“3B” - Từ “Ma làng” đến “Gió làng...”

TP - Sau vai Hòa hâm trong “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, giành giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong LHP Việt Nam lần thứ 13, Bùi Bài Bình “lặn” một hơi dài.
Tòng (trong phim “Ma làng”)

Suốt bốn năm “mất tích”, bất ngờ 3B (tên gọi thân mật của anh) trở lại đầy ấn tượng trên màn ảnh nhỏ với những vai diễn không dán mác 3B - Bùi Bài Bình nữa: tạm biệt kiểu nhân vật hiền lành, tử tế, lơ ngơ, 3B hóa thân thành “Ma” và “Quỷ” khuynh đảo vùng quê nghèo.

Từ “Ma làng” đến “Gió làng Kình” anh đã làm một cuộc “lột xác” khó tin, ở cái tuổi không còn trẻ...

“Ma”, “Gió…” và những chuyện ít nhiều đụng chạm

Cùng đạo diễn, cùng đề tài, khi nhận vai Khuyếnh trong “Gió làng Kình”, anh có sợ lặp lại “Ma làng”?

“Gió làng Kình” phát được mấy tập rồi, khán giả xem nhiều và người ta cứ lấy “Ma làng” ra làm tiêu chí. Nói thật, kịch bản của “Gió làng Kình” không cuốn hút tôi bằng “Ma làng”.

Ở “Ma làng” tình tiết câu chuyện chặt hơn, vai diễn của tôi ở mỗi tập đều có sự chuyển đổi. Tôi thích những nhân vật có xuất xứ, có sức sống, có va chạm và có thay đổi: từ tốt sang xấu, từ xấu sang tốt... Nhưng tôi nghĩ Khuyếnh trong “Gió làng Kình” khác Tòng trong “Ma làng” nhiều lắm, dù rằng 2 bộ phim đều của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, đều khai thác đề tài nông thôn.

Tòng trong “Ma làng” là con người ít học, sống ở vùng quê cằn cỗi. Anh ta đểu cáng, gian manh thì cũng là cái đểu cáng, gian manh của kẻ ít học, có thể tha thứ được. Còn Khuyếnh, cái xấu lại nảy sinh ở người có học tử tế, thế mới đáng ngại.

Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vốn sống nông thôn anh lấy từ đâu?

Tôi đi làm phim suốt từ năm 74 đến giờ. Vốn sống được nhặt nhạnh từ các miền quê; nhưng cái xấu, cái tốt hiện hữu khắp nơi, cần gì đi đâu tìm?

Quán cà phê của gia đình có cho anh thêm vốn sống?

Tôi thu nạp vốn sống từ mọi ngõ ngách, thí dụ từ một bữa ăn nhậu chẳng hạn, có người chỉ ăn, có người không ăn chỉ nói chuyện thôi. Những hình ảnh đó mình ghi nhận hết, sắp xếp nó vào những ngăn kéo, khi cần đóng thằng tốt thì mình lôi ngăn kéo này, khi muốn đóng thằng xấu thì lôi ngăn kéo kia. Nhặt nhạnh cả đời chứ không phải một lúc mà có được.

Cái nhếch mép của Tòng trong “Ma làng” anh học có khó không?

Diễn viên như con khỉ ấy, bắt chước giỏi. Nhưng khi bắt chước phải thành của mình, không phải bê nguyên xi vào.

Sau “Gió làng Kình” Bùi Bài Bình có tiếp tục thủy chung với phim nông thôn?

Tôi không quan niệm nông thôn hay thành thị mà vai nào thích thì tôi đóng, vai nào không thích hoặc thích ít thì mình cố gắng xốc nó lên, bù đắp cho nó dày dặn vào.

Qua những phim về đề tài nông thôn anh đã tham gia: “Hương đất”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”... anh có thấy nông thôn bề bộn nhiều vấn đề không và những vấn đề nào đạo diễn chưa chạm tới? Đặt mình vào vị trí đạo diễn anh sẽ làm gì?

Rất nhiều. Đạo diễn chỉ khai thác ở một vài khía cạnh. Tôi đi nhiều nơi đa số người nông dân chất phác, quí người nhưng những loại như trong “Ma làng”, “Gió làng Kình” không thiếu, tuy không phải đa số.

