Ai Cập khai quật thành phố bị mất tích hơn 7.000 tuổi

TPO - Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những túp lều, công cụ lao động và 15 ngôi mộ khổng lồ có niên đại cách đây hơn 7.000 năm, từ triều đại Ai Cập cổ đầu tiên ở tỉnh Sohag.
Thành phố cổ bị mất tích được phát hiện bên bờ sông Nile ở thành phố Luxor. Ảnh: Alamy

Mới đây, Ai Cập cho biết, đã khai quật được một thành phố hơn 7.000 tuổi và một nghĩa trang có từ thời triều đại đầu tiên của Ai Cập cổ ở phía nam tỉnh Sohag.

Theo đó, thành phố bị mất tích được phát hiện cách đền thờ Seti I, nơi chôn cất pharaoh Seti đệ nhất ở bờ Tây của sông Nile ở thành phố Luxor, khoảng 400m. Đến thời điểm hiện tại, các nhà khảo cổ khai quật được những túp lều, cột gốm, công cụ bằng sắt và 15 ngôi mộ khổng lồ.

Thành phố cổ này có khả năng là nơi ở của những vị quan lớn và các chuyên gia xây dựng mộ cổ đại. Phát hiện mới này sẽ giúp mang lại nhiều hiểu biết hơn về Abydos, thủ đô của Ai Cập vào cuối thời kỳ Predynastic và trong thời gian cai trị của bốn triều đại đầu tiên.

“Kích thước của các ngôi mộ được phát hiện lớn hơn so với một số ngôi mộ hoàng gia ở Abydos, có từ triều đại đầu tiên. Điều đó chứng minh tầm quan trọng, cũng như địa vị xã hội cao của những người an nghỉ ở đó trong thời kỳ đầu của lịch sử Ai Cập cổ đại”, phát ngôn viên Bộ Đồ cổ Ai Cập tiết lộ.

Thành tựu mới của ngành khảo cổ có thể mang lại lợi ích to lớn cho ngành công nghiệp du lịch đã suy yếu của Ai Cập, kể từ khi cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak và năm 2011.

Theo Theo Guardian