với Mỹ. Nhưng khi Thủ tướng Modi theo đuổi chính sách ngoại giao quyết liệt hơn, cùng với việc Washington triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và vụ đụng độ mới xảy ra ở biên giới, Trung Quốc vội vàng tìm cách kiểm soát thiệt hại.

“Từ đó, Mỹ trở thành nhân tố quan trọng nhất trong tính toán của Trung Quốc với Ấn Độ. Đối với Trung Quốc, khả năng đối đầu quân sự với Mỹ trên biển và với Ấn Độ dọc biên giới phía nam và trên Ấn Độ Dương trở nên thực tế và nguy hiểm hơn, trong bối cảnh Ấn Độ và Mỹ gia tăng hợp tác quân sự”, Yun Sun, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định.