Á quân opera quốc tế: Tự thưởng bát phở

TP - Đỗ Thị Phương Mai vừa giành giải Nhì cuộc thi hát cổ điển quốc tế- Concours Mùa thu Rachmanninov lần thứ 14 diễn ra tại Mát-xcơ-va (Nga) cuối tháng 11.

> Kinh ngạc với giọng hát opera của bé gái 9 tuổi

Sau khi sở hữu giải Nhất cuộc thi hát Thính phòng- Nhạc kịch toàn quốc năm 2009, Phương Mai ở lại trường ĐH Nghệ thuật Quân đội làm giảng viên và được trường cử sang Nga học. Như vậy, Phương Mai phải xa chồng là ca sĩ Dương Tùng Lâm đã 2 năm.

Phương Mai có thể cho biết vài nét về quy mô, tính chất của cuộc thi bạn vừa đoạt giải?

  Để ăn mừng giải thưởng, tôi mời thầy cô giáo, giáo sư đệm piano, bạn bè trong lớp và các bạn cùng phòng một bữa liên hoan nho nhỏ nhưng rất vui, tình cảm và tự thưởng cho mình bát “phở Việt Nam  

Ca sĩ Phương Mai

Đây là cuộc thi quốc tế lớn, uy tín lấy tên nhạc sĩ nổi tiếng thế giới người Nga Rachmanninov tổ chức 3 năm một lần, nhằm phát hiện những giọng hát cổ điển mới. Cuộc thi quy tụ rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh các nhạc viện nổi tiếng của Nga như Tchaicovski, Gneshin cũng như các học viện âm nhạc châu Âu, cùng các ca sĩ đại diện cho các nhà hát của Nga và Trung Quốc. Mai là một trong hai đại diện của trường Gneshin.

Giải thưởng có giá trị và ý nghĩa như thế nào với bạn?

Giải gồm bằng khen cho thí sinh, bằng khen cho giáo sư hướng dẫn. Tiền thì không quá nhiều cũng không quá ít, đủ để “gỡ” lại lệ phí dự thi, và mời thầy cô, bạn bè liên hoan, mua được vé máy bay về Việt Nam ăn Tết với chồng (cười).

Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần với tôi. Nó đánh dấu nỗ lực bao năm say mê học hỏi, theo đuổi dòng nhạc cổ điển. Nó là món quà cho sự hy sinh, sự tạo điều kiện của gia đình, trường ĐH VHNT Quân đội, Bộ Quốc phòng, Nhà nước đã cho tôi cơ hội được học tập ở nước ngoài.

Tâm lý của Mai khi đến với cuộc thi?

Khi được cô giáo, Giáo sư-Trưởng Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Gneshin thông báo được cử đi dự cuộc thi này, tôi vừa vui vừa lo lắng, không biết mình có đủ sức tham gia cuộc thi lớn thế không.

Vậy bạn làm thế nào để hết lo lắng?

Trong quá trình dự thi, tôi trao đổi với gia đình, với cô Kim Phúc (người dạy tôi ở Việt Nam) và được mọi người động viên ủng hộ rất nhiều. Tôi cũng điện thoại về cho thầy Đức Trịnh xin tổng phổ bài Miền xa thẳm của thầy. Vì ngoài ba tác phẩm cổ điển dự thi, thí sinh nước nào phải hát một bài của nước đó.

Trong quá trình luyện tập cùng cô giáo, tôi cũng bị mắng rất nhiều. Có lúc cô còn định không cho thi nữa. Lúc đó cũng buồn lắm, nhưng lại càng quyết tâm hơn và rồi mọi việc cũng “trôi”.

Những dự định về học vấn và nghề nghiệp của bạn trong tương lai?

Một năm nữa tôi sẽ học xong cao học và sẽ cố gắng hoàn thành tiến sĩ tại Học viện Gneshin, sau đó về Việt Nam tiếp tục giảng dạy, biểu diễn và còn sinh em bé nữa. (cười)

Ấn tượng của bạn về nước Nga, về trường học?

Tôi sang Nga đã hơn 2 năm. Ấn tượng đầu tiên là nước Nga rất đẹp, lãng mạn, cổ kính. Lúc đầu, tôi khá bỡ ngỡ vì tiếng chưa tốt lắm, rồi lại có một mình tôi là người Việt ở trường. Còn bây giờ thì ổn rồi.

Không khí học tập ở Gneshin rất tích cực, rất nhiều sinh viên xuất sắc, họ thường xuyên giành giải quốc tế. Tôi nghĩ mình cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa để theo kịp với lối giáo dục và học tập ở trường. Vì nhiều thứ tôi tự thấy mình chưa hoàn thiện, cần phải trau dồi.

Mai nhớ nhất điều gì về Việt Nam?

Chắc nhớ cà phê Việt Nam. Nga có cà phê nhưng... nhạt. (cười)

Vừa kết hôn đã phải xa nhau. Hai bạn khắc phục khó khăn này như thế nào?

Chúng tôi yêu nhau hơn 8 năm thì cưới. Cưới được 6 tháng thì tôi đi học. Thực sự lúc đó tôi không nghĩ là được cử đi nhanh thế nên cũng bối rối. Nhưng được gia đình và ông xã động viên nên đi học để tiếp thu những cái mới để về còn làm việc và truyền đạt cho thế hệ sau này. Nên cả hai vợ chồng đều cố gắng. Ông xã vẫn hằng ngày lên lớp giảng dạy và tham gia biểu diễn. Thỉnh thoảng có chương trình trong nước mời tôi về diễn thì vợ chồng được gặp nhau. Còn thì ngày nào cũng điện thoại rồi chát video với nhau. Thời công nghệ nên cũng đỡ.

Bạn thích nổi tiếng hay thích hát giỏi hơn?

Theo tôi, ai làm nghệ thuật cũng mong muốn nổi tiếng. Nhưng quan trọng là phải làm nghệ thuật đích thực. Một nghệ sĩ phải yêu nghề, say nghề, có trách nhiệm và trình độ.

Theo Báo giấy