Đó là vườn dưa của chàng trai sinh năm 1993 Nguyễn Mạnh Tùng ở Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội). Nhìn vườn dưa hiếm có mọi người vẫn tấm tắc khen đù đó là: "siêu nông dân giữa ruộng bê tông".
Tùng cho biết chỉ trồng dưa vì sở thích, nhưng vụ dưa năm ngoái là lần đầu tiên anh trồng, chưa có kinh nghiệm nên sản lượng dưa các loại sau thu hoạch chỉ được khoảng 250 kg. Năm nay, Tùng hy vọng lượng dưa thu hoạch được sẽ cao hơn.
Nói về kinh nghiệm trồng dưa trên sân thượng, Tùng bật mí: “Cũng không có gì khó lắm, chỉ cần tâm huyết và biết cách phòng trừ bệnh thôi là có thể trồng thành công”.
Vườn dưa 40m2 của Tùng trên sân thượng.
Theo Tùng, đầu tiên muốn cây tăng trưởng tốt, ít sâu bệnh, mọi người cần chuẩn bị đất thật sạch; phơi khô, đập vụn thêm ít vôi bột sau mỗi lần tái sử dụng. Muốn đất tơi xốp đất, mọi người nên xin ít xỉ than về đập vụn.
Bước hai, cần chú ý đến phân bón bởi với cây ăn quả, phân bón và lượng bón cho cây rất quan trọng. Mỗi loại dưa cần một lượng phân bón các khác nhau.
Đơn cử, với loại dưa thông thường, mỗi thùng xốp Tùng trộn theo tỷ lệ 1-2 kg phân gà ủ với 20-30kg đất (mọi người có thể dùng phân bò, phân trùn quế thay thế). Ngoài ra, mọi người cũng có thể lót lớp rau củ quả bỏ đi (cắt nhỏ) xuống dưới đáy thùng xốp.
“Dưa lê, dưa chuột có thể bón nhiều phân hơn để thu hoạch được nhiều. Năm ngoái, mỗi thùng mình trồng một cây dưa lê, bón khoảng 3-5kg phân/thùng, dưa cho thu hoạch đến 3 tháng liên tục”, Tùng nói.
Còn về kinh nghiệm trồng , chăm sóc, Tùng chia sẻ, các loại dưa đều ưa nắng nên có thể trồng trên sân thượng để cây phát triển tốt nhất. Khi dưa cho thu hoạch cũng cho quả ngọt nhất. Song, điều quan trọng là hàng ngày cần chú ý tưới nước đầy đủ cho dưa.
Với dưa chuột, cứ để cây phát triển bình thường, không cần phải bấm ngọn. Còn dưa lê, khi cây con được 5-7 lá thì bấm ngọn (chỉ bấm 1 tí ở đầu ngọn), sau vài ngày, dưa ra nhánh mới, mỗi nhánh mới được 5-7 lá lại bấm ngọn tiếp. Làm như thế, dưa sẽ cực kỳ sai quả, Tùng tiết lộ.
Còn với dưa lưới, cần tập trung nuôi thân chính, có nhánh phụ thì bấm bỏ. Muốn dưa cho quả, cần để từ kẽ lá thứ 12 trở lên. Khi đậu quả, cây cao tầm 1,5-1,8m thì bấm ngọn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Tương tự, với dưa hấu, khi cây con có 5 lá thì tiến hành bấm một lần duy nhất. Nuôi 2 nhánh, mỗi nhánh để 1 quả.
Tùng cho biết, đa phần các loại dưa đều bắt đầu ra hoa vào khoảng 3-4 tuần sau khi trồng. Vào thời điểm này, cần chú ý thụ phấn cho dưa theo cách: lấy nhị bông hoa đực chấm nhẹ vào bông hoa cái (hoa cái có hình dạng quả), sau vài ngày quan sát thấy phần quả của hoa cái phình to tức là công đoạn thụ phấn đã thành công.
Thời gian từ lúc dưa chuột đậu quả đến lúc thu hoạch là 7-10 ngày, dưa lê 15-20 ngày, dưa lưới 30-35 ngày, dưa hấu 45-50 ngày.
Tùng cho biết, năm nay, anh đã ươm hạt trồng vụ mới. Vụ năm ngoái, dù chỉ trồng từ tháng 4 đến tháng 11 nhưng lượng dưa thu hoạch cả nhà ăn thoải mái. Đặc biệt, vào những ngày lễ Tết, gia đình anh không phải mua hoa quả bao giờ.
Dưới đây là hình ảnh vườn dưa trĩu quả của chàng trai 9X Nguyễn Mạnh Tùng:
Tùng có khoảng 50 chiếc thùng xốp để trồng dưa.
Cây phát triển đến một mức nhất định thì Tùng bấm ngọn để cây ra hoa và tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả.
Anh tiến hành thụ phấn cho dưa để cây đậu quả đạt tỷ lệ tốt nhất.
Nhờ vào sự chăm chỉ và khéo léo, Tùng đã trồng thành công khá nhiều loại dưa.
Các loại dưa trồng trên sân thượng của Tùng đều sai trĩu quả.
Các loại dưa Tùng thua hoạch hàng ngày.
Quả dưa lê của Tùng trồng có trọng lượng lên đến 0,5kg.
Gia đình Tùng được ăn dưa sạch thoải mái trong năm qua.
Từng tiết lộ, năm ngoái vườn dưa cho thu hoạch khoảng 250kg dưa.
Năm nay Tùng đã tiến hành ươm hạt để trồng tiếp vụ dưa mới.