>> Nhiều bản ấn Đền Trần hóa ra 'ban phúc không mạnh'
Trong cuộc trao đổi sáng 12-3 tại Nam Định, ông Nguyễn Xuân Hoạt - Trưởng BQL di tích đền Trần và chùa tháp - TP Nam Định cho PV Tiền Phong biết, ấn đền Trần được bảo quản và trông giữ nghiêm ngặt.
Thủ từ và các cụ ở đền cho ấn vào một hộp gỗ to đặt tại hậu cung của đền Cố Trạch nơi đặt bài vị của Trần Hưng Đạo cùng gia đình và gia tướng của ông.
Ông Nguyễn Xuân Hoạt - trưởng BQL di tích đền Trần và chùa tháp TP Nam Định nói sẽ trả lời Tiền Phong trong 2-3 tuần tới - Ảnh: Trần Thanh
Theo trí nhớ của ông Hoạt, khoảng năm 2004, ấn đền Trần bị rơi rồi thất lạc trong một thời gian ngắn, sau đó lại được tìm thấy cách vị trí đặt hộp gỗ không xa.
Sau khi đọc bài trên Tiền Phong Cuối tuần số 10, đề cập tình trạng nhiều bản ấn đền Trần hóa ra ban phúc không mạnh, ông Hoạt giở ví ra xem lại bản ấn mà ông được phát.
Dù không đồng ý cho PV chụp ảnh nhưng, theo quan sát bằng mắt thường, chúng tôi nhận thấy bản ấn của ông Hoạt rất rõ ràng, và phía dưới bốn chữ Trần miếu tự điển cũng không phải là chữ tích phúc vô cương, vì chữ cương vẫn bị thiếu bộ thổ.
“Năm nào tôi cũng được phát tại đền, do đó không thể là ấn giả được” - lời ông Hoạt.
Khi chúng tôi đặt vấn đề xem ấn, Trưởng BQL di tích đền Trần nói, muốn đưa ấn ra khỏi hộp phải được sự đồng ý của thủ từ và các cụ trông coi đền, sau đó phải thực hiện rất nhiều nghi thức, nghi lễ phức tạp dưới sự chứng kiến của chính quyền, đại diện nhân dân. Do đó, không thể muốn là được mục sở thị ấn đền Trần ngay lập tức.
Liên lạc với ông Nguyễn Xuân Năm - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nam Định, người được ông Nguyễn Xuân Hoạt ca ngợi là nghiên cứu rất kỹ về ấn đền Trần, nhưng ông Năm hai lần từ chối cung cấp thông tin cho PV.
Ấn thời Trần ở nơi khác
Còn nếu có chuyện này, thì đó là thông tin rất nhạy cảm với Nam Định.
Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Khảo cổ học VN, cho biết vừa qua ông có dự hội thảo về ấn Trần triều quốc bảo và tận mắt chứng kiến nó. Nhưng với ấn Trần miếu tự điển thì ông chưa thấy.
Theo TS Tín, ấn Trần triều quốc bảo có niên đại khoảng 200 năm, cổ hơn ấn Trần miếu tự điển. “Cả hai chiếc ấn đó đều không phải sản phẩm của thời Trần, mà do đời sau làm lại” - ông Tín nói - “Còn ấn của thời Trần ở nơi khác”.
Ông Nguyễn Xuân Hoạt cung cấp thông tin, những bản ấn ngoài luồng (do dân tự làm) mấy năm gần đây giảm nhiều. Người ta có thể chỉ in lại bản ấn từ vải sang giấy rồi bán, chứ không tự làm ra triện giả để đóng vào vải, giấy.
Ông Nguyễn Xuân Hoạt - trưởng BQL, hứa hẹn với PV Tiền Phong sẽ tổ chức một cuộc gặp với nhiều chuyên gia từng và đang nghiên cứu ấn đền Trần cùng PV Tiền Phong trong hai - ba tuần tới để có kết luận cuối cùng.