35 năm lái xe an toàn

TP - Mặc dù đã nghỉ hưu gần chục năm nay nhưng ông Dương Đức Thịnh - Cựu chiến binh xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn nhớ như in về cuộc đời binh nghiệp - lái xe của mình, với 35 năm an toàn tuyệt đối, trong đó có hơn 10 năm đi trên “Tuyến lửa” - Đường Trường Sơn.

Tháng 12/1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc Dương Đức Thịnh đã tình nguyện nhập ngũ. Sau đợt huấn luyện tân binh Dương được điều về một đơn vị tên lửa.

Lúc này trung đội của Dương chỉ có một lái xe duy nhất, nên thủ trưởng đơn vị đã chỉ đạo chọn vài người có sức khỏe tốt cho học lái xe cấp tốc, đề phòng bất trắc xảy ra, còn có người để thay thế. Dương là một trong những người được lựa chọn.

Sau hai tháng theo học Dương đã nắm được những kiến thức, thao tác cơ bản. Tháng 6/1970, do yêu cầu nhiệm vụ Dương được cử đi theo phụ xe tải chuyên chở vũ khí trang bị, đạn dược, thuốc men và bộ đội vào chiến trường miền Nam. Nhiều lúc lái chính mệt Dương lái thay thế. Từ tháng 12/1970, Dương được tin tưởng giao xe cầm lái chính.

Con đường Trường Sơn huyền thoại ngày ấy ngoằn ngoèo, hầm hố do bom mìn đánh phá, mỗi một lần đi là một lần san lấp, kê ván, bắc cầu. Vì thế mới có câu “xe chưa qua, nhà không tiếc” để ca ngợi những người dân trên tuyến đường Trường Sơn lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ, hy sinh vì Tổ quốc.

Bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: Báo Tiền phong-15 Hồ Xuân Hương-Hà Nội,  hoặc Email: hotline@baotienphong.com.vn; atgiaothong@gmail.com .

Nội dung cuộc thi được đăng tải trên www.tienphongonline.com.vn

Nhiều đoạn đường ngập nước, TNXP phải chỉ dẫn cắm cọc tiêu hai bên, vừa đi vừa mò từng mét một. Đặc biệt là xe chỉ được chạy vào ban đêm, lại không được dùng đèn pha, chỉ đi đèn gầm, vì sợ lộ.

Vì vậy đòi hỏi người lái xe phải tập trung cao độ, nếu sơ sểnh  hậu quả sẽ khôn lường. Dù vậy những ngày đi dưới “mưa bom, bão đạn”, lái xe Dương vẫn an toàn.

Năm 1980, ông Dương được điều động đi phục vụ chiến đấu ở biên giới Hà Giang. Lại là những cung đường uốn lượn, bên là vực, bên là núi chỉ lơ là một chút là lật xe ngay.

Nhưng với bản lĩnh và ý chí kiên cường đã được tôi luyện, tài xế Dương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Yêu xe như con, quý xăng như máu”.

Năm 2000, ông về nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá, thấy cậu con trai út mới mua xe ô tô, tuy đã có bằng lái, nhưng tuổi còn trẻ ông không yên tâm nên tiếp tục theo xe kèm cặp con. Năm 2005, khi con trai chững chạc, vững tay nghề ông mới quyết định nghỉ ngơi.

Kinh nghiệm của “xế” Dương

Sau 35 năm cầm lái, nay nghỉ rồi ông mới “thở phào” nhẹ nhõm, vì thực tế không ai “nói mạnh” được chuyện xe cộ cả. Nhưng theo “xế” Dương, cái chính là yếu tố con người quyết định.

“Chúng ta nên hiểu lái xe là một nghề chân chính được đi nhiều, biết lắm, những cũng là nghề nguy hiểm nhất. Vì thế trước khi học nghề lái xe, phải học, rèn luyện đức tính cẩn thận, ông Dương tâm sự.

Trước mỗi chuyến đi lái xe phải kiểm tra kỹ các hệ thống, thiết bị an toàn của xe như: phanh, đèn, còi, săm lốp… nếu không bảo đảm an toàn kiên quyết không cho xe chạy”. Ngoài ra, theo ông Dương, yếu tố sức khỏe và tâm lý của người lái xe cũng rất quan trọng.

Nếu cảm thấy quá mệt mỏi hoặc bức xúc việc gì đó thì nên nghỉ ngơi giải tỏa song rồi hãy cầm lái. Đặc biệt là phải kiêng tuyệt đối rượu, bia vì khi căng thẳng mệt mỏi hoặc có chất kích thích, lái xe xử trí không thể chuẩn xác.