9 năm nằm liệt giường, vẫn thi đỗ 2 trường ĐH

Khi vừa tròn 5 tháng tuổi, em Lê Viết Thuận bị bỏng nặng buộc phải cắt bỏ bên chân trái, toàn bộ gân tay chân của em đều bị co quắp lại. Với sự nỗ lực lớn lao của bản thân, kỳ thi ĐH vừa qua, cậu học trò quê Bắc Giang đã trúng tuyển 2 trường ĐH.

9 năm nằm liệt giường, vẫn thi đỗ 2 trường ĐH

> Thủ khoa nhà không số, phố không tên
> Chàng trai một chân thi đỗ 2 trường đại học
> Nhà không gạo ăn, đỗ hai trường đại học

Khi vừa tròn 5 tháng tuổi, em Lê Viết Thuận bị bỏng nặng buộc phải cắt bỏ bên chân trái, toàn bộ gân tay chân của em đều bị co quắp lại. Với sự nỗ lực lớn lao của bản thân, kỳ thi ĐH vừa qua, cậu học trò quê Bắc Giang đã trúng tuyển 2 trường ĐH.

Nỗ lực vượt khó, giờ đây, cậu học trò Lê Viết Thuận đã thực hiện được ước mơ của mình là tiếp tục học tập trên giảng đường ĐH.

Tai nạn nặng khi mới 5 tháng tuổi

Lê Viết Thuận (sinh năm 1991) là con thứ hai trong trong một gia đình nghèo, bố làm thợ đóng gạch, mẹ làm công nhân may tại xã Hưng Cầu, huyện Lộc Hòa (Bắc Giang). Khi em vừa tròn 5 tháng tuổi, trong một lần được bố mẹ đặt nằm ở giường, bé Thuận đã vô tình đạp chân vào chiếc đèn dầu, làm lửa lan ra, bén vào người khiến em bị bỏng rất nặng bên chân trái.

Do quan niệm lạc hậu khi cho rằng: đi bệnh viện sẽ xui xẻo nên ông bà của Thuận đã nhờ nhiều thầy lang trong làng về chữa bệnh và không may dẫn tới việc chân em bị biến dạng. Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình điều trị vết bỏng, Thuận bị nhiễm trùng uốn ván và được các y tá ở chạm ý tế xã tiêm vắc xin liên tiếp trong vòng 1 tháng rưỡi. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn tới gân dẫn tới hậu quả chân và tay Thuận bị co quắp lại.

Dù sau đó đã được gia đình đưa đi khám ở viện Bỏng Quốc gia nhưng Thuận được các bác sĩ cho biết: em không còn khả năng đi lại. Kể từ sau đó, trong vòng 9 năm liên tiếp, Thuận chỉ có thể nằm ở một chỗ.

Năm 1998, dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn với công việc chính là làm nghề tráng bánh đa nhưng bố mẹ Thuận vẫn quyết định một lần nữa đưa con lên viện Bỏng Quốc gia để phẫu thuật. Khi đó, với 2 phương án mà bệnh viện đưa ra: một là cưa bỏ phần chân bị bỏng và lắp chân giả, hai là đập những phần xương bị biến dạng đi để lắp ghép lại và gia đình Thuận đã quyết định thực hiện phương án 2.

Kết thúc cuộc phẫu thuật, các bác sĩ đã cho biết, Thuận có 70% khả năng đi lại được, 30% còn lại là nhờ sự tập luyện cùng tính kiên trì của em.

Trở về nhà, những ngày tháng tiếp theo của Thuận chính là việc quyết tâm rèn luyện để có cơ hội đi lại. Kể về những quá trình đó, Thuận cho biết: “Khi đó, em được ông nội đóng cho một chiếc dàn tre với 2 trụ bám (mỗi trụ dài một mét) để cho em tập đi. Có nhiều lần vì mải tập luyện mà vết mổ đã bị sưng tấy lên khiến em cảm thấy rất đau đớn và cho tới năm 10 tuổi thì em đã có thể đi lại được, nhưng mỗi bước đi đều rất khó nhọc”.

Chàng tân sinh viên giàu nghị lực Lê Viết Thuận.

Tập viết bằng tay trái, vẫn đam mê con chữ

Mặc cho sức khỏe còn yếu và việc đi lại rất khó khăn, Thuận vẫn cương quyết đòi bố mẹ cho em đi học như bao bạn bè khác. Chiều lòng con, bố mẹ Thuận đã đồng ý nhưng cũng chỉ hi vọng rằng, em đi học để biết đọc, biết viết.

Video clip chia sẻ của chàng trai nghị lực Lê Viết Thuận:

Dù không được nhận vào chính thức mà chỉ là học gửi cùng các bạn sinh năm 1995 (kém Thuận 4 tuổi) nhưng em rất vui mừng khi được khoác trên lưng chiếc cặp sách tới trường. Quá trình học lớp 1 là quãng thời gian khó khăn nhất, bởi Thuận không được học qua lớp mầm non và vì tay phải bị co quắp hết lại nên em buộc phải tập viết bằng tay trái.

Với sự nỗ lực của bản thân cùng sự động viên giúp đỡ của gia đình và thầy cô, Thuận đã hoàn thành bậc học phổ thông. Tiếp tục niềm đam mê học tập, trong kỳ thi ĐH vừa qua, Thuận đã trúng tuyển vào 2 trường là Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Học viện Quản lý giáo dục.

Đối với Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, Thuận không phải thi nhưng với việc hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra cùng kết quả xét tuyển thành tích học tập qua các năm, Thuận đã trúng tuyển vào ngành Công tác xã hội của trường. Còn ở Học viện Quản lý giáo dục, Thuận thi khối A đạt 16 điểm và trúng tuyển khoa Công nghệ thông tin.

Quyết định theo học ngành Công tác xã hội của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) để có cơ hội đến gần với những người có hoàn cảnh như mình, ngày 5/9 vừa qua, Thuận đã được anh trai đưa xuống trường nhập học. Hiện tại, với hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, cuộc sống của Thuận gặp nhiều trở ngại.

Được biết, bố mẹ Thuận hiện đang làm công nhân trong miền nam, hàng tháng họ chỉ có thể gửi ra cho em khoảng 1 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi đó, để có thể đủ chi tiêu cho việc sinh hoạt, Thuận chỉ dám ăn suất cơm từ 10 tới 15 nghìn đồng, thậm chí nhiều bữa, em chỉ lót dạ bằng gói mì tôm.

Hiện tại, Thuận đang ở trọ tại một căn phòng nhỏ cách trường 200 m, trước hoàn cảnh khó khăn của em, người chủ nhà tốt bụng đã miễn giảm tiền phòng từ 1,5 triệu đồng/một tháng xuống còn 350 nghìn đồng.

Giờ đây, bên cạnh việc hàng ngày đến lớp học như những tân sinh viên khác, Thuận còn tham gia các hoạt động của câu lạc bộ Hoa Đá, nơi chuyên giúp đỡ các sinh viên khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Nhữ Trang
Dân trí

Theo Đăng lại