Ðánh B-52 từ mọi hướng
Theo Trung tướng Vũ Văn Kha, trong tình thế thất bại ở cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, bất chấp sự phản đối của dư luận trong nước và quốc tế, ngày 18/12/1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52, đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã tổ chức, bố trí lực lượng theo quan điểm “rộng khắp, tập trung, có trọng điểm”. Trong đó, lực lượng tên lửa và pháo cao xạ gồm Sư đoàn Phòng không 361 với hai trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn pháo cao xạ; lực lượng dân quân tự vệ phòng không gồm 226 đội, trang bị 741 khẩu pháo, súng máy phòng không các loại làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội. Cùng với đó là các lực lượng được bố trí tại Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái…
Lực lượng không quân có 4 trung đoàn tiêm kích triển khai chiến đấu ở các sân bay vòng trong, sẵn sàng cơ động ra sân bay vòng ngoài đánh B-52 và máy bay chiến thuật theo 5 hướng xung quanh Hà Nội. Bên cạnh đó, lực lượng rađa với một trung đoàn và một tiểu đoàn được bố trí hợp lý để bảo đảm cho tác chiến phòng không và dẫn đường cho không quân đánh địch ở khu vực Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ; 3 trung đoàn rađa khác hình thành thế bố trí ở tuyến trước, bảo đảm cho tác chiến phòng không trong khu vực và cảnh giới phát hiện B-52, báo động từ xa cho Hà Nội. Ngoài ra, Binh chủng rađa còn có 2 đại đội trinh sát nhiễu ở Quảng Bình và Nghệ An.
“Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Quân chủng PK-KQ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và nhân dân miền Bắc, hình thành các cụm lực lượng. Đặc biệt, thế trận đánh B-52 của tên lửa phòng không bảo vệ khu vực mục tiêu chủ yếu là Hà Nội được tạo lập trên cơ sở bố trí toàn bộ lực lượng tên lửa phòng không ở vòng trong, bảo đảm tập trung lực lượng đánh B-52 từ mọi hướng”, ông Kha nói.
Chiến thắng giòn giã
Cũng theo Trung tướng Vũ Văn Kha, trong hai đợt của chiến dịch này (đợt 1 từ ngày 18/12 và đợt hai từ ngày 26/12), tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt, tập trung đánh B-52 ban đêm. Không quân đánh tiêu diệt và cản phá B-52 từ xa, ngoài khu vực hỏa lực của tên lửa, phá vỡ đội hình chiến thuật của địch, buộc chúng phải bộc lộ lực lượng trong vùng nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi cho tên lửa tác chiến.
Bên cạnh đó, không quân hiệp đồng cùng pháo cao xạ đánh địch tại khu vực bảo vệ mục tiêu và tên lửa vào giữa các đợt đánh của B-52 và ban ngày. Lực lượng súng, pháo phòng không được bố trí rộng khắp; trong đó, pháo phòng không 100mm đặt ở các khu vực trọng điểm, tăng cường hỏa lực đánh B-52. Bộ đội rađa khắc phục nhiễu phát hiện địch từ xa và thông báo kịp thời cho các lực lượng phòng tránh và đánh địch, nhất là B-52. Phòng không địa phương, dân quân tự vệ được huy động để trinh sát, phát hiện, đánh mục tiêu bay thấp và vây bắt giặc lái.
Ngay từ trận đầu (18/12/1972), các lực lượng PK-KQ đã hiệp đồng chặt chẽ, bắn rơi 6 máy bay địch, trong đó có 3 chiếc B-52. Đặc biệt, đêm 20 rạng ngày 21/12, bộ đội tên lửa bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, bắn rơi 7 chiếc B-52 với 35 quả đạn, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Trước thất bại nặng nề, Mỹ buộc phải tạm ngừng hoạt động của lực lượng B-52 ở đảo Guam, sử dụng lực lượng ở Thái Lan để đánh phá nhỏ, duy trì chiến dịch tập kích ngoài khu vực Hà Nội, bảo đảm an toàn cho B-52, đồng thời tạo thế nghi binh chiến dịch, kéo tên lửa ta ra khỏi Hà Nội.
“Đêm 24/12, Trung đoàn 256 trang bị pháo 100mm của Quân khu Việt Bắc tại Thái Nguyên bắn rơi 1 máy bay B.52. Đây là chiếc B.52 đầu tiên bị cao xạ bắn rơi trong chiến dịch. Trong 7 ngày đêm giai đoạn 1, lực lượng PK-KQ cùng quân và dân miền Bắc đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo bắn rơi 52 máy bay địch, trong đó có 18 chiếc B-52”, ông Kha cho biết.
Trong đợt 2 chiến dịch, địch huy động hàng trăm lần máy bay B-52, có máy bay chiến thuật yểm trợ, tổ chức 7 mũi, cùng một lúc tiến công vào đánh phá 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Ngoài ra, Mỹ còn sử dụng các tốp máy bay chiến thuật đánh phá ác liệt vào các trận địa phòng không, sân bay. Tuy nhiên, các lực lượng của ta đã bắn rơi 29 máy bay các loại, trong đó có 16 chiếc B-52.
Bảo vệ đất nước trong tình hình mới
Nói về cách đánh sáng tạo dẫn tới chiến thắng trước “siêu pháo đài bay” - niềm tự hào số một của không quân Mỹ, Trung tướng Vũ Văn Kha cho biết: Tên lửa phòng không của ta thực hiện sơ tán, phân tán ngụy trang, giữ bí mật trong ban ngày, ban đêm lại triển khai chiến đấu, có khi ngay ở trận địa cũ nên tạo được yếu tố bất ngờ. Đồng thời tiến hành nghi binh rất hiệu quả, bằng cách “phóng tên lửa giả”, buộc địch phải cơ động, làm đội hình tiến công bị phá vỡ, giảm hiệu quả của nhiễu.
Bài học rút ra từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, người đứng đầu Quân chủng PK-KQ cho rằng, để giữ vững an ninh vùng trời trong tình hình mới, cần có nhiều giải pháp. Trong đó, cần nghiên cứu xây dựng các phương án phối hợp với các lực lượng phòng không ba thứ quân, phòng không với không quân, hải quân trong các loại hình tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; từ đó đề xuất ra các phương án tác chiến phù hợp.
Bên cạnh đó, mặc dù địch thường xuyên trinh sát liên tục các sân bay, nhưng ta luôn ngụy trang, giữ bí mật, cơ động máy bay từ nơi cất giấu đến sân bay, bảo đảm cho không quân ta xuất kích, tạo yếu tố bất ngờ đánh B-52. Lực lượng pháo phòng không bảo vệ tên lửa, sân bay và các mục tiêu trọng yếu của chiến dịch…
Đề cập tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ hiện nay, tác động trực tiếp đến các vũ khí, phương tiện tiến công hỏa lực đường không, Trung tướng Vũ Văn Kha nhận định: “Phương thức tiến hành chiến tranh nói chung, tiến công hỏa lực đường không nói riêng đã phát triển khác trước. Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, đã xuất hiện một số loại hình chiến tranh mới như: Phong tỏa đường không, thiết lập vùng cấm bay, chiến tranh ủy nhiệm, tác chiến không gian mạng”.