Doanh nhân bàn cách bảo vệ động vật hoang dã:

Ăn, biếu động vật hoang dã mới sang (?)

TP - Được xác định là đối tượng đi đầu trong tiêu thụ động thực vật hoang dã nhiều nhất tại Hà Nội, doanh nhân trở thành mục tiêu được quan tâm đặc biệt trong chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi thái độ và hành vi liên quan đến việc tiêu thụ động vật hoang dã.
Tay gấu - một món khoái khẩu của các đại gia

Tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cuối tuần qua, gần 100 giám đốc điều hành, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, công ty đa quốc gia cùng các nhà quản lý thuộc một số cơ quan của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương đã cùng hội tụ để bàn thảo chiến lược bảo vệ động vật hoang dã và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Sẵn sàng hỗ trợ

Cty Kinh doanh và Chăn nuôi cá sấu Tồn Phát được xem là hình mẫu của doanh nghiệp vì môi trường. Ông Trần Văn Nga, Giám đốc Cty, từng kết hợp nuôi cá sấu và nhiều loài động vật hoang dã khác như hổ, gấu, đại bàng, chồn mực, trăn vàng, khỉ…

Tuy nhiên, nhận thấy không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để nuôi sinh sản các loài này nên ông Nga đã tự nguyện giao lại cho Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh đưa về trạm cứu hộ ở Củ Chi để nuôi dưỡng lại, chuẩn bị thả về rừng.

Đặc biệt, ông đã rất thành công trong việc hợp tác với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương để trả về Vườn quốc gia Cát Tiên 40 con cá sấu xiêm đã kiểm tra AND thuần chủng.

Năm vừa qua, bảo vệ vườn quốc gia này đã tìm thấy nhiều cá sấu con mới nở trong khu vực Bầu Sấu, chứng tỏ chương trình bảo tồn tái thả lại động vật hoang dã động vật nuôi sinh sản đã thành công.

Từng trải qua việc nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại, ông Nga cho biết, ông hiểu rõ nuôi sinh sản các loài này là rất khó, đặc biệt, với gấu là bất khả thi, trong khi người nuôi thường có quá ít kinh nghiệm và kiến thức.

“Nhiều doanh nghiệp lập ra với giấy phép kinh doanh là nuôi động vật hoang dã, nhưng điều kiện cơ sở kinh doanh nghèo nàn, chủ yếu để che mắt pháp luật, rồi vào rừng mua bán bất hợp pháp…” – Ông Nga cho biết.

Cùng là kiểu mẫu của doanh nghiệp vì môi trường, bà Nguyễn Phương Liên, Phó Giám đốc Cty Gỗ Trường Thành từng đi nhiều nơi để thuyết trình về mô hình kiểm soát gỗ, đảm bảo các sản phẩm từ gỗ đều chứng minh được làm từ gỗ gì, mua từ cánh rừng nào, chủ rừng là ai.

Bên lề hội thảo, người phụ nữ gốc Bắc luôn nhỏ nhẹ này cho biết, làm về gỗ, về rừng nên bà càng hiểu sâu sắc hơn việc phải bảo vệ rừng như thế nào. Trong gia đình, các con từ nhỏ đã có ý thức bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường.

Khó ở văn hóa quà biếu, ẩm thực

Tuy nhiên, hai kiểu mẫu doanh nghiệp vì cộng đồng, vì môi trường trong 100 doanh nghiệp có mặt tại buổi hội thảo là con số quá nhỏ. Theo một số đại diện doanh nghiệp, còn nhiều khó khăn để doanh nghiệp có thể làm tốt việc bảo vệ động vật hoang dã.

“Có thể doanh nghiệp không ăn, không mời khách, nhưng khách lại có nhu cầu muốn được đưa đi ăn đặc sản của địa phương” - Đại diện một doanh nghiệp băn khoăn.

Văn hóa quà biếu, văn hóa ẩm thực cũng là một vấn đề được nhiều doanh nghiệp đưa ra thảo luận.

Phải biếu mật gấu, chim bìm bịp ngâm rượu, tay gấu, sừng tê tê, thế mới sang. Đưa đối tác đi ăn cũng phải có những món như vậy mới đẳng cấp. Thứ văn hóa này đang đè nặng lên nhiều doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phàn nàn hình thức tuyên truyền vẫn hạn chế. “Có phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội được tham gia những khóa tập huấn thế này đâu?” - Anh Phạm Thế Hùng, Giám đốc kinh doanh Cty du lịch mạo hiểm Intrepid, nói.

Là một doanh nghiệp nước ngoài, tiếp xúc với khách ngoại quốc vốn có ý thức cao về bảo vệ môi trường, anh Hùng cho biết các tour du lịch của công ty anh không có chương trình cho khách đi thưởng thức động vật hoang dã. Nhưng qua những chuyến đi, anh Hùng được chứng kiến không ít nghịch lý.

Chẳng hạn, anh tận mắt thấy tại khu bảo tồn Củ Chi nhiều rắn, rùa, rái cá, đại bàng, gấu, bắt được từ các vụ buôn bán trái phép. Nhưng qua mấy năm, các con vật này vẫn ở đó vì không biết thả đi đâu. Chỉ còn mỗi Vườn Quốc gia Cát Tiên để thả thì cũng đã hết chỗ!

Hay như lần đi Mai Châu, nhìn thấy đàn khỉ hoang dã bị nuôi trái phép, các thành viên trong đoàn mò mãi mới ra số điện thoại nóng của WWF để thông báo. Nhưng lần sau đi qua chỗ này, vẫn thấy nguyên bầy khỉ ấy.

“Người ta chỉ gọi một lần, nếu không giải quyết được gì thì không ai muốn gọi lần sau nữa” - Anh Hùng cho biết.

Các doanh nghiệp kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành các chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong bảo tồn động thực vật hoang dã và cam kết sẽ góp phần tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia chiến dịch này.

Hội thảo là kết quả của sự hợp tác đầu tiên giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, và mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã quốc tế TRAFFIC.

Ông Thomas Osborn, điều phối viên của TRAFFIC Chương trình Tiểu vùng sông Mekong nhấn mạnh đây là một sáng kiến quan trọng để bảo tồn nguồn tài nguyên hoang dã quý giá của khu vực.

Trong cuộc khảo sát của TRAFFIC, doanh nhân và quan chức nhà nước là hai nhóm tiêu thụ sản phẩm từ động thực vật hoang dã nhiều nhất tại Hà Nội, (43%), tiếp theo là cán bộ công chức Nhà nước (34%).

Tương tự, những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã nhiều hơn những cán bộ hay nhân viên thừa hành.