Nếu được phép làm về nông thôn, tôi nghĩ nhiều cái lớn lắm. Ví dụ ở “Gió làng Kình”, đáng ra nhân vật Khuyếnh, có lai lịch rõ ràng, nhưng trong phim chỉ nhắc qua thôi, có lẽ ngại đụng chạm (cười). Nếu lai lịch rõ ràng thì nhân vật sẽ sống hơn.

Ngày xưa làm “Mùa ổi” cũng thế, đụng đến vấn đề rất nhạy cảm nhưng chẳng hiểu vì sao ngày ấy phim vẫn ra được, ở thời điểm bây giờ thì chưa chắc…

Anh có hay đấu tranh với các đạo diễn?

Đấu tranh thì không, nhưng trao đổi lại thì nhiều.

Đề tài nông thôn cũng như đề tài chiến tranh, khai thác mãi cũng không cạn, anh nghĩ sao?

Đúng thế. Nhưng phải làm những nhân vật lớn hơn nữa chứ không phải ông trưởng thôn hay chủ tịch xã. Bây giờ làm phim rất khó, mấy anh biên tập bảo cái gì cũng đụng chạm, nhiều người cứ hay động lòng.

Vai diễn của Bùi Bài Bình đã bị anh trưởng thôn hay chủ tịch xã nào động lòng chưa?

Hôm tôi đi dự Liên hoan phim ở Nam Định có đến giáo xứ để giao lưu với bà con xứ đạo, ông chủ tịch xã Xuân Trường, túm tôi nói gay gắt: Ông ơi, chúng tôi ở đây tốt đẹp thế này, có thế đâu mà ông lại đóng như thế? Tôi bảo ông ấy là: Ở đây các anh không có, xứ đạo sống tốt đời, đẹp đạo nhưng ở nhiều vùng khác không thiếu những nhân vật như thế.

Sau này, tôi với ông chủ tịch xã ấy chơi với nhau rất thân. Thỉnh thoảng ông ấy vẫn gọi điện. Mỗi lần ông ấy lên Hà Nội chúng tôi lại gặp nhau. Hôm vừa rồi, xem “Gió làng Kình”, ông ấy gọi điện trêu: “Ông lại là ông trưởng thôn vớ vẩn”.

Anh từng “bật mí”:  Khi đóng “Gió làng Kình” anh ốm vì một cảnh quay?

Đó là cảnh quay cuối cùng, khi Khuyếnh không còn đất sống nữa, đổ vỡ hết, bao nhiêu tiền nong, của nả vơ vét trong mấy năm làm trưởng thôn đều cho cháu, bỏ làng ra đi ê chề, nhục nhã.

Anh từng nói rằng: Đóng vai lưu manh, gian ác không khó bởi trong ai cũng tiềm ẩn nét tính cách này. Song khi được giao vai Tòng trong “Ma làng” anh lại không khỏi đắn đo trước cuộc “lột xác”?

Hồi tôi làm “Đời người và những chuyến đi”, lâu rồi, con ông Phần (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần-PV) làm đạo diễn phim ấy. Ông Phần đi chơi với đoàn làm phim, mang kịch bản theo để viết. Tôi đọc thấy hay hay, nói chơi: “Cho em làm nhé”. Tưởng đùa nhưng 6 tháng sau ông ấy hoàn thành kịch bản đưa cho tôi.

Đọc xong kịch bản 19 tập, tôi thấy sợ, từ một truyện ngắn như thế, ông ấy viết ra gần 20 tập. Tôi hỏi: “Sao anh lại nghĩ em đóng được?”. Ông trả lời: “Tao có ý định ấy từ phim mía đường (“Đời người và những chuyến đi”-PV), tao bảo thằng con tao, vai phó giám đốc chọc ngoáy đểu giả phải giao cho mày, còn vai giám đốc tử tế giao cho Hồng Sơn mới đúng. Phim này mày thử đi, mày làm được”.

Mọi người không tin cứ bảo: “Ông Bình không đóng được kiểu vai ấy. Ông chỉ đóng vai tử tế thôi”. Nhưng được lời động viên của Nguyễn Hữu Phần làm tôi phấn khích lắm, thêm nữa đó cũng là vai mình thích.

Nếu không có đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, có lẽ mãi mãi người ta chỉ nghĩ đến anh diễn viên 3B đóng khung trong những vai tử tế. Anh đã bao giờ nghĩ rằng mình phải làm mới mình chưa, trước khi ông Phần đặt vấn đề?

