Ngày 26/5, Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt báo chí chia sẻ các thông tin liên quan đến tình hình cung ứng điện. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nhu cầu điện trong ngày nắng nóng tăng cao. Thông thường vào cuối mùa khô, mực nước các hồ thủy điện xuống thấp, công suất các nhà máy thủy điện giảm đi. Năm nay có đặc thù là các hồ thủy điện thấp, dòng chảy so với trung bình nhiều năm nhiều hồ chỉ được 20%, cá biệt có hồ thấp hơn. “Đánh giá chung trên cả nước là nước về rất thấp, chỉ dưới 50% so với trung bình nhiều năm”, ông An nói.
Theo ông An, qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải tăng tương đối nhẹ. Nhưng sang tháng 5, kế hoạch về sản lượng trung bình ngày là 808 triệu kWh/ngày. Nhưng đến hết 25/5, sản lượng đã lên đến 818 triệu/ngày, tăng 8%. Ngày 19/5, sản lượng tăng lên mức kỷ lục hơn 900 triệu kWh. Trong bối cảnh nền nhiệt độ cao, các hồ thủy điện nước về thấp, cung ứng điện cũng căng thẳng.
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tình hình cung ứng điện của Việt Nam hiện khá căng thẳng
"Năm nay cũng có thêm một số khó khăn về nguồn. Một số tổ máy công suất lớn sửa chữa kéo dài như tổ máy nhà máy BOT Nghi Sơn 2, Vũng Áng 1...Điều này làm cho tình hình cung ứng điện phức tạp hơn", ông An cho hay.
Thông tin về tình hình nhập khẩu điện của Việt Nam, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày. Sản lượng điện miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày trong khi tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp.
"Những nguồn này không hẳn thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên chính phủ. Việt Nam cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau", ông An nói.
Một trong những thông tin đáng chú ý là sản lượng điện tái tạo trong hệ thống. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, sản lượng điện tái tạo hiện mỗi ngày 100 triệu kWh, chiếm 1/9 sản lượng toàn hệ thống.
“Nếu có thêm các nguồn điện tái tạo chuyển tiếp vào chúng ta cũng hấp thụ được. Thời gian tới, nếu tỷ trọng điện tái tạo còn tăng, ngành điện phải có nhiều giải pháp kỹ thuật khác như thủy điện tích năng, pin lưu trữ… để phục vụ cho nguồn điện này”, ông An chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cách đây hai ngày đã gặp các nhà đầu tư và nghe đầy đủ các vướng mắc việc đàm phán giá các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp.
Đến nay, sau nhiều đôn đốc, 52 dự án với trên 3.000 MW chuyển hồ sơ đến EVN để xem xét đàm phán, vẫn còn 33 dự án chưa nộp hồ sơ. Trong nhóm này, không phải dự án nào cũng đã hoàn thiện đầu tư xây dựng.
Hiện có 39 dự án với công suất 2.363 MW đề xuất với EVN ký kết thỏa thuận giá tạm bằng 50% khung giá trần theo quy định. Đến nay, có 16 dự án đã hòa lưới để thí nghiệm các thông số.
"Còn 5 dự án hiện thỏa mãn các hồ sơ và đủ điều kiện phát điện lên lưới sau khi chốt thử nghiệm. Tổng công suất 5 dự án là 303MW. Trong vài ngày tới, 303MW này có thể vận hành thương mại được", ông An cho hay.
Theo đại diện EVN, 5 dự án năng lượng chuyển tiếp có thể vận hành thương mại và phát điện được ngay là: Nhà máy Nhơn Hội (giai đoạn 2), Tân Phú Đông 1, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 3, Trung Nam - Thuận Nam.
Cụ thể, các dự án này đã đủ điều kiện tuân thủ các quy định pháp luật đầu tư, xây dựng gồm: kiểm tra công tác nghiệm thu; giấy phép hoạt động điện lực, chủ trương đầu tư được gia hạn...
Đến ngày 26/5, EVN đã hoàn thành gia hạn thỏa thuận đấu nối cho tất cả các dự án, trong đó có một số dự án chưa có đường dây đấu nối, gồm: Hòa Thắng 1.2, Thiên Tân 1.4, Phong Điện 1 - Bình Thuận (giai đoạn 2). Có 51 dự án đã hoàn thành xây dựng một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện đã được thử nghiệm; 16 dự án với tổng công suất 1.019 MW đã hòa lưới lần đầu và được phê duyệt thử nghiệm.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ đạo EVN trước ngày 31/5 phải hoàn thành việc thí nghiệm, thử nghiệm đối với các nhà máy điện đã có đăng ký.