Trước tình hình bệnh sởi lan rộng và bùng phát mạnh, Bộ trưởng Y tế vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi. Hiện bệnh sởi đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đến nay đã ghi nhận 56 tỉnh thành có các trường hợp mắc sởi. Theo các chuyên gia, phần lớn trẻ mắc sởi đều không được tiêm vắc xin đầy đủ.
Tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10 năm 2018, tính đến nay ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.
Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì chỉ đạo tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như:
Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp huy động lực lượng phối hợp với y tế địa phương thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng gồm tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch phòng chống dịch sởi cũng như kinh phí mua vắc xin tiêm phòng sởi cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài độ tuổi thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi...
Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày, sau đó có thể có các triệu chứng như: sốt cao trên 39°C, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng, chảy nước mắt, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.
Ban sởi mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ. Ngày thứ 2 mọc ở ngực lưng, cánh tay. Ngày thứ 3 mọc ở bụng, mông, đùi, chân. Khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.
Ts. Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích: “Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…