Phần lớn, ở những nơi "đất lành chim đậu" ấy, những ông chủ vườn, những người dân trong làng đều muốn cưu mang, bảo vệ đàn cò. Nhưng ngày nay, "cò tặc" hoạt động rất mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. Không ít vườn cò đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.
Sống chết với cò
Đến thăm ông Đặng Đình Quyển, chủ vườn cò Đào Mỹ từ hai năm trước, giờ thấy nhiều nơi chim trời đang bị săn giết, tôi tìm về quê ông "hiệp sĩ cò" để xem tình hình giờ ra sao. Ông Quyển bảo: Cò tặc chưa bao giờ hết hoành hành. Tiếng súng vẫn vang lên.
Tiếng súng không chỉ làm người rờn rợn, mà cánh cò cũng xào xạc chẳng yên. Trong khu vườn rộng hơn 3 ha của ông Đặng Đình Quyển (thôn Tân Phúc - Đào Mỹ - Lạng Giang - Bắc Giang) có đến hơn 12.000 cò và khoảng 3.000 vạc.
Mỗi khi chiều về, khu vườn bị phủ kín bởi một màu trắng của đàn cò đi kiếm ăn trở về. Cảnh tượng đó thật đẹp, thật tuyệt. Nhưng rồi sẽ ra sao, nếu một ngày, cuộc sống không còn tiếng cò vạc nữa. Đó là điều trăn trở của ông Quyển.
Ông say sưa kể về những kỷ niệm với cò với vạc. Năm 1982, khu vườn trồng tre và vải của ông xuất hiện một đàn cò trắng muốt chừng vài trăm con.
Ông tự nhủ "đất lành chim đậu", đất nhà mình có gì đó thì chúng mới về, cho nên ông đã không đuổi mà tiếp tục trồng thêm cây mới. Bất ngờ thay, cò và vạc về ngày càng đông, chúng tụ tập thành đàn lớn. Cho đến năm 1984 thì số lượng đã lên đến khoảng 4.000 con.
Khi đó, những kẻ săn bắt đã "đánh hơi" được. Không ít cánh cò đã rụng xuống. Ông Quyển ra tay bảo vệ, cưu mang chúng. Vì thế ông được gọi là "hiệp sĩ cò". Đã có lần ông suýt bị dính đạn của kẻ săn trộm.
Lũ cò trở về làm tổ ở vườn ông Quyển vì ông đã bảo vệ chúng, cho chúng có quyền đậu trên những cây mà ông đã trồng. Dân vùng này này người thì ủng hộ, người thì dè bỉu. Nhưng ông Quyển đã tự nhủ với lòng mình là "cò chọn đất" vậy thì phải có trách nhiệm bảo vệ.
28 năm qua, ông có biết bao kỷ niệm vui buồn với cò. Chẳng ngày nào ông không đi một vòng, như để xem lũ cò có về đủ hay không. Và cũng là thời gian ông quan sát, hiểu tính tình của chúng hơn. Ông còn kể một chuyện khá lạ:
"Vườn nhà tôi thì cạnh vườn nhà khác. Cũng cùng là cây, nhưng cò chỉ đậu ở cây của nhà tôi thôi mà không có bất kỳ một con đậu ở cây nhà khác, dù hai cây đó có sát vào nhau. Làm tổ thì càng không. Hai cây sát nhau, nhưng cây nhà tôi có đến 6 tổ, còn cây nhà kia chẳng có lấy một tổ".
Tôi biết, nếu ông Quyển cũng nghe theo một số người xúi giục, bắn giết đàn cò vì mối lợi trước mắt thì làm sao có ngày hôm nay, để ông được tự hào. Sự hy sinh về vật chất và sức lực, lẫn tinh thần của ông Quyển là quá lớn.
Ông có vợ và bốn con, nhưng chẳng cậu con nào ủng hộ bố, chịu giúp ông chăm sóc, gìn giữ đàn cò. Vợ ông cũng chẳng ưa gì đàn cò vì bà nghĩ nó chẳng có lợi cho gia đình, lại làm chồng bà mệt xác. Can ngăn cũng không được, bà chỉ đành im lặng, rồi có lúc lại an ủi ông khi ông vò đầu bứt tai lo lắng cho cò.
