Mặc dù hiện nay, TTCP mới chỉ kết thúc một số đoàn thanh tra về thực hiện cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước (một trong 2 trọng tâm thanh tra của năm 2008), nhưng theo Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Sản, đã có thể nhận diện được 5 loại sai phạm chính:
Thứ nhất, việc xử lý tài chính trước cổ phần hóa có sai phạm ở 2 khía cạnh, kiểm kê tài sản không đúng thực tế (xếp vào loại tài sản không cần dùng khi bàn giao cho Cty mua bán tài sản, nhưng cổ phần hóa xong thì đưa vào sử dụng nguyên giá) và việc xác định công nợ phải thu, phải trả có vấn đề.
Thứ hai, việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động có sai phạm, như người chưa đủ điều kiện thời gian làm việc hoặc đã chuyển đi không có tên trong sổ lương, vẫn được mua cổ phần ưu đãi.
Thứ ba, việc định giá tài sản, vật kiến trúc theo suất đầu tư mới cũng như xác định giá trị còn lại của chúng không đúng quy định. Thứ tư, việc nộp tiền về quỹ hỗ trợ cổ phần hóa chậm do doanh nghiệp giữ lại để kinh doanh, sản xuất.
Cuối cùng, việc quản lý sử dụng quỹ sắp xếp cổ phần hóa tùy tiện, không mở tài khoản riêng, không xây dựng kế hoạch hàng năm. Tiền của quỹ này thường được Tổng Cty, Cty sử dụng cho đơn vị thành viên vay với lãi suất ưu đãi gây thiệt hại cho Nhà nước.
TTCP đã trình Thủ tướng kết luận về sai phạm trong cổ phần hóa tại Cty CP thiết bị giáo dục I (Bộ GD&ĐT). Đó là việc quản lý, sử dụng cửa hàng số 23 Tràng Tiền khi (Hà Nội) chưa được chủ sở hữu đồng ý, việc cho thuê cơ sở 82 Ngọc Khánh (Hà Nội). Tiền thu từ cổ phần hóa chưa nộp Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và hạch toán thiếu giá trị tài sản.
“Sau một số cuộc thanh tra về thực hiện cổ phần hóa, các cán bộ TTCP đang kiến nghị tổ chức thanh tra vấn đề này trên diện rộng trong thời gian tới, giống như cuộc thanh tra trên diện rộng về chấp hành quy định trong ngành thuế đang làm hiện nay” - Ông Sản cho biết.
30 vạn cán bộ, công chức kê khai tài sản: Chưa chính xác?
Đến nay, theo tập hợp của Thanh tra Chính phủ (TTCP), đã có hơn 30 vạn cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập. Đồng thời, có 15 bộ, ngành, cơ quan ở T.Ư và 5 địa phương báo cáo đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập.
Theo Cục Phòng, chống tham nhũng (thuộc TTCP), tổng số đối tượng cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập (theo quy định tại NĐ 37/CP) trên cả nước là 317.344 người.
“Tính đến nay, cả nước đã có tổng số 300.905 người kê khai tài sản, thu nhập. Có 15 bộ, ngành cơ quan ở Trung ương và 5 địa phương báo cáo hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập”.
Thanh tra Chính phủ đã công bố con số này trong cuộc họp báo chiều qua (29/8). Tuy nhiên, độ chính xác của con số thì còn phải xem xét.
“Hiện nay, các đơn vị chưa kê khai thì TTCP tiếp tục đốc thúc kê khai, nếu đơn vị nào chậm, thực hiện không đúng tiến độ thì TTCP báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng sẽ xử lý trách nhiệm những đơn vị đó theo thẩm quyền” - Cục phó Cục Phòng, chống tham nhũng Hoàng Thái Dương cho biết.
Tuy nhiên, về con số 30 vạn người đã kê khai tài sản, thu nhập, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Sản cho rằng, con số có được thông qua qua thống kê từ báo cáo của địa phương và bộ, ngành là chưa chính xác, bởi vì kiểm tra một số địa phương thì có sự trùng lắp khi báo cáo.
“Theo quy định, công chức của các ngành như công an, thuế, hải quan… phải kê khai tài sản, thu nhập được báo cáo theo ngành dọc, nhưng địa phương lại tính cả số này, cho nên số lượng lớn như thống kê là không chính xác” - Ông Sản nói.
Ông Sản cũng cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, mặc dù lúc đầu có chệch choạc, nhưng sau 2 - 3 năm sẽ đi vào quy củ và đó là căn cứ để các cơ quan quản lý xác minh khi cần thiết hoặc có khiếu nại, tố cáo.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc sau khi thống kê số bản kê khai tài sản, thu nhập, TTCP đã có đánh giá sơ bộ nào về mức độ tài sản hoặc chất lượng trong việc kê khai của cán bộ công chức nào hay chưa?, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Hoàng Thái Dương cho biết: “Hiện tại TTCP chưa đánh giá, nhưng sắp tới chắc phải làm”.
Ông Dương cũng cho hay, việc xác minh độ chính xác việc kê khai tài sản thì theo quy định chỉ khi nào có phát hiện khiếu nại tố cáo của người dân hoặc tổ chức thì mới xác minh xem việc kê khai có gian dối hay không (như trường hợp Viện trưởng Viện Kiểm sát Cà Mau chẳng hạn).
Gần đây, TTCP được giao thêm chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Chủ trương của TTCP là thực hiện thanh tra trách nhiệm về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương.
“TTCP đã tổ chức thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, tại tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Gia Lai và TP Hà Nội” - Ông Sản nói.
Theo TTCP, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 14 bộ, ngành và 43 tỉnh, thành, tháng 8 đã kết thúc 406 cuộc thanh tra qua đó, phát hiện sai phạm trên 93,4 tỷ đồng và 24.788 m2 đất.
Thanh tra các cấp đã kiến nghị thu hồi 76,4 tỷ đồng và 24.788 m2 đất, xử lý hành chính 62 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra xử lý 3 vụ (với 3 cá nhân).
Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Sản cũng cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên toàn quốc (chẳng hạn như thanh, kiểm tra giá thuốc, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm…) đã phát hiện hơn 50% đơn vị có sai phạm (1.473/2.886 đơn vị được kiểm tra) đã xử phạt hành chính gần 6,2 tỷ đồng.
TTCP còn cho biết, hiện tại, đã kết thúc 5 cuộc thanh tra tại 5 đơn vị gồm: Thanh tra tại dự án xây dựng nhà máy thủy điện Tuyên Quang; Thanh tra tại dự án khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương; Thanh tra việc thực hiện cổ phần hóa tại Tổng Cty Thiết bị điện Việt Nam; Việc thực hiện cổ phần hóa tại Tổng Cty Vinaconex; Việc cổ phần hóa ở Cty cổ phần Dược phẩm Trung ương I.