8 trang lịch sử, hơn 2.500 chữ viết về chiến tranh biên giới 1979

TPO - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa giới thiệu và phát hành các bộ sách trọng tâm, trong đó có bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập) từ thời khởi thủy của Việt Nam đến năm 2.000, trong đó, đáng chú ý, tại tập 14, từ trang 351 – 359 có viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.  

PGS TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách nói đây là tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ sử học. Hơn 30 nhà nghiên cứu sử học mất 9 năm để biên soạn bộ sử 15 tập, dày gần 10.000 trang này.

Theo PGS Cường, bộ sách đã nói rõ nhiều vấn đề lịch sử còn "khoảng trống". Trong tập 14, từ trang 351 đến 359 viết rõ về "quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc".

Nội dung tóm lược từ mối quan hệ Việt - Trung sau năm 1975, những căng thẳng dẫn đến cuộc chiến nổ ra sáng 17/2/1979. Bộ sử đã gọi đích danh đó là "một cuộc chiến tranh xâm lược" trên toàn tuyến biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Số liệu được đề cập rõ ràng gồm số quân Trung Quốc, số xe tăng, đại bác bị dân quân Việt Nam tiêu diệt...

"Chúng tôi gọi rõ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước khác 30 km, 50 km đánh phá, không phải xâm lược thì gọi là gì?", ông nói.

Có một điều nữa, cuộc chiến tranh ấy không chỉ gói gọn trong khoảng tháng 2/1979 mà kéo dài. Cán bộ chiến sĩ Việt Nam còn phải hy sinh nhiều xương máu để đến đầu thập niên 90 mới có hòa bình tương đối ở biên giới phía Bắc.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

* Quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc

Việt Nam luôn luôn biết ơn sự giúp đỡ tận tình của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc.

Sau khi giải phóng miền Nam, từ ngày 22 đến 28/9/1975 đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam do Bí thư Thứ nhất BCH T.Ư Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn dẫn đầu đi thăm, cảm ơn Trung Quốc và bàn biện pháp củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Chính phủ Trung Quốc cam kết thực hiện các khoản viện trợ đã hứa cho Việt Nam trước năm 1975 để xây dựng 111 công trình. Tháng 10/1976, Trung Quốc giúp Việt Nam một số vũ khí phòng thủ. Trong năm 1977, Trung Quốc cho Việt Nam vay 900.000 tấn lương thực.

Các cuộc xung đột nổ ra ở biên giới Việt – Trung (khu vực Cao Bằng – Lạng Sơn) vào cuối năm 1976 và tháng 3/1977 gần như trùng hợp với thời gian diễn ra tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Nam – Campuchia ở phía Tây Nam. Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán về vấn đề biên giới Cao Lạng – Quảng Tây.

Đoàn Trung Quốc đề nghị bàn biện pháp ngăn ngừa xung đột, giữ nguyên trạng trong khi chờ Chính phủ hai nước giải quyết vấn đề biên giới Trung – Việt. Đoàn Việt Nam đề nghị bàn biện pháp chấm dứt các vụ vi phạm biên giới quốc gia và trở lại đường biên giới lịch sử.

Ngày 25/7/1977, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh nhận được thông báo của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm cho biết Trung Quốc đồng ý đàm phán về vấn đề biên giới vào hạ tuần tháng 9/1977 ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng diễn ra ba vòng. Hai vòng đầu gồm 8 phiên, từ ngày 20/9/1977 đến 2/12/1977 ở Bắc Kinh. Vòng thứ ba từ ngày 13 đến 26/12/1977 ở Hà Nội. Tất cả các vòng đàm phán đều không đi đến được thỏa thuận. Trong quá trình diễn ra các vòng đàm phán, từ ngày 20 đến ngày 25/11/1977, Tổng Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi thăm Trung Quốc. Vấn đề Campuchia được đặt lên bàn đàm phán tại Bắc Kinh và bất đồng sâu sắc.

Từ tháng 4/1978, khi Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Trung Quốc đã nêu lên vấn đề người Hoa và có những động thái bất hợp tác. Ngày 12/5/1978, Trung Quốc gửi Công hàm thông báo Chính phủ Trung Quốc cắt 21 hạng mục công trình viện trợ cho Việt Nam.

Ngày 18/5/1978, Chính phủ Việt Nam gửi Công hàm cho Chính phủ Trung Quốc nêu quan điểm của Chính phủ Việt Nam về vấn đề người Hoa ở Việt Nam. Ngày 25/5/1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố về việc Trung Quốc xuyên tạc chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với người Hoa ở Việt Nam.

