Al-Qaeda ẩn mình chờ thời 5 năm sau khi bin Laden bị tiêu diệt

Tổ chức khủng bố al-Qaeda được dự đoán sẽ trở thành một mối đe dọa nguy hiểm hơn cả Nhà nước Hồi giáo nhờ hệ tư tưởng cũng như phương pháp tiếp cận linh hoạt.
Trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh: NBC News

Ngày 2/5/2011, đặc nhiệm Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL), hải quân Mỹ, bí mật đổ bộ xuống tòa nhà nơi bin Laden trú ẩn ở Pakistan sau đó mở cuộc đột kích chớp nhoáng, tiêu diệt tên trùm khét tiếng, thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda, kẻ lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ, cướp đi sinh mạng hàng nghìn người vô tội.

Nhà Trắng coi đây là bằng chứng cho thấy dù Tổng thống Barack Obama luôn tỏ ra thận trọng với những lần điều quân tham chiến ở nước ngoài, ông không hề do dự trong việc hành động một cách quyết liệt để bảo vệ lợi ích của dân chúng Mỹ và theo đuổi hành động vũ lực chống lại những kẻ khủng bố.

Thế nhưng 5 năm sau sự kiện mang tính bước ngoặt ấy, chân rết của một tổ chức cực đoan máu lạnh khác - phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) lại đang tiếp tục lan rộng, bám rễ sâu, gieo rắc nỗi kinh hoàng tại bất kỳ đâu chúng đi qua. Trong khi đó, giới quan chức và phân tích tình báo nhận định, hàng loạt chi nhánh trực thuộc al-Qaeda dường như vẫn ẩn mình và chỉ chờ thời điểm thích hợp để trỗi dậy với một động lực mạnh mẽ. Tất cả những thế lực này được dự báo sẽ trở thành nguồn cơn chính gây bất ổn, là hiểm họa đối với sự ổn định lâu dài cũng như an ninh toàn cầu, theo CNN.

Gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố

Bình luận viên Nicole Gaouette từ CNN đánh giá, tuy chính quyền Obama có thể cắt đứt đầu rắn nhưng hành động đó không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc giải quyết những vấn đề gốc rễ còn tồn tại ở các quốc gia mà khủng bố đang phát triển và lây lan vô cùng nhanh chóng, điển hình như tình trạng bạo loạn, nội chiến, nạn tham nhũng hay chủ nghĩa bè phái. Nói một cách ngắn ngọn, chúng ta vẫn phải sống chung với khủng bố trong nhiều thập kỷ nữa, bà Gaouette nhấn mạnh.

Xét đến những gì đang diễn ra, "5 năm sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt, chẳng có gì là sai trái khi cảm thấy bi quan về triển vọng của thế giới", Matthew Henman, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố và Nổi dậy thuộc tổ chức tư vấn về an ninh và tình báo IHS Janes nhận định.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper hồi tháng hai khẳng định, các tổ chức cực đoan bạo lực Hồi giáo dòng Sunni, thành viên các nhóm khủng bố hay những nơi ẩn náu an toàn của chúng đang xuất hiện "nhiều chưa từng thấy trong lịch sử".

Clapper ước tính, phiến quân IS đang phát triển mạnh hơn cả al-Qaeda trên phạm vi toàn cầu và vẫn nung nấu âm mưu tấn công vào đất Mỹ. Bên cạnh đó, số lượng chiến binh nước ngoài tìm đến các vùng xung đột ở Iraq và Syria để đầu quân cho IS trong những năm qua còn gia tăng ở mức độ báo động, chưa từng có tiền lệ.

Ngoài ra, theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, việc IS bành trướng sang Libya cũng là một yếu tố rất đáng lo ngại, chưa kể đến những chi nhánh khác của tổ chức này đang nhen nhóm hình thành ở Indonesia, Nigeria, Somalia, Yemen, Afghanistan hay Pakistan.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, trong tương lai, al-Qaeda mới chính là vấn đề thực sự đáng lo ngại.

Theo Clapper, cho dù nhiều lãnh đạo chủ chốt của al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan đã bị tiêu diệt nhưng các chân rết của nhóm vẫn kiên trì hoạt động một cách âm thầm, không sôi nổi, để chờ ngày hồi sinh. Đáng chú ý hơn cả trong số này là al-Qaeda trên Bán đảo Arab, Mặt trận al-Nusra ở Syria, Islamic Maghreb ở Bắc Phi hay al-Shabab ở Somalia.

Các tay súng thuộc Mặt trận al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda ở Syria. Ảnh: Reuters

Đẩy mạnh liên kết

Dù al-Qaeda không thể trở thành một nhóm khủng bố cực đoan Hồi giáo bá quyền toàn cầu như bin Laden hình dung nhưng với số lượng chi nhánh lớn cùng hệ tư tưởng linh hoạt, tổ chức này vẫn hoàn toàn có thể trỗi dậy mạnh mẽ, tạo ra những mối đe dọa mới, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả IS, bà Gaouette bình luận.

Theo Scott Stewart, chuyên gia đánh giá chiến thuật tại công ty phân tích tình báo Stratfor, IS nhiều khả năng không thể tiếp tục duy trì quyền lực cũng như sức ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng cứng nhắc. Thay vào đó, al-Qaeda mới là nhóm có cách tiếp cận toàn diện hơn và "thực sự hoạt động hiệu quả trong suốt một thập kỷ qua".

Al-Qaeda đã theo đuổi chiến thuật trà trộn vào cộng đồng dân chúng địa phương để lôi kéo ủng hộ kể từ sau khi Mỹ phát động phong trào "Thức tỉnh" và thành công trong việc thuyết phục các bộ lạc người Sunni chống lại nhóm. Bài học mà chúng rút ra là càng thu hẹp khoảng cách với cộng đồng dân cư bao nhiêu thì khả năng bám rễ và mở rộng ảnh hưởng càng lớn bấy nhiêu. Điều này đồng nghĩa với việc chúng sẽ càng trở nên khó bị tiêu diệt.

Mặt khác, không giống như IS, với sự linh động trong cơ cấu tổ chức cũng như hoạt động, al-Qaeda còn sẵn sàng kết liên minh với các tổ chức khác, kể cả khi những nhóm này không có cùng quan điếm với chúng.

Al-Qaeda "sẵn lòng hợp tác với bất cứ ai để cùng chống lại kẻ thù chung. Đây là thứ mà IS không thể sánh kịp", ông Stewart nói. "Điều đó mang lại cho al-Qaeda nhiều lợi thế lớn".

Theo Theo Vnexpress