Tôi từng vào vai phản diện rồi. Trong phim “Dòng sông vàng” tập hợp rất đông diễn viên điện ảnh khóa II: Ngọc Thu, Thanh Quý, Minh Châu...

Đầu tiên đạo diễn bảo tôi đóng vai công an nhưng tôi không thích. Về sau, tôi vào vai phó tướng cướp, tuy vai diễn ngắn nhưng tôi thích. Anh Thuỵ Kha viết trong “Kỷ yếu điện ảnh”, có đề cho tôi mấy chữ, đại ý: Bùi Bài Bình vào vai phản diện bằng cái tâm chính diện, tôi rất tâm đắc.

“Nhiều diễn viên trẻ ít đam mê, lại lười nghiên cứu”

Thuộc lớp diễn viên gạo cội, anh nghĩ gì về thế hệ đàn em hiện nay?

Diễn viên trẻ hiện nay tôi thích Vi Cầm, đóng hay. Tôi cho rằng lớp trẻ bây giờ trách cũng được nhưng cũng oan. Vì năm nào cũng đào tạo lớp diễn viên. Mỗi năm trường sân khấu điện ảnh cho ra một loạt, nhưng diễn viên không có nơi để rèn luyện. Nghĩa là trường chỉ cho anh cái nghề, còn anh tự kiếm sống.

Bọn tôi ngày xưa tuy khổ sở nhưng ra trường có nơi nhận. Giờ đoàn kịch có lấy ai đâu, một lớp 20 người thì lấy một, hai người là giỏi, còn những đứa kia làm gì, nó bơ vơ, tự thân vận động, ý chí kém đi. Nên mình trách thì cũng trách mà thương thì cũng thương.

Hạn chế của lớp diễn viên trẻ bây giờ là gì, theo anh?

Tôi có cảm giác nhiều diễn viên trẻ thời nay ít đam mê, lại lười nghiên cứu. Đóng vai nào thì cũng phải đọc kịch bản vài lần, hình dung xem cái vai đó kiểu gì, ăn mặc thế nào, đầu tóc ra sao, cái đó diễn viên phải nghĩ ra. Vừa rồi tôi đi làm trợ lý thư ký cho một bộ phim truyền hình, có 6 nhân vật chính thì hầu như tôi phải nhắc lời cho 4 người.

Khi đó anh nghĩ gì?

Tôi chán. Đạo diễn bảo: Sao anh chiều chúng nó thế, để chúng nó học. Nhưng phim truyền hình tốc độ quay như ăn cướp, chờ học lời có mà đến tết! Lời không thuộc, làm sao nghĩ được cách diễn.

Lại còn chuyện này. Khi chưa có chỗ đứng thì lê từ đoàn làm phim này sang đoàn làm phim kia, tìm vai. Nhưng khi có một chút tiếng tăm thì họ còn “sao” hơn cả “sao”…

Làm phim với các “anh chị” ấy sợ lắm. Hợp đồng ký kết rồi mà thỉnh thoảng họ “giở chứng” lại xin em nghỉ 1 tuần, cháu nghỉ 1 tuần...

Anh có bao giờ so sánh anh với các diễn viên cùng khóa không?

Tôi là người may mắn. Vào trường cuối năm 73 thì năm 74 đã được đi đóng phim rồi, phim hài “Kén rể” của cụ Phạm Văn Khoa. Từ ngày về Hãng phim truyện (năm 77) thì hầu như năm nào tôi cũng có vai, vai chính nữa.

Rất nhiều đồng nghiệp cùng lứa với anh đã trở thành đạo diễn. Còn anh?

Ở tuổi tôi bây giờ phải đi học, thì ngại. Thêm nữa, trong khung cảnh làm phim như bây giờ tiền nong eo hẹp, kịch bản ít, năm thì mười họa có một kịch bản hay, làm đạo diễn phải quán xuyến tất...

Thôi, tốt nhất là làm diễn viên. Đôi khi tôi cũng ham hố lắm. Nhiều khi xem bộ phim thấy dở hơi, mình khó chịu, ngứa ngáy, nhưng mình làm thì chắc cũng thế thôi. (cười)

Nếu ai đó bảo: Dạo này Bùi Bài Bình đi đâu mà không thấy đóng phim, anh có buồn không?

Đương nhiên.

“Riêng khoản kinh tế, tôi đơn giản lắm”

Khuyếnh (trong phim “Gió làng Kình”)

Những vai diễn ấn tượng của anh?

“Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh” là phim tôi rất thích. Tôi vào vai anh bộ đội đi chiến trường bị thua nhưng bằng tình yêu với người bạn gái, bằng tình cảm với người mẹ, anh đã sống sót trở về.

Hồi đó phim bị phê phán lắm. “Những con đường”, tôi đóng vai sinh viên. Trong “Anh và em”, tôi đóng vai một trí thức suy nghĩ thiển cận, chăm chăm đi nước ngoài buôn bán. Bẵng đi một thời gian thì đến “Mùa ổi”, sau đó là “Ma làng”, “Gió làng Kình”...

Bạn diễn ăn ý của anh?

Diễn viên nam, tôi thích diễn cùng Hồng Sơn. Còn diễn viên nữ, tôi thích đóng cặp với Lan Hương (Hương bông), cô ấy rất có trách nhiệm, tôi trân trọng.

Hương từng vào vai vợ tôi trong “Đời người và những chuyến đi”, đóng người yêu tôi trong “Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh”. Tôi cũng hợp với Lê Vân, từng đóng với Vân trong “Những con đường”.

Anh đã bao giờ diễn với “bà xã” Ngọc Thu chưa?

Có chứ. Đó cũng là một phim truyền hình tôi  thích, dài 2 tập của đạo diễn Trịnh Lê Văn, tên phim là “Chuyện vặt gia đình”, nói về mấy ông ở nhà cơm nước, giặt quần áo, để mấy bà vợ đi làm cho công ty nước ngoài. Trong phim chúng tôi cũng sắm vai vợ chồng như ngoài đời.

Vợ chồng trên phim và vợ chồng ngoài đời có khác nhau nhiều không?

Trên phim thì đẹp, ngoài đời nhiều va chạm.

Nhưng giữ được gia đình ổn định cho tới tận bây giờ anh cũng phải có bí quyết gì chứ?

Tôi lập gia đình được 30 năm rồi. Thằng lớn cũng đã 27 và tôi chẳng có bí quyết gì.

Có khi nào con thuyền của anh gặp sóng to chưa hay lúc nào cũng bình bình?

Nhiều chứ. Chơi với người bạn ngày gặp nhau một, hai lần cũng có khi gặp chuyện khó chịu, huống hồ là người sống với mình mấy chục năm.

“Bà xã” khó chịu với anh ở điểm gì?

Tôi mải chơi, bà ấy không thích. Thí dụ tôi đi ra ngoài, bà ấy hỏi: đi đâu? Thực ra tôi cũng chẳng biết đi đâu, ra ngoài kia gặp em, em mời cà phê, gặp ông nào đó lại rủ uống bia, không ai rủ mình thì mình rủ người ta.

Vợ chồng nào sống với nhau 20, 30 năm mà vẫn quấn quýt thì... không có. Tôi xem chương trình “Người cao tuổi” phỏng vấn ông thì ông bảo: Bây giờ tôi còn yêu bà hơn ngày xưa, tôi thấy thật là sai lệch. (Cười)

Anh có “tô đen” không đấy?

Có thể 100 đôi thì cũng có vài đôi mãn nguyện. Tôi hoàn toàn không tô đen. Cuộc sống bây giờ nhiều thứ không lý giải được. Năm nay tôi cũng ngoài 50 rồi mà nhiều việc vẫn không hiểu nổi.

Mái tóc để dài của anh cũng là một điều khó lý giải?

Để tóc thì đơn giản thôi, đó là ý thích của mình, không ảnh hưởng gì đến ai, không làm ai khó chịu, chỉ vơi đi chút cảm tình với mình.

Còn người ngoài thì nhận xét thế nào?

10 người thì 9 người chê xấu (cười). Nhưng kệ.

Có người không muốn lấy vợ cùng nghề. Anh lại lấy vợ cùng nghề, cùng tuổi, cùng lớp?

Vợ chồng Bùi Bài Bình - Ngọc Thu

Tôi thuộc loại ngang ngược, thích làm theo ý mình, cũng khó chiều, may là bà ấy cùng tuổi nên cũng chiều và nể. Bản thân bà ấy là người diễn rất được nhưng không có nhiều vai hợp thôi.