Ngày 30/5/1978, Trung Quốc tuyên bố cắt thêm 51 hạng mục công trình viện trợ, và đến ngày 3/7/1978 tuyên bố cắt toàn bộ viện trợ kinh tế, rút hết chuyên gia về nước. Trong khi đó, các vụ xung đột vẫn liên tiếp diễn ra trên biên giới hai nước.

Ngày 5/6/1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố 4 điểm về vấn đề người Hoa ở Việt Nam. Bản tuyên bố kêu gọi những người Hoa đã từng sinh sống ở Việt Nam nên ở lại Việt Nam. Những người Hoa ở miền Bắc Việt Nam và những người Việt gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam muốn rời Việt Nam sẽ được làm thủ tục xuất cảnh theo đúng luật của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cho phép chuyến tàu đầu tiên của Trung Quốc sau khi đã làm đầy đủ thủ tục theo luật lệ Việt Nam đối với tàu nước ngoài sẽ được vào cảng từ ngày 20/6/1978.

Ngày 22/7/1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc chấp nhận yêu cầu của phía Trung Quốc là hai nước mở cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao để giải quyết vấn đề người Hoa cư trú ở Việt Nam.

Từ tháng 8/1978, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu đàm phán về vấn đề người Hoa ở Việt Nam. Từ ngày 8/8 đến ngày 26/9/1978, đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước diễn ra. Cuộc đàm phán tiến hành 7 phiên tại Hà Nội, trong bối cảnh ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc tiến hành đóng cửa các cửa khẩu, đẩy người Hoa trở lại Việt Nam. Cuộc đàm phán không có kết quả. Ngày 26/9/1978, một lần nữa phía Trung Quốc đơn phương tuyên bố đình chỉ không kỳ hạn cuộc đàm phán.

Ngày 3/10/1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bị vong lục cho Đại Sứ quán Trung Quốc phản đối lực lượng vũ trang Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh thổ Việt Nam (tháng 7 có 58 lượt, tháng 8 có 323 lượt, tháng 9 có 723 lượt). Ngày 12/10/1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố kịch liệt phản đối Trung Quốc ngày càng tăng cường xâm phạm lãnh thổ, uy hiếp an ninh Việt Nam.

Ngày 2/11/1978, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố về việc quân Trung Quốc gây ra một vụ nổ súng nghiêm trọng mới ở Cao Bằng, tiếp tục khiêu khích, chuẩn bị chiến tranh.

Nhằm tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã điều động một lực lượng cán bộ có năng lực ở miền xuôi lên tăng cường cho một số cơ sở ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đợt đầu tiên gồm 1.500 cán bộ. Tháng 10/1978 diễn ra một đợt điều động nữa. Mục tiêu của các đợt điều động này là kiện toàn các cơ quan Đảng, các tổ chức quần chúng, các cơ quan an ninh, quốc phòng, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, nông nghiệp, kế hoach, thống kê, tài chính, vật tư, thông tin văn hóa, y tế, giáo dục. Ngoài ra còn điều động cán bộ gắn với việc đưa lao động miền xuôi đi xây dựng kinh tế ở các tỉnh miền núi. Nhà nước cũng ban hành bổ sung một số chế độ đối với cán bộ công tác ở miền núi, biên giới và hải đảo.

Ngày 26/12/1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phản đối lực lượng vũ trang Trung Quốc chiếm cao điểm 494 ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc và mốc số 2 ở xã Đào Viên huyện Tràng Định, Lạng Sơn, phục kích bắt cóc chiến sĩ biên phòng Việt Nam.

Ngày 30/12/1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là “bất khả xâm phạm”. Tình hình căng thẳng đến cực điểm.

5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 – 50km.

Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, do bị động nên không phải bộ phận nào cũng giữ vững được khả năng chiến đấu. Đoạn trích sau đây trong báo cáo của Đảng Đoàn Tổng Công đoàn Việt Nam phản ánh một góc độ khác của tình hình: “Trên mặt trận chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, các đơn vị tự vệ công nhân viên chức các lâm trường, nông trường, các đoàn địa chất, các xí nghiệp, cơ quan ở sát biên giới đã chiến đấu dũng cảm, góp phần đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt nhiều địch. Tuy nhiên, ít đơn vị chiến đấu được dài ngày do thiếu đạn, thiếu ăn, thiếu chỉ huy thống nhất với bộ đội chủ lực; một số đơn vị bỏ chạy vô tổ chức do bị động, lãnh đạo không vững vàng”.

