Ai cứu trẻ rối loạn?

TP - Trong các trường học, trẻ mắc các chứng rối loạn phát triển (tự kỷ, tăng động giảm chú ý,...), hay còn gọi là trẻ đặc biệt luôn là mục tiêu dễ dàng nhất cho các vụ bạo lực học đường. Thực trạng này cũng gián tiếp nói lên nhiều hạn chế của công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ đặc biệt hiện nay.

Cắn răng chịu bạo lực và xâm hại

Là Cố vấn chuyên môn của hệ thống Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới (Trung tâm chuyên giáo dục trẻ đặc biệt tại Hà Nội), Thạc sĩ (Th.S) Nguyễn Thị Hà thường xuyên tiếp xúc với những phụ huynh có con là trẻ đặc biệt. Một trong những ca nghiêm trọng nhất chị từng tiếp xúc là em T, mắc chứng tự kỷ, sống ở phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), từng học tại một trường cấp 2 ở phường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm).

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà trong một buổi tư vấn cho trẻ em tại Trung tâm giáo dục Ngày Mới

“Một ngày, cha mẹ T bắt đầu thấy con có những dấu hiệu bất thường: Không làm bài tập, bỏ bữa, nhiều lúc cáu bẳn vô cớ; có hôm nhất quyết không đến trường. Hỏi thì T, không nói nửa lời. Phải nửa năm sau, hai anh chị mới phát hiện con thường xuyên bị bạn cùng lớp kéo vào nhà vệ sinh và đánh hội đồng qua một vết bầm rất nhỏ ở sườn. Đặc biệt, những học sinh đó mới học lớp 6 nhưng đã biết che đậy dấu vết bằng cách chỉ đánh vào vùng bụng của T và dọa rằng nếu T, về mách bố mẹ thì hôm sau sẽ ăn đòn gấp hai, gấp ba lần” Th.S Hà kể.

Một trẻ tự kỷ đang được giáo viên của Trung tâm nghiên cứu Quyền trẻ em hướng dẫn học

Không chỉ bị bạo lực, trẻ đặc biệt còn bị xâm hại tình dục nơi trong trường học. Th.S Phan Lan Hương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quyền trẻ em (RCCR) cho biết, trong những trẻ đặc biệt đang theo học tại trung tâm, nhiều em từng bị bạn bè tụt quần giữa lớp, bị lôi vào nhà vệ sinh tụt quần rồi đụng chạm vào bộ phận sinh dục, bị ép xem phim và đọc truyện người lớn… Và tất cả đều chọn cách im lặng. Cha mẹ các em chỉ biết khi sự việc đã trở nên quá nghiêm trọng.

“3 năm trước, chúng tôi tiếp nhận một trường hợp bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề do bị các bạn cùng lớp ép xem phim 18+ quá nhiều. Khi mới đến trung tâm, em thường xuyên nói những từ ngữ liên quan đến hoạt động quan hệ tình dục. Thậm chí, em còn động chạm vào những bộ phận nhạy cảm của cả học sinh lẫn giáo viên tại trung tâm. Đến nay, tuy em không còn làm những việc mang tính xâm hại nữa, nhưng vẫn thường nói về chuyện quan hệ tình dục. Chỉ một trò đùa lặp đi lặp lại thôi đã đủ để làm lệch lạc nhận thức của một đứa trẻ”, Th.S Hương kể.

Cứ khác biệt là bị kỳ thị, bắt nạt?

Tâm sự của một phụ huynh có con là trẻ tự kỷ về việc con mình bị các bạn cùng lớp kỳ thị

Theo Th.S tâm lý Nguyễn Văn Trung, chuyên gia của hệ thống Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày mới, trẻ đặc biệt thường có kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội rất kém nên không biết cách tự bảo vệ và lên tiếng. Khi bị trêu chọc, bắt nạt, các em thường chỉ biết im lặng hoặc phản ứng dữ dội bằng cách la hét, đập bàn… Mà cả hai cách trên đều dẫn tới việc bị kỳ thị, bắt nạt nhiều hơn.

Th.S Hà cho biết, một số phụ huynh của trẻ đặc biệt dù biết con bị bạo lực học đường nhưng không đứng lên đấu tranh giành quyền lợi cho con. Bởi việc có một chỗ học hoà nhập với trẻ đặc biệt hiện nay không hề dễ dàng; nhiều trường không muốn nhận học sinh đặc biệt. Vậy nên, họ mặc nhiên mang tâm lý “cửa dưới” khi con được nhận vào học. Và nếu có sự việc đáng tiếc xảy ra, họ thường chỉ phản ứng yếu ớt bằng cách lặng lẽ cho con chuyển trường hoặc nghỉ học.

Đó là chưa kể sự kỳ thị từ chính những người lớn. “Năm 2020, một học sinh tại trung tâm bắt đầu đi học hoà nhập tại một trường tiểu học ở Vĩnh Phúc. Nhưng mới học được một tháng thì toàn bộ phụ huynh khác trong lớp đã cùng ký vào lá đơn yêu cầu nhà trường phải từ chối giáo dục học sinh này, vì sợ con mình sẽ “lây” bệnh tự kỷ nếu chơi cùng em. Cuối cùng, cha mẹ lại phải đưa em về học tại trung tâm”, Th.S Hà kể.

Bao giờ công tác giáo dục hoà nhập được cải thiện?

Theo Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh, hầu hết các trường học hiện nay đang rất thiếu đội ngũ giáo viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để giáo dục trẻ em đặc biệt, nên hệ quả là một số trường không muốn nhận trẻ đặc biệt vào học. Trong nhiều trường hợp, chính giáo viên không biết ứng xử thế nào với trẻ đặc biệt, lại quá áp lực về thành tích nên có tâm lý muốn học sinh đó nhanh chóng chuyển sang nơi khác.

Thực tế cũng nói lên điều tương tự. Hiện tại, trên cả nước chỉ có 3 trường đại học và 2 trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt (GDĐB), số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm chỉ khoảng 250 người. Theo đánh giá của Th.S Hương, con số này là quá ít so với nhu cầu thực tế. Đó là chưa kể, có bao nhiêu người trong số 250 sinh viên kia sẽ theo quyết tâm theo đuổi nghề?

“Về phía các phụ huynh có con là trẻ đặc biệt, tôi thấy nhiều người chưa được trang bị kiến thức nền về việc hỗ trợ, bảo vệ trẻ. Theo tôi, họ cần chủ động trong việc bảo vệ con bằng cách cởi mở hơn, cho mọi người hiểu hơn về con mình, không giữ những ấm ức, thậm chí thù hằn đối với những người chưa hiểu chuyện”, TS Thuỵ Anh nói.

Tháng 6/2022, một nghiên cứu thực hiện với 71.800 trẻ đặc biệt tại Mỹ đã chỉ ra rằng, nhóm trẻ bị bắt nạt học đường nhiều nhất là trẻ tự kỷ và trẻ mắc chứng ADHD (tăng động giảm chú ý). Autism Speaks - tổ chức nghiên cứu về trẻ tự kỷ lớn nhất tại Mỹ cũng khẳng định rằng, hơn 60% trẻ tự kỷ đã từng bị bắt nạt học đường.