Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phương Hoàng Kim cho hay, từ nay đến năm 2020 cơ bản đáp ứng nhu cầu điện. Tuy nhiên, từ năm 2021 và các năm tiếp theo sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Cụ thể, mức thiếu năm 2021 khoảng 3,7 tỉ kWh và lên đến gần 10 tỉ kWh trong năm 2022. Đến năm 2023, mức thiếu hụt theo kịch bản cao nhất vào khoảng 12 tỉ kWh và sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ năm 2025 nếu như các dự án điện lớn được đưa vào hoàn thành đúng tiến độ.
Theo ông Kim, nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với các tính toán trước đây là do tiến độ các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, dự án nhiệt điện Kiên Giang 1 và2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thậm chí lùi sau năm 2030. Dự án ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025.
“Trường hợp dự án nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023. Tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024-2025 sẽ trầm trọng hơn…”, ông Kim nói.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trong số 62 dự án điện có công suất trên 200 MW đang được triển khai, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Một số dự án chậm một năm, còn lại chậm từ 3-4 năm.
Theo Thứ trưởng Vượng, hiện nay Chính phủ không bảo lãnh cho các dự án điện khiến nhiều nhà đầu tư không thu xếp được vốn. Việc không có chế tài xử lý với những chủ đầu tư nhà nước trong việc chậm tiến độ các dự án điện, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ.
Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định thời gian qua các cơ quan trực thuộc Bộ đang bị động và chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn. Theo ông Tuấn Anh, cần phải xem xét lại trách nhiệm của chủ đầu tư của dự án năng lượng bị chậm tiến độ.
“Ủy ban quản lý vốn là cơ quan chủ quản của các đơn vị nhưng chậm trong hàng loạt dự án nhưng đến nay không có cơ chế nào để xử lý. Và tại sao Ủy ban quản lý vốn vẫn ở ngoài Ủy ban chỉ đạo nhà nước về phát triển nguồn điện quốc gia. Ngoài ủy ban còn có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT nhưng vai trò và trách nhiệm của mỗi ngành trong việc xử lý các các vướng mắc thế nào”, ông Trần Tuấn Anh nói.