Theo đó, phía Đức thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo nghề theo chuẩn của nước này với 22 nghề, tại 66 lớp cho 45 trường cao đẳng nghề của Việt Nam.
Ông Klaus Michel, Tổng Giám đốc Tập đoàn đào tạo Avestos (Đức) đánh giá, qua khảo sát, kiểm định, về cơ bản 45 trường cao đẳng nghề tham gia đào tạo thí điểm đã chuẩn bị tốt. Kết quả kiểm định từ tháng 1/2019 đến nay cho thấy, hầu hết các trường đạt các tiêu chí kiểm định của Đức, đặc biệt về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Tuy nhiên, còn 4 trường cần tiếp tục cải thiện các điều kiện về trang thiết bị để đạt chuẩn của Đức.
TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, việc các trường đạt kết quả kiểm định theo chuẩn của Đức là khởi đầu tốt. Trên cơ sở đánh giá của các chuyên gia Đức, các trường được chọn đào tạo thí điểm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Việc đào tạo thí điểm theo 22 bộ chương trình nghề chuyển giao từ Đức là bước khởi đầu quan trọng trong xây dựng 1 đội ngũ người lao động theo tiêu chuẩn Đức và châu Âu. Vì vậy, ông Minh yêu cầu 45 trường được chọn cần tập trung chuẩn bị về giáo viên, cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động đào tạo có chất lượng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, đại diện HWK-Leizig và Tập đoàn đào tạo AVESTOS đã trao Giấy chứng nhận cho 41/45 trường đạt kiểm định của Đức đối với các nghề được chuyển giao.
Theo thông báo tuyển sinh trước đó của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, 22 nghề thí điểm chuyển giao từ Đức sẽ được tổ chức thành 66 lớp, tại 45 trường cao đẳng, với số lượng 1.056 sinh viên, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2019.
Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp 2 bằng, gồm Bằng tốt nghiệp CĐ của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp, và Bằng tốt nghiệp của Đức - tương đương trình độ Bậc 4 theo Khung trình độ Quốc gia Đức.
22 nghề đào tạo thí điểm thuộc các lĩnh vực như cơ khí, chế tạo, chế biến thủy sản, công nghiệp ô tô, điện, điện tử, mộc, hàn, công nghiệp tàu thủy, nấu ăn, khách sạn, thời trang...