Ông nói: "Đàn cò mỗi ngày lại đông thêm do chúng sinh sản. Khu vườn đồi trở nên chật hẹp với chúng. Tôi cũng trồng bổ sung nhiều cây mới để thay cho những cây bị phân cò làm cho chết khô, nhưng nguy cơ thiếu đất cho cò vẫn là một nỗi lo khôn nguôi. Tôi đã về hưu, và giờ sẽ sống chết với vườn cò. Phải bảo vệ đến cùng".
Không hiểu sao, vườn cò này vẫn không được đưa vào chương trình bảo vệ của Nhà nước. Hai năm trước, đã có lúc, ông Quyển chán nản mà nói rằng:
"Có ai đó trả 500 triệu, tôi bán. Với điều kiện người đó phải có tâm huyết, mở khu du lịch và giữ lấy đàn cò". Rất may, sau đó, một người có tiền và giàu lòng thương cò ở tận Củ Chi đã đến gặp ông Quyển. Người này đầu tư tiền để giúp "hiệp sĩ cò" Đặng Đình Quyển an tâm mà giữ vườn, giữ cò.
Tất nhiên, ông Quyên rất vui và nhận lời. Cùng với đó, ông thấy trách nhiệm của mình lớn hơn. Rồi thấy mình đau đớn hơn, khi những con cò lại bị "cò tặc" phục bắn, bẫy và giết thịt. Bọn chúng còn tháo dỡ cả hàng rào dây thép gai để xông vào vườn. Rồi nạn trẻ em vô ý thức cắt trộm dây thép, bán cho đồng nát với giá... bèo.
Tất cả những khó khăn, chật vật mà ông Quyển phải chịu, phải hy sinh để đảm bảo an toàn cho vườn cò, đã giúp ông được nhận Giải thưởng Vì môi trường. Nhưng điều đó cũng chẳng xứng với công lao ông đã bỏ ra.
"Giờ, tôi chỉ mong mọi người hãy thương lấy cò. Đừng bắn giết, loại chúng ra khỏi đời sống chúng ta" - Đó là tâm nguyện của ông "hiệp sĩ cò".
Vườn cò Đông Xuyên: Dân thương nhưng bất lực!
Vườn cò được đánh giá là lượng cò, vạc nhiều nhất xứ Bắc là Đông Xuyên (xã Đông Tiến - Yên Phong - Bắc Ninh). Nhiều người đến thăm, đều tỏ ra tiếc, rằng Bắc Ninh đã bỏ qua một khu du lịch sinh thái đầy tiềm năng. Quả thật, xã Đông Tiến hoàn toàn có địa thế tốt để phát triển du lịch.
Chúng tôi về thăm vườn cò (hay đúng hơn là đầm cò) Đông Xuyên, vào một buổi chiều đẹp. Lũ vạc chưa đi kiếm ăn đêm và lũ cò đang bay về trong chiều hoàng hôn rực rỡ. Dầu vậy, ở một quầy nước nhỏ ngay cạnh vườn cò, tôi đã gặp cùng lúc nhiều cán bộ xã, là con dân của làng, đang trăn trở về vườn cò.
Các anh Trần Ngọc Nghinh - Cán bộ môi trường xã; anh Trương Đình Hảo - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp; anh Nguyễn Thanh Hân - Bí thư chi bộ xã; anh Nguyễn Đắc Phiên - Phó chủ nhiệm HTX...
Trên khuôn mặt họ, nỗi buồn rầu hiện lên. Hỏi, họ chỉ ra vườn cò: "Cò rất đông, nhưng không có chỗ ở. Chúng phải sống chen chúc, rất khổ sở. Bà con thương chúng quá!".
Tôi nhìn theo tay các anh chỉ, chợt thấy mủi lòng. Những khóm tre, vốn là chuồng cho cò trú ngụ thì nay cũng đã già cỗi. Đàn cò vừa đứng trước nguy cơ bị săn bắt, vừa gặp phải nỗi lo vì không có tổ. Anh Hảo lái thuyền cho tôi đi thăm đầm cò.
