300 giáo viên Thanh Oai sắp mất việc: Cần lời giải thích rõ ràng

TPO - “Họ cần thì họ kí, còn giờ thừa thì đuổi là làm sao?”- đó là câu hỏi của một giáo viên ở Huyện  Thanh Oai (Hà Nội) cũng là điều băn khoăn, lo lắng gần 300 giáo viên ở đây khi có nguy cơ sắp mất việc.
Giáo viên hợp đồng tập trung cạnh UBND huyện Thanh Oai để chờ lời giải thích thỏa đáng từ lãnh đạo huyện. Ảnh: Đình Tuệ/ Lao Động

Chúng tôi cần một lời giải thích

Những ngày qua, với các giáo viên ở Huyện Thanh Oai (Hà Nội), văn bản số 1020/UBND-NV của UBND huyện Thanh Oai với nội dung chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được UBND huyện ký hợp đồng, để chuyển về các trường do hiệu trưởng xem xét ký làm xáo trộn tâm tư của hàng trăm giáo viên hợp đồng nơi đây.

Cô Đ.T.N - Trường THCS Thanh Thùy (Thanh Oai) đã công tác trong ngành được 16 năm cho biết, là giáo viên dạy hợp đồng môn Toán nên chị mới may mắn có cơ hội trụ lại với nghề gần 20 năm qua với mức lương khởi điểm vẻn vẹn có 180 nghìn đồng. Đến thời điểm hiện tại, mức lương vừa tăng trong tháng 7 là 1.390 nghìn đồng/ tháng. Nếu trừ các khoản khác, hàng tháng chị cầm tiền lương là 1.230 nghìn đồng.

“Ngoài dạy chính thức, tôi được dạy thêm 1-2 lớp toán ở trường nên tổng thu nhập cũng được 3 đến 4 triệu. Còn nhiều giáo viên ở các môn Sử, Địa, giáo dục công dân không dạy thêm chỉ có lương hơn triệu thì không trụ lại với nghề được’- chị N chia sẻ.

 
Quyết định chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên ở huyện Thanh Oai. 

Nếu giáo viên THCS như chị N còn có tiền dạy thêm còn công việc của giáo viên mầm non một ngày làm quá 8 tiếng không thể nhận dạy thêm cũng như làm thêm công việc gì. Được biết, cũng trong lần chấm dứt hợp đồng lần này, có chị là giáo viên mầm non trong hoàn cảnh cực kì bi đát: chồng chết, một mình nuôi dạy 2 con. Vậy giờ mất việc, ba mẹ con họ sẽ loay hoay phải chuyển nghề, tìm việc khác để sống.

“Đùng một cái Huyện bảo cắt hợp đồng đi. Giờ chúng tôi người trên 40, người 50 tuổi rồi đi xin việc kiểu gì, lấy gì mà sống đây”- chị N nghẹn ngào chia sẻ. 

Một giáo viên khác ở Huyện Thanh Oai cũng trong diện này chia sẻ, cô đã công tác trong ngành được gần 10 năm. Thân phận giáo viên hợp đồng, ngoài đồng lương hưởng theo lương tối thiểu vùng, thầy cô không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào khác.

“Lương của tôi vừa tăng thêm 90.000 đồng, được tổng cộng 1.390.000 đồng. Đến nay, cộng dồn tất cả khoản thu nhập của cả hai vợ chồng vẫn chưa được 5 triệu đồng”.

Văn bản ngày 19/7 của UBND Huyện Thanh Oai gửi đi hơn chục hôm trước thực sự “dội gáo nước lạnh” vào gần 300 giáo viên ở đây. Tâm trạng chung của họ chỉ  biết hoang mang, lo lắng.

Vì thế, những người trong cuộc như họ chỉ có mong mỏi duy nhất trong lúc này là phía UBND huyện Thanh Oai có câu trả lời thỏa đáng và mong một cuộc gặp mặt để nói cho… rõ ràng.