Chúng tôi sinh con đầu lòng năm 1982, hơn chục năm rảnh để bà ấy làm gì thì làm, nhưng có vai mấy đâu. “Bà xã” của tôi chỉ hợp với những vai cá tính như “Mẹ vắng nhà” hay bà góa bụa trong “Bức tường không xây”.

Con trai của anh chị có định nối nghiệp cha mẹ?

Thằng lớn bây giờ đi làm rồi, ngành ngân hàng. Còn thằng bé đang đi học. Nhà nào chẳng muốn con theo nghiệp.

Theo nghiệp diễn thì khổ, anh không lo sao?

Tôi không quan tâm tới việc khổ hay sướng. Quan trọng là ý thích của chúng nó. Cũng như tôi đây này. Nhà mấy đời có ai làm nghệ thuật đâu, lại mọc ra tôi?

Nghe nói trong 4 năm “mất tích” trên màn ảnh, anh làm quản lý khách sạn?

Hồi đó có anh bạn xây xong được cái nhà 10 tầng thì lại phải ra nước ngoài làm ăn. Anh ấy nhờ tôi trông hộ vài năm.

Bùi Bài Bình có duyên với kinh doanh không?

Kinh doanh thì phải tính toán, chính xác. Mấy ông văn nghệ sỹ thì không kinh doanh lớn được. Loanh quanh thì cũng chỉ đến quán cà phê, mở hàng ăn.

Quán cà phê của gia đình anh không có tên?

Tôi không đặt. Ngày xưa nhà tôi bán cà phê ở Tô Hiến Thành, từ năm 90, đặt tên là “Cà phê Thu”, bà ấy đứng tên 10 năm rồi, bây giờ đến lượt tôi, đáng ra là “cà phê Bình” nhưng tôi không thích, vì tôi đâu có bán, bà ấy trông là chính. Nếu để là “Cà phê Bình” mà không bán thì người ta bảo là bán tên.

Nếu không làm diễn viên thì anh sẽ chọn nghề gì?

Từ bé tôi đã mê làm diễn viên, ca sỹ. Thậm chí đêm ngủ cũng mơ được đóng phim. Rồi một hôm có đoàn làm phim đi qua nhà, tôi nhìn thấy diễn viên đã mê, thấy họ sang trọng lắm. Mình cứ mơ thế thôi.

Hồi đó tôi đã học nghề rồi, nghề cơ khí sửa chữa ô tô, nhưng thấy mấy người bạn vào trường Điện ảnh thi tuyển, tôi bèn đi theo, thử xem thế nào. Thật ra thì hồi ấy tôi không đỗ, Ngọc Thu, Phương Thanh, Đặng Việt Bảo, Đăng Khoa... cũng thế.

Đầu tiên trường lấy mười mấy người, rồi sau một số không học được rơi rớt, mấy tháng sau lấy thêm đợt 2, mới có tên chúng tôi. Ngay cả khi trượt tôi vẫn nghĩ thế nào mình cũng được vào trường. Và cuối năm 73 giấc mơ của tôi đã thành hiện thực.

Tình yêu điện ảnh của anh có thuyên giảm chút nào trước thời buổi cơ chế thị trường?

Riêng kinh tế tôi đơn giản lắm. Có người bảo “cát-xê” ngần ấy tiền mà cũng đi. Tính tôi thế, đã đi làm thì không kêu mà đã kêu thì không đi.

Vậy kinh tế gia đình anh do ai gánh?

May có quán hàng này, cơm áo gạo tiền chủ yếu do “bà xã” bán hàng và lo lắng. Ngày xưa chật vật lắm, thằng lớn còn nhỏ, năm 97 đẻ thêm thằng nữa, rất khó khăn, hầu như chỉ một mình bà ấy bươn chải và kiếm miếng ăn hàng ngày.

Và tôi cũng chỉ tham vọng thế thôi, miễn là con được học hành tử tế, nó không đói khổ quá so với xã hội. Cho nó cái chữ thành người mới là điều khó. Còn bản thân tôi, đi làm phim được bao nhiêu tiền thì tiêu bấy nhiêu, có thì tiêu, không thì thôi.

Hãy thật khách quan, trong đời sống riêng anh cũng gặp may đấy chứ?

Chuyện vợ chồng là do duyên số. Ngày xưa tôi thích cô tóc dài, mặt hiền như đức mẹ. Đó là mơ ước thôi. Cuối cùng lại lấy cô tóc ngắn, mặt không trái xoan. Nhưng ngẫm kỹ, thế lại là may.