Đằng sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam là tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa của hàng triệu người dành cho Việt Nam, không kể màu da, tôn giáo ở các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên khắp năm châu, từ người dân lao động bình thường đến các nhà hoạt động chính trị, nghị sĩ, nghệ sĩ, trí thức, nhà báo... tạo nên mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam.
Đón tiếp chu đáo, đảm bảo an ninh
Ngày 13/1, 26 đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dự buổi giao lưu nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris, do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, bà Helen Luc, nguyên Thượng nghị sĩ, nguyên Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, vẫn xúc động khi nhớ lại những sự kiện diễn ra cách đây mấy thập kỷ. Bà kể, đoàn đàm phán Việt Nam tới Paris vào tháng 5/1968, lúc đầu dự định ở khách sạn Lutetia, nhưng lúc đó tiền phòng rất đắt. Vì thế, Đảng Cộng sản Pháp đứng ra thu xếp chỗ ở cho đoàn tại trường Đảng ở thành phố Choisy le Roi. Thị trưởng Choisy le Roi và Phó thị trưởng lúc đó là chồng bà Helen Luc trực tiếp đón đoàn Việt Nam và tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Bà Helen lúc đó đang là ủy viên của hội đồng thành phố và là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp tại Đảng bộ Choisy le Roi.
“Chúng tôi đã huy động nhiều tình nguyện viên để đoàn không thiếu gì về mặt vật chất và đặc biệt là để đảm bảo an ninh cho đoàn. Chúng tôi cũng sắp xếp phương tiện liên lạc để đoàn có thể trực tiếp điện đàm và gửi điện tín về Hà Nội. Trong quá trình đàm phán, việc liên lạc rất quan trọng. Các thiết bị liên lạc đó cũng đã bị tấn công nhiều lần bởi các kẻ thù của Việt Nam”, bà kể.
Chiều 13/1 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia tham dự các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris.
Vào thời gian đó, ở ngay trước tháp Eiffel đã diễn ra những cuộc tuần hành, diễu hành rất lớn, tập hợp những người ủng hộ Việt Nam, trong đó có rất đông sinh viên và cả các chính khách Pháp. Tướng Charles de Gaulle khi đó rất ủng hộ Việt Nam. Ban đầu, có ý kiến đề xuất nên chọn Vienna hoặc Geneva làm nơi đàm phán, nhưng Tướng de Gaulle nói rằng, đàm phán phải diễn ra ở Paris bởi vì sẽ có sự ủng hộ lớn hơn, bởi vì nhân dân Pháp từ lâu cũng đã ủng hộ đấu tranh cho hòa bình tại Việt Nam. Rất may, đàm phán đã diễn ra tại Paris và Tướng de Gaulle đã có chỉ thị để bố trí cho đoàn.
“Bà Bình (bà Nguyễn Thị Bình - một trong bốn người ký tên vào Hiệp định Paris) kể với tôi rằng, một hôm cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam treo trên xe của bà Bình bay mất khi đi trên đường cao tốc của Pháp. Thế là lái xe dừng lại ngay trên đường để đi tìm lại lá cờ. Dừng xe giữa đường cao tốc là việc rất nguy hiểm ở Pháp, nhưng với những người lái xe của Đảng Cộng sản Pháp, đó là một điều rất là quan trọng”, bà Helen kể.
Bà cho biết, ngày buồn nhất đối với bà là ngày nhận tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. “Tại Choisy le Roi, chúng tôi cũng đã kết hợp với đoàn đàm phán tổ chức truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi thấy rằng lúc đó rất khó có thể an ủi các thành viên đoàn đàm phán trước mất mát hết sức to lớn ấy”, bà nói.
Do điều kiện sức khoẻ không cho phép tham dự, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (96 tuổi) có thông điệp bằng video gửi đến các đại biểu quốc tế dự cuộc giao lưu. “Chúng tôi còn ghi nhớ những người bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt”, bà nói.
Phong trào rộng khắp
Ông Renato Darsie, đảng viên Đảng những người Cộng sản Ý, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Ý - Việt Nam vùng Veneto, là một trong những người lãnh đạo phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và Hiệp định Paris nói riêng. Ông đã tham gia tích cực phong trào đấu tranh chống chiến tranh ở Việt Nam và nhiều lần bị chính quyền buộc tội và đưa ra toà.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Darsie cho biết, thế hệ ông đến giờ vẫn tiếp tục kể lại, ôn lại thời kỳ hào hùng ở Ý và châu Âu trong giai đoạn đấu tranh ủng hộ Việt Nam. Ông cho biết, vùng Veneto có một quảng trường rất rộng, đó cũng là nơi ông và các đảng viên khác tập hợp hàng viện trợ cho Việt Nam, để sau đó có một chuyến tàu chở hàng đến Hải Phòng. Thành phố Venezia, thủ phủ vùng Veneto, là nơi có nhiều tàu lớn của nước ngoài ghé thăm. Vì thế, những người ủng hộ Việt Nam nghĩ ra cách dùng các tàu nhỏ cắm cờ Việt Nam để biểu tình trước khách quốc tế đi trên những con tàu lớn. “Khi thấy các tàu nhỏ cắt ngang, khách quốc tế không thấy bực bội mà còn thể hiện sự ủng hộ”, ông kể.
Về lý do hăng hái đấu tranh ủng hộ Việt Nam, ông Darsie cho biết, khi đó Việt Nam là nhân tố rất quan trọng, là yếu tố cách mạng để chống chủ nghĩa thực dân, kết nối các lực lượng ở châu Âu nhằm thay đổi thế giới. “Các dân tộc khác ở châu Âu có hoạt động tương tự, chúng tôi chia sẻ, kết nối để tạo ra thông điệp mạnh về thế giới hoà bình. Giai cấp công nhân ở châu Âu cũng muốn thoát khỏi sự chèn ép của giới chủ”, ông Darsie cho biết. Vì thế, khi Hiệp định Paris được ký vào ngày 27/1/1973, “chúng tôi tập trung trên quảng trường Venezia ngay đêm hôm đó để chúc mừng Việt Nam”, ông Darsie kể.
Ông Rabin Deb, đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ, thành viên Tổ chức đoàn kết nhân dân toàn Ấn, cho biết, từ năm 1968-1972 tại Ấn Độ đã có nhiều hoạt động, cuộc diễu hành quy mô lớn để ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. “Chúng tôi cho rằng, đó là những thời khắc không thể quên trong hành trình hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Tinh thần đó vẫn tiếp tục được lan toả”, ông Deb nói.