Những khóm tre được trồng trên những gò đất giữa đầm là nơi hàng chục năm qua, đàn cò trú ngụ, sinh con đẻ cái. Anh Hảo bảo: "Cò và vạc ở đây có đến gần chục vạn con. Nếu như năm 2006 và 2007, không bị cò tặc săn mất một nửa số cò năm đó, thì tới giờ chúng tôi có gần 2 chục vạn".
Qua quan sát, tôi thấy những khóm tre phần nhiều đã bị cụt ngọn, vì cò vạc đậu nhiều, phân của chúng làm thui chột các ngọn tre và măng non, nên các khóm tre lụi dần. Có những khóm tre đã trơ gốc, xơ xác, hoặc chết.
Tôi hỏi anh Hảo: "Dân làng không nghĩ đến chuyện trồng thêm cây cối cho chúng ở sao? Vì chẳng mấy chốc nữa mà những khóm tre kia sẽ khô quắt. Làm sao còn chỗ cho cò trú?". Anh Hảo buồn rầu: "Chúng tôi có nghĩ đến chuyện này rồi, nhưng lực bất tòng tâm. Vì để giúp chúng, phải có kinh phí mà dân chúng tôi làm gì có kinh phí".
Anh Nguyễn Đức Thanh, trưởng làng Đông Xuyên cũng bày tỏ: "Dân chúng tôi sống chủ yếu là dựa vào nông nghiệp. Rất bí. Nhiều chuyện khác cần phải làm mà đã làm được đâu. Vì động đến thứ gì cũng cần phải có tiền, dù thương cò, yêu cò thì cũng khó có cơ hội đầu tư cho chúng. Chúng tôi thương thì rất thương, nhưng bất lực". anh Thanh đã nói vậy, vườn cò biết trông vào ai?
Vườn cò có từ năm 1994, đàn cò đậu trĩu nặng trên những ngọn tre. Cứ chiều về, khi hoàng hôn xuống, trước cửa đình tại vườn tre, cò đi kiếm ăn các nơi tìm về tổ, chúng bay lượn thành đàn trắng xóa trên những ngọn tre xôn xao.
Người dân đã huy động tiền và sức dân đắp thêm đất, trồng thêm tre lấy chỗ cho cò, vạc trú ngụ. Họ cũng tự nguyện hiến 3 mẫu đất ruộng (hơn 1ha) để đào ao, trồng tre phát triển vườn cò. Thế nhưng, những kẻ săn bắn cò vạc đã nghĩ ra trăm phương nghìn kế. Chỉ trong khoảng 3 năm, từ 2007 đến 2009, đã có gần chục vạn cò, vạc bị giết.
Cùng với đó, lượng cò vạc non còn ở trong tổ cũng chết theo, vì không còn bố, mẹ chăm sóc. Dù người dân vẫn thường xuyên bắt được những kẻ hại cò, nhưng nạn diệt cò không thuyên giảm được là bao. Bởi cò và vạc còn phải bay đi kiếm ăn. Người dân chỉ có thể bảo vệ được chúng ở trong địa bàn thôn làng, ra xã khác, ai bắn giết cũng chịu.
Anh Thanh cho biết: "Đối tượng săn bắn thì rất nhiều, nhưng tất cả đều ở các thôn khác trong xã và các xã lân cận. Đối tượng săn sử dụng súng hơi, đạn ghém, đạn chùm… có tính hủy diệt cao để đánh bắt chim. Đối tượng bẫy thì thuê trắng ruộng của nông dân với thù lao cao hơn năng suất thực, để dựng bẫy chim.
Hiện trường bẫy chính là mặt phẳng của khu ruộng được cắm đầy que tre, đầu que dính nhựa thông, dưới mặt ruộng thả vạc mồi, khi đàn cò vạc đi kiếm ăn trở về bay qua khu ruộng đặt bẫy, các thợ săn điều khiển cho vạc mồi kêu.
Nghe tiếng kêu của vạc mồi thì vạc đang bay trên cao sà xuống ruộng là dính bẫy. Những con cò được đánh bẫy vẫn còn sống, giá bán khoảng 70 ngàn. Vậy là bọn cò tặc thắng đậm rồi".
