Theo Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội, năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, xóa bỏ Bắc Thành (gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc) ở Bắc Hà và lập tỉnh Hà Nội. Như vậy, Hà Nội trở thành một tỉnh như 30 tỉnh khác trên đất Việt Nam thời kỳ đó.
Tỉnh Hà Nội khi đó gồm 4 phủ, 15 huyện, nằm giữa sông Hồng và sông Đáy. Tỉnh Hà Nội gồm thành Thăng Long, phủ Hoài Đức của trấn Sơn Tây, và ba phủ Ứng Hoà, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam.
Hà Nội hiện nay có vị trí từ 20°53' đến 21°23' vĩ độ Bắc và 105°44' đến 106°02' kinh độ Đông, tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc ở phía Bắc; Hà Nam - Hòa Bình ở phía Nam; Bắc Giang- Bắc Ninh - Hưng Yên ở phía Đông và Hòa Bình - Phú Thọ ở phía Tây.
Thủ đô Hà Nội đã qua bao nhiêu lần đổi tên?
Theo sách "Nghìn năm văn hiến Thăng Long", tính đến nay thủ đô Hà Nội đã trải qua 9 lần đổi tên gồm: Long Đỗ, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành, Hà Nội. Ngoài ra, còn xuất hiện 6 tên gọi không chính thức gồm Tràng An, Phượng Thành, Long Biên, Long Thành, Hà Thành, Hoàng Diệu.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá và khoa học kĩ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước.
Trải qua 1.000 năm hình thành và phát triển, kể từ khi vua Lý Thái Tổ chọn khu đất Đại La bên cửa sông Tô Lịch làm nơi định đô cho muôn đời. Hà Nội đã chứng kiến sự thăng trầm của hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam từ Lý- Trần - Lê - Mạc - Nguyễn… kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả miền Bắc.
Có bao nhiêu con sông chảy qua thành phố Hà Nội?
Hiện có 9 con sông chảy qua Thủ đô gồm sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ, sông Tích và sông Tô Lịch. Trừ sông Tô Lịch nằm trong nội đô, 8 con sông còn lại đều chảy qua nhiều tỉnh, thành khác.
Hà Nội cũng là một thành phố đặc biệt nhiều đầm hồ, dấu vết còn lại của các dòng sông cổ
Trong khu vực nội thành, hồ Tây có diện tích lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong khung cảnh đô thị, ngày nay được bao quanh bởi nhiều khách sạn, biệt thự. Hồ Gươm nằm ở trung tâm lịch sử của thành phố, khu vực sầm uất nhất, luôn giữ một vị trí đặc biệt đối với Hà Nội.
Trong khu vực nội ô có thể kể tới những hồ khác như Trúc Bạch, Thiền Quang, Thủ Lệ...
Ngoài ra, còn nhiều đầm hồ lớn nằm trên địa phận Hà Nội như Kim Liên, Liên Đàm, Ngải Sơn - Đồng Mô, Suối Hai, Mèo Gù, Xuân Khanh, Tuy Lai, Quan Sơn.
Thành phố Hà Nội có bao nhiêu quận, huyện?
Theo đó, thành phố Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.
Cụ thể, 12 quận là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ.
17 huyện là Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.
Diện tích thành phố Hà Nội thế nào?
Với diện tích khoảng 3.359,6 km2 Hà Nội là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam, xếp sau lần lượt là TPHCM và thành phố Hải Phòng. Đồng thời Hà Nội đứng vào tốp 17 Thủ đô trên thế giới có diện tích rộng nhất vào năm 2008.
Theo Cổng TTĐT thành phố Hà Nội, thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3, số 15/2008/NQ-QH12, ngày 29 tháng 5 năm 2008 và Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội sau hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô bao gồm: thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình, nhờ đó diện tích của Hà Nội tăng lên đáng kể.
Link gốc: https://danviet.vn/6-dieu-thu-vi-ve-ha-noi-khong-phai-ai-cung-biet-20231212065340168.htm