5 sự kiện khoa học lớn năm 2013

TPO – Sao Hỏa có sự sống, các thiên thạch "ghé thăm" Trái Đất, phát hiện hộp sọ của người cổ đại, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, là những sự kiện khoa học quan trọng trong năm 2013.

>Đột phá khoa học được mong đợi nhất năm 2014

2013 là năm thành công của nhiều lĩnh vực khoa học với nhiều phát hiện quan trọng, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức như cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu khoa học do ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế, ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu.

Hãy cùng nhìn lại những sự kiện quan trọng nhất của khoa học trong năm 2013.

1. Sao Hỏa từng có sự sống

Máy do thám Curiosity của NASA phát hiện nước có trong đất sét trên sao Hỏa.

Năm 2012, các nhà khoa học vũ trụ ăn mừng sự kiện máy do thám Curiosity của NASA hạ cánh trên sao Hỏa thành công. Đến năm 2013, Curiosity chứng tỏ vai trò như một nhà khoa học ngoài Trái Đất khi liên tục đưa về những thông tin quan trọng.

Trong suốt năm 2013, dựa trên các thông tin mà Curiosity gửi về, các nhà khoa học của NASA đã phát hiện ra đất sét trên sao hỏa từng là môi trường sống thuận lợi cho vi sinh vật. Đất sét này chứa khoảng 2% nước. Ngoài ra, Curiosity cũng cung cấp dữ liệu về các thành phần trong bầu khí quyển của sao Hỏa.

Khi thông tin sao Hỏa có dấu hiệu của sự sống tung ra, một công ty tên Mars One lập tức công bố kế hoạch đưa người lên sao Hỏa sinh sống vào năm 2025. Và đã có 200.000 người mơ về “ngôi nhà trên sao Hỏa” cùng công ty này.

2. Tàu vũ trụ Voyager 1 trở thành vật thể đầu tiên bay ra khỏi hệ Mặt Trời

Tàu vũ trụ Voyager 1.

Tàu vũ trụ Voyager 1 đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi trở thành vật thể đầu tiên bay ra khỏi hệ Mặt Trời. Tàu vũ trụ Voyagr đã tách khỏi hệ thống năng lượng, gió của hệ Mặt Trời và bay sang phần còn lại của dải thiên hà. Theo báo cáo trên tạp chí Science, tàu vụ trụ Voyager đã chính thức rời hệ Mặt Trời vào ngày 25/8/2012 nhưng đến tận cuối năm 2013, dữ liệu mới truyền về Trái Đất.

Cũng trong năm 2013, các nhà khoa học đã có được bức tranh toàn cảnh hơn, vén được nhiều bức màn bí ẩn về vũ trụ nhờ dữ liệu truyền về từ kính thiên văn của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Nhờ dữ liệu về ánh sáng còn sót lại sau vụ nổ Big Bang, các nhà khoa học tin rằng vũ trụ có tuổi thọ già hơn 100 triệu năm so với số liệu trước đó.

Trong năm 2013, kính thiên văn Kepler phát hiện thêm một hành tinh mới cách Trái Đất khoảng 1.200 năm ánh sáng.

3. Các ngôi sao quét qua Trái Đất

Tiểu hành tinh và chạm với bầu khí quyển Trái Đất tại Chelyabinsk, Nga.

Song song với việc gửi những cỗ máy đến các hành tinh khác, Trái Đất cũng liên tục được “các bạn phương xa” ghé thăm và không phải người bạn nào cũng viếng thăm “nhẹ nhàng và thân mật”.

Gần đây nhất, một tiểu hành tinh có chiều rộng gần 50 mét đã trở thành hành tinh đến gần bề mặt Trái Đất nhất trong lịch sử. Tiểu hành tinh này trượt khỏi quỹ đạo của Mặt Trăng vào ngày 15/2 và bị hút bởi trọng lực của Trái Đất từ khoảng cách 27.250 km.

Trước đó, một tiểu hành tinh rơi vào bầu khí quyển của Trái Đất, phát nổ ngay trên bầu trời thành phố Chelyabinsk của nước Nga. Hơn 1.500 người đã bị thương do áp lực lớn. Đó là chuyến viếng thăm “ồn ào” nhất của những người bạn phương xa đến Trái Đất kể từ vụ nổ Tunguska thuộc Siberia vào năm 1908.

Chương trình giám sát các vật thể bay gần Trái Đất của NASA luôn theo dõi các tiểu hành tinh bay qua Trái Đất hàng ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào NASA cũng theo dõi được tất cả các hành tinh bay gần Trái Đất và can thiệp kịp thời.

4. Vén dần bức màn của thế giới cổ đại

Hộp sọ của người Homo cổ đại.

Một phát hiện quan trọng của ngành khảo cổ và sinh học gần đây tại khu vực Dmanisi, Georga là hộp sọ hoàn chỉnh nhất từ trước tới giờ của người Homo cổ đại.

Phát hiện này đã gây ra cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học. Liệu rằng có sự tồn tại của một nhánh người Homo mới ngoài 4 nhánh phát hiện trước đó là Homo eragaster, Homo rudolfensis, Homo habilis và Homo erectus hay chỉ là một vài cá thể độc lập của nhành Homo erectus.

Các nhà khoa học đang tìm cách tái thiết cấu trúc DNA từ những hộp sọ này, cùng với những dữ liệu thu thập được trước đó để hoàn chỉnh DNA của người cổ đại. Đây sẽ là DNA lâu đời nhất về tổ tiên của loài người từ 400.000 năm trước.

Trong tương lai, chúng ta sẽ sớm thấy được thành quả của các nhà khoa học và có thể hình dung được quá trình tiến hóa của người cổ đại trong từng giai đoạn.

5. Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu – vấn đề không hề mới mẻ nhưng đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Biến đổi khí hậu – vấn đề không hề mới mẻ nhưng đang ngày càng trở nên cấp thiết. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở nhiều nơi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nông lâm nghiệp, hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Vào tháng 5 vừa rồi, tại Mauna Loa, Hawaii các nhà khoa học đã đo được nồng độ CO2 trong không khí đã đến 400 phần triệu – cao nhất trong 3 triệu năm trở lại đây.

Biến đổi khí hậu dẫn đến sự nóng lên toàn câu. Vào năm 2100, Trái Đất sẽ trở nên nóng hơn bao giờ hết. Các tảng băng đang dần biến mất, các song băng đang thu hẹp, biển băng tại Bắc Cực và tuyết bao phủ trên toàn cầu đang giảm dần. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, hơn 50% nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu là do con người gây ra

Trớ trêu thay, các nước phát triển thải ra lượng CO2 cao nhất nhưng những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu lại là các nước kém phát triển. Trận siêu bão vừa qua tại Philipines là minh chứng tàn khốc nhất cho tác hại của biến đổi khí hậu.

Hội nghị Liên hợp quốc gần đây đã đi đến cam kết cắt giảm lượng khí CO2 thải ra từ phía Mỹ và các nước châu Âu. Dù đã cam kết cắt giảm, lượng CO2 thải ra hàng năm trên toàn cầu vẫn ở mức 39 tỷ tấn. Đã đến lúc toàn nhân loại cần phải bắt tay, cùng quyết tâm ngăn chặn biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.

Phương Thảo
Theo CNN

Theo Viết