Cũng không ít người dân trong làng đã nản lòng, vì mình ra sức bảo vệ chim thì bọn săn bắn lại thỏa thuê phá hoại. Quyết tâm thì có, nhưng quyền hạn thì không, người dân chẳng biết làm sao để cứu cò một cách tốt nhất. Vườn cò Đông Xuyên đang đứng trước nguy cơ hủy diệt. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc, thì ngàn vạn con cò con vạc ở vùng đất này sẽ biến thành mồi cho "cò tặc".
Cò là con mẹ, mẹ thương
Mẹ Vũ Thị Khiêm, chủ vườn cò Hải Lựu, thực sự là người phụ nữ cần mẫn, chăm chỉ và thương cò hết mực. 50 năm qua, vườn cò Hải Lựu, thuộc thôn Dừa Lẽ, xã Hải Lựu (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) được bình yên là vì có bàn tay mẹ. Một người mẹ già cả, nhưng đã nổi tiếng vì sự hào hiệp với các thân phận con cò.
Mẹ Khiêm coi cò là bạn, là con và không tiếc công sức để bảo vệ. Có người từng gạ mẹ trói cò đi bán. Rồi có người còn gạ bán đồi cò với giá 10 tỷ đồng, hoặc đổi một ngôi biệt thự. Nhưng mẹ không đang tâm.
Niềm vui của mẹ là nhìn thấy đàn cò ríu rít, bay lượn. Ít người biết, mẹ Khiêm sống cuộc đời rất vất vả. Chồng mẹ hy sinh năm 1968 để lại cho mẹ hai người con. Người con trai mất năm 40 tuổi để lại cho mẹ ba đứa cháu, người con gái bỏ chồng, đi làm ăn nơi khác để lại cho bà hai đứa cháu.
Gần 70 tuổi, bảo vệ vườn cò là việc không dễ dàng gì với mẹ. Mới đây, tỉnh đã động viên, mỗi tháng trợ cấp cho mẹ mấy trăm ngàn. Ai đến, mẹ Khiêm cũng trò chuyện. Mẹ bảo đời mình cũng là một thân cò thân vạc. Vậy thì phải bảo vệ cò vạc thôi.
Đàn cò trong vườn của mẹ Khiêm đúng là một tặng vật quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho không chỉ mẹ Khiêm mà còn là tài sản của xã Hải Lựu. Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chú ý tới việc nghiên cứu, có các biện pháp bảo vệ vườn cò Hải Lựu.
Việc bảo vệ đàn cò rất cần có những tấm lòng của những người biết yêu quý thiên nhiên. Chỉ cần sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm và cách làm thiếu tính khoa học thì hậu quả sẽ là làm mất một tài sản quý không bao giờ lấy lại được.
Nói thì dễ, nhưng làm khó lắm thay. Người ta bảo không ai hiểu con bằng mẹ. Ở Hải Lựu, không ai hiểu và có thể tận tụy với vườn cò bằng mẹ Khiêm. Mẹ bảo: "Cò là con mẹ, mẹ thương".
Vâng, mẹ đúng là một người mẹ nhân hậu. Kể từ khi mẹ nghe lời di huấn của cha mình, là phải bảo vệ cò, thì từ đó, không ngày nào mẹ xa cò. Không bút nào tả hết dáng mẹ tất tả khi cò lâm nạn, bị "cò tặc" ác độc tấn công. Người mẹ ấy nhỏ bé, nhưng vô cùng quyết liệt. Nếu có kẻ nào dám hại cò, mẹ sẵn sàng lao tới, đuổi chúng đi.
Hưởng lộc từ... cò
Nếu không có bóng dáng của cò vạc, thì khu du lịch hồ An Dương (Chi Lăng Nam - Thanh Miện - Hải Dương) đã chẳng hấp dẫn và đẹp đến thế. Với khoảng 20.000 con cò, vạc và nhiều loài chim, cộng với hệ sinh thái, động, thực vật phong phú, Đảo cò Chi Lăng Nam đã trở thành khu du lịch thiên nhiên, hữu tình xanh rợp bóng cây. Thu hút nhiều du khách đến thăm.
Khoảng hơn 20 năm trước, những cánh cò, vạc bay đi, bay về, phủ kín cả khoảng không mặt hồ, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ năm 1994, huyện Thanh Miện đã đầu tư, bảo tồn và đưa vào khai thác du lịch đảo, hàng năm thu hút hơn 40.000 du khách tham quan. Nhờ sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu, Đảo cò đã được mở rộng và trồng thêm nhiều cây xanh.
Năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đã triển khai Dự án "Bảo tồn, phát triển khu vực hệ sinh thái tự nhiên Đảo Cò, phục vụ du lịch sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng". Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đã phê quyệt Dự án quy hoạch tổng thể Khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò, đến năm 2015.
So với các vườn cò khác, Đảo cò này có địa thế đẹp và rộng hơn cả. Có thể nói, tỉnh Hải Dương nói chung và xã Chi Lăng Nam nói riêng đã được hưởng lộc từ đàn cò. Cò chẳng những mang lại vẻ đẹp cho nơi đây, lại còn mang về nguồn lợi về du lịch.
Một lão nông chia sẻ: "Đảo cò này là may mắn của cả làng tôi. Từ khi cò về ở ngày càng đông thì trẻ nhỏ trong làng học hành tấn tới, người già ít đau bệnh, nhà nào cũng ăn nên làm ra, vì thế chúng tôi kiên quyết bảo vệ đảo cò".
Ai bốc thuốc cứu nạn "cò tặc"?
Ngoài những vườn cò lớn kể trên, miền Bắc vẫn còn những vườn cò nhỏ nữa. Như vườn cò ở trường Cao đẳng Nông Lâm (Bắc Giang). Với lượng cây xanh lớn, nơi đây đã được các thầy, các cô và sinh viên cưu mang, bảo vệ. Trường đã có vườn cò, đảo cò rất đẹp mắt, với những cánh cò chấp chới mỗi khi chiều về, hay buổi bình minh lên.
Rồi vườn cò nhỏ ở thị trấn Xuân Mai (Hà Nội), nhưng vườn cò này không có ai quản lý, chẳng mấy chốc đã bị cò tặc diệt gọn. Ở những ngôi làng ven thị xã Phủ Lý (Hà Nam) cũng có những cánh cò về hội tụ. Nhưng tiếng súng và cả sự tham lam của những kẻ săn cò, đã làm chúng gục ngã.
Một số ít thoát chết đã bay đi. Mới đây, người ta thấy ở một ngôi vườn nhỏ, thuộc huyện Phù Cừ (Hưng Yên) có cò về. Nhưng "cò tặc" đã dùng súng săn đuổi chúng. Con thì chết, con thì dạt về nơi khác.
Thật đáng buồn, đến đâu cũng thấy cò tặc hoành hành. Người ta dùng súng, bẫy, nhựa thông, lưới... để diệt cò và bất cứ loài chim nào khác, miễn là có lợi.
Mấy năm qua, dư luận vẫn lên tiếng bất bình về ông chủ vườn cò Ngọc Nhị (làng Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) về việc sát hại đàn cò. Người ta nói rằng, ông chủ vườn cò này đã bị lợi lộc làm mờ mắt, nên bất chấp thủ đoạn.
Ông sẵn sàng thịt cò để phục vụ bất cứ du khách nào đến với nhà hàng của ông, ở ngay rìa vườn. Một hệ thống hàng, quán mà ông chủ tên Phùng Đoài Học này xây dựng, phục vụ mấy trăm khách mỗi ngày. Tương đương với mấy trăm con cò bị diệt. Lại có tin, ông Học còn đến một số vườn cò khác, gạ người ta bắt cò bán cho ông để ông kinh doanh.
Tôi tự hỏi rằng, nếu mẹ Khiêm, ông Quyển, hay những người dân của làng Đông Xuyên đều bắt cò làm thịt, bán cho khách, thì trên đất nước bình yên này, có còn một cánh cò? Chim, cò, vốn được dân nhậu coi là một đặc sản quý hiếm. Vì thế, có hàng ngàn người đã nhẫn tâm hành nghề cò tặc, đi săn bắt, tận diệt chim trời.
Tại sao chúng ta không thể yêu thiên nhiên, các loài vật đặc biệt là những con cò, đang trang điểm cho cuộc sống chúng ta, làm cho cuộc sống ngày càng thêm ý nghĩa? Không thể chỉ là giáo dục, thuyết phục, mà cần phải sớm có những chế tài và lực lượng chuyên trách để bảo vệ và phát triển các làng cò trước khi chúng bị tiêu diệt.