Theo Viện Nghiên cứu biển Na Uy, sợi cáp “mất tích” dài khoảng 4km, nặng khoảng 10 tấn, nằm sâu 200m dưới mực nước biển và cách đất liền khoảng 30km.
Sự biến mất bí ẩn của sợi cáp ngoài khơi quần đảo Vesteralen đã khiến các chuyên gia đặt ra nhiều giả thuyết, theo đài truyền hình quốc gia Na Uy NRK.
Giả thuyết đầu tiên là những người thả lưới có thể đã vô tình kéo sợi cáp đi nơi khác, vì khu vực ngoài khơi đảo Vesteralen thường xuyên có tàu đánh bắt cá. Dù các tàu cá có khả năng làm việc này, nhưng theo NRK, chủ tàu chắc chắn sẽ phát hiện điều bất thường nếu vô tình kéo theo một sợi cáp ngầm nặng 10 tấn.
Giả thuyết thứ hai là sợi cáp bị cuốn trôi bởi dòng hải lưu. Tuy nhiên, theo nhà hải dương học và chuyên gia về hải lưu của Viện Nghiên cứu biển Jon Albretsen, các dòng chảy ở New Zealand không đủ mạnh để xé đứt một sợi cáp. Ông cho rằng giả thuyết này khó có thể xảy ra.
Giả thuyết thứ ba là một loài động vật lớn - như cá voi - có thể đã làm đứt cáp. Những con cá voi lưng gù thường thích tụ tập ở khu vực này để săn cá trích.
Dù vậy, theo nhà nghiên cứu động vật có vú biển Tore Haug, cá voi - dài đến 15m - không đủ sức kéo theo sợi cáp dài như vậy, và có thể sẽ bị mắc kẹt.
Giả thuyết thứ tư cho rằng thủ phạm là một “quái vật biển nào đó, chẳng hạn như bạch tuộc hoặc mực khổng lồ”.
Bjørn Erik Axelsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về động vật nước sâu tại Viện Nghiên cứu biển, cho biết: "Có rất nhiều sinh vật lớn ở dưới biển sâu. Ngoài ra còn có những loài mực khổng lồ, thường chiến đấu với cá nhà táng.”
Cũng theo Axelsen, trong thời gian gần đây, đã có khoảng 20 vụ chạm trán với mực khổng lồ dọc theo bờ biển Na Uy.
Mực khổng lồ có thể dài tới 20 mét và có một cái miệng giống cái mỏ với những chiếc răng sắc nhọn. Axelsen thừa nhận mực khổng lồ có thể gây ra lực tác động lớn, nhưng chuyên gia này cho biết ông khả năng này khó xảy ra.
Cuối cùng, trong giả thuyết thứ năm, đài truyền hình NRK hướng sự nghi ngờ vào Nga.
“10 tấn cáp không thể tự nhiên biến mất. Có thể sợi cáp đã bị cắt đứt bởi các thiết bị tiên tiến”, giảng viên Học viện Hải quân Ståle Ulriksen gợi ý, đồng thời nhắc đến cuộc chạy đua của các siêu cường quốc ở vùng biển Bắc Cực. “Khu vực này có nhiều vấn đề về an ninh - chính trị - quân sự. Nên đó là một lời giải thích khả thi.”
Theo Ulriksen, Nga hiện có khoảng 20 tàu ngầm xung quanh vùng biển Na Uy. Ngoài ra, vùng biển phía Bắc Na Uy cũng thường xuyên được các tàu ngầm Mỹ, Anh, Pháp và Na Uy ghé thăm. Tàu ngầm thông thường được cho là không thể di chuyển các đoạn dây cáp lớn, nhưng một số loại tàu ngầm đặc biệt có thể làm việc này.