Từng có Tổng cục quản lý vốn Nhà nước
Sáng 27/4, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam”.
Phát biểu đề dẫn, GS - TS Nguyễn Công Nghiệp, Chủ nhiệm Khoa Tài chính (ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài chính cho biết: Năm 1995 chúng ta đã từng thành lập Tổng cục Quản lý vốn Nhà nước tại DN. Tổng cục này sau đó tồn tại được 4 năm đến 1999 thì giải thể. Khi giải thể thì lại đưa về thành lập Cục Tài chính DN để quản lý, còn lại đưa các DN được quản lý về nhà cũ, sau đó đến 2003-2005 lại thành lập mô hình DN để quản lý vốn Nhà nước đó chính là Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện nay.
“Hiện nay đang tồn tại 2 mô hình quản lý vốn các DN và mô hình DN độc lập quản lý vốn trực thuộc một số bộn ngành. Việc tồn tại 2 mô hình, cho thấy đây là vấn đề lớn, cần mổ xẻ để tìm ra mô hình phù hợp. Lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN nào cũng cần phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam và phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý...”, GS-TS Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh.
Ông Phạm Đức Chung, Trưởng ban quan nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ) nhìn nhận: Vốn Nhà nước luôn tồn tại, có vai trò lớn; hiện chúng ta đang tiến hành sắp xếp tái cấu trúc DNNN; nhiều ngành lĩnh vực vốn Nhà nước phải rút đi; “Khi chúng tôi rà soát thấy quy mô còn rất lớn, vậy quản lý thế nào, ai quản lý ?”, ông Trung đặt vấn đề. Nếu lựa chọn cơ quan Nhà nước, theo ông Trung chắc chắn phải là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Còn mô hình DN thì hoặc lựa chọn công ty cổ phần hoặc công ty TNHH 1 thành viên ( tượng tự như SCIC hiện nay). Ông Trung cho rằng tìm mô hình nào cần rất thận trọng. Bởi nếu là mô hình DN có thể chạy theo lợi nhuận, bỏ qua việc quan tâm đầu tư phát triển.
Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó tổng giám đốc SCIC, những năm qua, với việc giao quản lý phần vốn Nhà nước, SCIC đã cố gắng làm tốt khả năng bảo toàn và phát triển đồng vốn. Ngoài lo thoái vốn Nhà nước tại nhiều DNNN không cần nắm giữ, ông Hiển khẳng định SCIC cũng đã rất chú trọng mảng đầu tư đặc biệt là đầu tư hiện hữu. “Chúng tôi là nhà đầu tư tài chính nên đa phần là những khoản đầu tư hiện hữu như cổ phiếu, cổ phần góp vốn trong DNNN chứ không thiên về khai trượng, khánh thành, động thổ.
Cho đến nay SCIC đã đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng tương đương hơn 1 tỷ USD. Những khoản đầu tư hiện hữu của SCIC có thể nhìn thấy đã sinh lời rất cao đó là đầu tư tăng vốn tại các DNNN lớn như Vinnamilk, FPT Telecom; Vinaconex…
Lập Uỷ ban hay nâng cấp DN?
Ông Nguyễn Quyết Tiến, Phó Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng chia sẻ: 30 năm qua, nhiều lúc chúng ta đã đưa về mô hình quản lý tập trung nhưng sau đó lại thấy không phù hợp nên lại đưa ra phân tán, đưa về mô hình tập đoàn, tổng công ty .
“Quản lý Nhà nước đòi hỏi theo đúng luật, minh bạch công khai; còn quản lý theo chủ sở hữu dễ dàng hơn. Hiện vốn Nhà nước còn hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu quản lý không tốt cũng sẽ rất có vấn đề; nhưng nếu khai thông, quản lý tốt . Có những tập đoàn lớn như điện, than chúng ta còn đến 98%.”, ông Tiến nói.
“Qua nghiên cứu kinh nghiệm của gần 40 quốc gia trên thế giới về mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, mô hình tập trung trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xu thế chung đang được đa phần các nước trên thế giới áp dụng. Trong các mô hình tập trung thì mô hình công ty là có nhiều ưu thế và đang được nhiều nước áp dụng thành công, một số nước cũng đang từng bước chuyển đổi sang mô hình này (như Trung Quốc)”, vị đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng cho biết, ông băn khoăn việc lập ủy ban chuyên trách quản lý vốn DNNN vì dù sao đó cũng là cơ quan hành chính nên quản lý vốn và tài sản nhà nước là khó. “Trong các phương án, tôi cho rằng, cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là hình thức tổ chức tập đoàn tài chính, gắn với mô hình SCIC được nâng cấp. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý”, ông Lộc nói
Là người lãnh đạo cơ quan quản lý DNNN, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng Cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, phương án thành lập Ủy ban mới cần phải được tham khảo kỹ ý kiến doanh nghiệp. “Cái mà doanh nghiệp muốn là sự thay đổi bên trong, thay đổi về chất”.
Theo đó, ông Phạm Đình Soạn đề xuất, phương án nâng cấp SCIC theo mô hình doanh nghiệp sẽ là khả thi nhất, vì mô hình này không tạo ra sự xáo trộn nào với lộ trình từng bước triển khai.
Hai mô hình được đề xuất là: cơ quan chuyên trách là cơ quản lý nhà nước, theo đó sẽ thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN với tên gọi là Ủy ban quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN. Hai là: Mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp, theo đó sẽ thành lập một doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đề án đang trong quá trình hoàn thiện, cân nhắc lựa chọn một số mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định.