Ngày 5/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp năm 1959, ra Quyết định Tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã công bố Lệnh Tổng động viên nhằm huy động nhân tài vật lực cần thiết đảm bảo cho cuộc kháng chiến thắng lợi.

Cũng trong ngày 5/3/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 83-CP về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân để bảo vệ Tổ quốc. Nghị định quy định chế độ làm việc trong tình hình mới (điều 3): “Từ nay cho đến khi có quyết định mới, mọi công nhân viên chức làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường của Nhà nước đều chuyển sang chế độ làm việc mỗi ngày 10 giờ, trong đó có 8 giờ lao động sản xuất hoặc công tác, hai giờ luyện tập quân sự hoặc làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ”.

Từ ngày 6 đến 8/3/1979, Hội nghị quốc tế khẩn cấp ủng hộ Việt Nam do Hội đồng Hòa bình thế giới và Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Phần Lan triệu tập, họp tại Henxinki, gồm đại biểu của hơn 100 nước và 30 tổ chức quốc tế, đã ra lời kêu gọi đoàn kết với Việt Nam, lên án “cuộc chiến tranh xâm lược” của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Ngày 1/3/1979, Trung Quốc đề nghị đàm phán Trung – Việt ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao để khôi phục hòa bình, an ninh ở biên giới, tiến tới giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ. Ngày 14/3/1979, Trung Quốc rút hết quân về nước.

Hà Nội đã thành lập Đoàn Nguyễn Huệ để đi xây dựng tuyến phòng thủ. Từ 15 đến 30/3/1979 đã có 30.000 lượt người tham gia Đoàn Nguyễn Huệ đi xây dựng tuyến phòng thủ và phục vụ chiến đấu.

Từ ngày 28 đến 30/5/1979, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VI nghe báo cáo về tình hình chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, thông qua Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ của nhân dân ta trước tình hình mới”. Đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc diễn ra vòng 1 tại Hà Nội từ ngày 18/4/1979, và vòng 2 tại Bắc Kinh từ ngày 8/6/1979. Việt Nam đề nghị giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử do các hiệp ước Trung – Pháp năm 1887 và năm 1895 hoạch định. Phía Trung Quốc đưa ra lập trường 8 điểm, yêu cầu Việt Nam công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc, rút quân khỏi Trường Sa, thay đổi chính sách đối với Lào, Campuchia, nêu quan điểm của Trung Quốc về giải quyết vấn đề Campuchia. Các cuộc đàm phán chỉ đạt được thỏa thuận về việc trao trả người bị bắt. Đầu năm 1980 đàm phán ngừng lại.

Ngày 20/6/1979, Bộ Ngoại giao ra Tuyên bố về vấn đề người Việt Nam chạy ra nước ngoài. Từ 28/6 đến 19/12/1979, đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc vòng 2, họp tại Bắc Kinh. Qua 10 phiên họp, đàm phán chưa đạt được kết quả.

Ngày 1/8/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần nữa ra Tuyên bố khẳng định: “Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam”. Ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Bị vong lục về cuộc đàm phán Việt Nam – Trung Quốc.

Với thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã bảo vệ được chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện để tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Đồng thời, Việt Nam cũng làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, tích cực góp phần bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Sau thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, nhiệm vụ củng cố quốc phòng và an ninh càng được đẩy mạnh. Chiến công mới: tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng phản động FULRO ở vùng Tây Nguyên, bắt gọn nhiều nhóm phản động, gián điệp, thám báo và làm phá sản âm mưu phá hoại của chúng, là thể hiện sự cảnh giác cao của quân và dân Việt Nam.

Trong hai ngày 26 và 27/5/1980, Hội nghị các tỉnh biên giới và miền núi phía Bắc đã họp bàn những biện pháp tăng cường sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố các cơ sở, bảo vệ kinh tế, chống chiến tranh gián điệp và chiến tranh tâm lý của địch,.v.v. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Hình thức các địa phương trực tiếp giúp đỡ nhau để giải quyết khó khăn của các tỉnh biên giới đang được đặt ra. Cấp trên đã phân công Hải Phòng và Hải Hưng giúp Quảng Ninh; Hà Bắc giúp Lạng Sơn; Bắc Thái giúp Cao Bằng; Vĩnh Phú giúp Hoàng Liên Sơn; Thái Bình giúp Lai Châu; Hà Nam Ninh giúp Hà Tuyên; Hà Sơn Bình giúp Sơn La.

Ngày 26/8/1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Bị vong lục vạch rõ thực chất của tình hình căng thẳng đang diễn ra ở Đông Nam Á và con đường giải quyết vấn đề đó...