Thi vào biên chế, không bao giờ có cơ hội?

Cũng theo phản ánh của các giáo viên hợp đồng huyện Thanh Oai (Hà Nội), họ cố lên lớp với đồng lương bèo bọt cũng chỉ vì yêu nghề. Đa số, họ duy trì được cuộc sống vì dựa vào chồng hay gia đình để nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được vào biên chế.

Cô giáo N cho biết, từ năm 2009 đến giờ, ở môn Toán của cô không có cuộc thi vào biên chế thêm lần nào. 

“Trong 16 năm làm cô giáo dạy hợp đồng, tôi đã thi 5 lần nhưng 5 lần đều trượt. Thậm chí, có đợt thi điểm cao nhất vẫn trượt vì cách tính điểm vào biên chế như bây giờ. Mặt khác, có đầy tiêu cực nảy sinh trong quá trình thi”- cô N cay đắng nói.

Cô N chia sẻ, nếu thi biên chế giáo viên chỉ là bài thi kiến thức thì không sợ nhưng nếu tính điểm cả bằng đại học, sư phạm vào thì giáo viên như chị thời kì trước sẽ không ưu thế bằng những sinh viên giai đoạn này vì giờ điểm đầu vào và bằng ra trường "dễ".

“Ngày xưa, chúng tôi vào cao đẳng sư phạm 2 môn cũng có khi lên tới 17-18 điểm nay đại học lấy 10 điểm/3 môn. Mặt khác, cả trường có khi cả 500-600 sinh viên mới có vài người bằng giỏi, chục người bằng khá thì nay các trường có đầy sinh viên ra trường đạt khá, giỏi. Như vậy, cộng điểm bằng đại học, cao đẳng trong việc thi vào biên chế giáo viên là không công bằng”- cô N nói.

Chưa kể, cũng theo cô N, với kiểu thi vào biên chế như giờ rất tiêu cực như nhờ người quen, chạy tiền khiến những người như cô không có cơ hội: "Nhiều học sinh của tôi đã vào biên chế, và họ đều nói phải có tiền"- cô N nói.

Cũng theo cô N, vấn đề ở Huyện Thanh Oai, từ năm 2014 đã kí đủ giáo viên, cớ sao, hàng năm, UBND huyện và các phòng chức năng vẫn ký thêm hợp đồng, hay nhận biên chế từ các nơi khác chuyển về để giờ thừa hàng loạt ra.

“Họ cần thì họ kí, còn giờ thừa thì đuổi là làm sao?”- cô N đặt câu hỏi.

Cô N cũng như nhiều thầy cô giáo khác ở Huyện Thanh Oai mong mỏi có cuộc họp bàn đôi bên về vấn đề này: “Không thể một dấu đỏ là chấm dứt, đuổi ngay hàng 300 giáo viên ra đường. Ngành sư phạm là đặc thù. Giờ gần 50 tuổi cô giáo đi bán hàng cũng chả cho ý chứ, biết tìm việc nơi đâu bây giờ?”.

Cũng theo cô N, cô đã vào một trường tư thục để xin việc nhưng bất thành: “Trường tư thục chỉ có 100 học sinh, cần 1 giáo viên môn Toán thì làm sao đủ sức chứa hết chúng tôi’- cô N nhấn mạnh.

Về những băn khoăn của giáo viên, ông Nguyễn Tuệ Sơn - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ với báo chí cho biết, huyện chỉ đang làm theo nghị quyết của cấp trên, nếu không làm đúng sẽ bị xử lý.

“Với gần 300 giáo viên hợp đồng của huyện, thời gian tới sẽ có đợt thi tuyển biên chế. Những ai đỗ sẽ được tiếp tục đứng trên bục giảng, còn không huyện sẽ có định hướng để thầy cô chuyển đổi công việc”- Ông Sơn cho biết.